Hàng ngày, có rất nhiều câu chuyện bạo lực xảy ra trong cuộc sống của chúng ta. Điều đó có thể ảnh hưởng khá tiêu cực đến tâm lý, nhận thức và hành vi của trẻ nếu như người lớn không tạo cơ hội cho chúng tiếp cận những thông tin đó một cách lành mạnh.
Khi một chuyện bạo lực xảy ra xung quanh mình, phụ huynh không nên giấu giếm, che đậy, không cho trẻ biết.
Trẻ em cũng cần được biết về những thông tin mang tính tiêu cực này. Tuy nhiên, hãy biết cách giải thích đúng đắn để trẻ hiểu và có nhận thức, tư tưởng và hành động đúng đắn đối với những vấn đề đó.
Các nhà tâm lý học và chuyên gia về giáo dục đưa ra lời khuyên về một số cách sau:
Nhiều phụ huynh cho rằng việc tránh cho trẻ khỏi những câu chuyện xấu, để trẻ luôn giữ sự ngây thơ, trong sáng là cách tốt nhất để bảo vệ trẻ.
Nhưng trẻ thường vẫn sẽ biết đến những thông tin này thông qua nhiều phương tiện như báo chí, TV, bạn bè... Thậm chí, thông qua lời kể của người khác, suy nghĩ của trẻ về vấn đề đó có thể bị 'lệch lạc'.
Vì vậy, phụ huynh không nên giấu diếm, né tránh mà hãy nói trực tiếp với trẻ, phân tích những điều đúng sai cho trẻ hiểu, hướng cho trẻ cách giải quyết đúng đắn trong trường hợp đó.
Nhưng trước hết, chúng ta cũng cần phải hiểu rõ nguyên nhân, diễn biến của vấn đề, có cái nhìn đúng đắn, có chính kiến về vấn đề đó trước khi nói chuyện với trẻ.
Khi trẻ biết đến những tin tức tiêu cực nhưng chưa hiểu rõ hết vấn đề, chúng ta cần giải thích cho trẻ rõ ràng để trẻ hiểu.
Đối với trẻ còn nhỏ tuổi, bạn nên liên kết sự việc diễn ra với thế giới xung quanh chúng.
Ví dụ, khi chúng nghe chuyện về một bạn nào đó trong lớp bị bắt nạt, hãy liên hệ đến chính bản thân trẻ. Nói cho trẻ biết khi chúng bị bắt nạt thì nên tìm ai, nên nói cho người lớn biết như thế nào, và nên đối xử với những bạn khác trong cuộc sống hàng ngày ra sao...
Hãy nói một cách dễ hiểu phù hợp với độ tuổi còn non nớt này.
Đối với trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên, bạn có thể cùng trẻ tìm hiểu nguyên nhân sự việc, hỏi về cảm nhận và suy nghĩ của trẻ về vấn đề tiêu cực đó.
Bạn có thể chia sẻ suy nghĩ, trải nghiệm của mình và cùng trẻ tìm hiểu cách giải quyết đúng đắn. Điều này giúp trẻ hiểu rằng, dù bất kì chuyện xấu gì xảy ra, bố mẹ sẽ luôn ở bên dẫn lối cho chúng.
Khi trẻ phải xem quá nhiều tin tức xấu sẽ hình thành một tâm lý tiêu cực khiến chúng bị tổn thương.
Vì vậy, nếu một sự việc bạo lực bị đưa tin quá nhiều trên TV, hãy chuyển kênh và giải thích cho trẻ về vấn đề đó. Thay vì để trẻ tự tiếp nhận, tự suy nghĩ, tự 'suy diễn' thông qua những tin tức trên TV.
Khi giải thích cho trẻ về những câu chuyện mang tính tiêu cực, phụ huynh nên cung cấp đầy đủ thông tin, đồng thời quan sát phản ứng của trẻ.
Hãy đặt câu hỏi về suy nghĩ, cách làm của trẻ trong tình huống đó. Sau đó chia sẻ suy nghĩ của bản thân mình với trẻ.
Bên cạnh đó, hãy trả lời những thắc mắc mà trẻ đặt ra để tránh những ảnh hưởng sai lầm đến suy nghĩ của trẻ, giúp trẻ làm rõ những hoài nghi và có nhận thức đúng đắn hơn.
Đây là một cách để tránh cho trẻ tiếp cận những nguồn tin sai lệch và những ý kiến không đúng đắn từ xung quanh.
Hãy cung cấp cho trẻ những nguồn thông tin đáng tin cậy để trẻ hiểu rõ nhất vấn đề, có nhận thức, tư tưởng đúng đắn, không mơ hồ.
Những thông tin mang tính tiêu cực sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tâm trạng, suy nghĩ và cả hành động trong tương lai của trẻ. Vì vậy, bố mẹ cần yêu thương trẻ nhiều hơn, để trẻ cảm nhận được sự ấm áp, an ủi từ người thân của mình.
Hãy cho trẻ nhận thức được rằng, tuy trên thế giới còn nhiều cảnh bạo lực, nhiều người xấu nhưng vẫn còn có những người tốt để trẻ học tập, noi gương.