Nam thanh niên bị hội chứng hậu COVID nặng sau 2 lần mắc COVID-19

Sau 2 lần dương tính với COVID-19, nam thanh niên 31 tuổi bị hội chứng hậu COVID nặng, với tổn thương phổi hơn 50%.

Ngày 15/3, bệnh nhân N.V.K (sinh năm 1991, ở Thường Tín, Hà Nội) được ra viện sau hơn 1 tháng điều trị COVID-19 và hậu COVID. Bệnh nhân đã tái mắc COVID-19 và lần thứ hai nhập viện tại BV Thanh Nhàn trong trình trạng tràn khí màng phổi.

Trực tiếp điều trị cho trường hợp này, Ths.BS Nguyễn Trọng Hưng, Khoa Khám bệnh và Phòng khám viêm đường hô hấp cấp, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, bệnh nhân K (31 tuổi) nhập viện lần đầu vào đầu tháng 2/2022, với tình trạng suy hô hấp.

Bệnh nhân trước đó điều trị COVID-19 tại BV Phú Xuyên và sau khi có kết quả âm tính ra viện vẫn còn tình trạng suy hô hấp như khó thở. Sau đó, bệnh nhân đến khám tại BV Bạch Mai và có chỉ định nhập viện. Tiếp đó, bệnh nhân chuyển tuyến sang BV Thanh Nhàn.

Khi BV Thanh Nhàn tiếp nhận trường hợp này, người bệnh vẫn có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và kèm theo tình trạng tràn khí màng phổi.

Bệnh nhân được chuyển lên khu điều trị COVID-19 và được ra viện sau 20 ngày. Thời điểm này, tình trạng tràn khí màng phổi của bệnh nhân đã được dẫn lưu, suy hô hấp đã đỡ và âm tính với COVID-19.

Ths.BS Nguyễn Trọng Hưng, Khoa Khám bệnh và Phòng khám viêm đường hô hấp cấp, Bệnh viện Thanh Nhàn thăm khám cho bệnh nhân hậu COVID-19

Đến đầu tháng 3, bệnh nhân tái khám trong tình trạng mệt mỏi, khó thở. Thời điểm vào viện này, bệnh nhân có chỉ số SpO2 là 91-92%. Sau khoảng 10 ngày điều trị tích cực, đến ngày 15/3, bệnh nhân được ra viện sau khi cai được thở oxy, song tổn thương phổi vẫn còn.

“Chúng tôi dự kiến hẹn bệnh nhân tái khám trong vòng 1 tháng. Đây là bệnh nhân nam trẻ tuổi, với tổn thương phổi hơn 50%. Bệnh nhân không tiêm vắc-xin, do vậy tổn thương phổi có xu hướng nhiều hơn người bệnh đã tiêm vắc-xin”, BS Hưng cho biết.

Cũng theo BS Hưng, ngoài việc chưa tiêm vắc-xin, có những yếu tố khiến tình trạng của nam bệnh nhân này nặng thêm. Đó là bệnh nhân đã uống thuốc ức chế miễn dịch không theo chỉ dẫn của bác sĩ, dẫn đến tình trạng suy tuyến thượng thận. Thêm nữa, bệnh nhân bị béo phì đái tháo đường khiến chuyến biến nặng hơn khi mắc COVID-19.

Bác sĩ khuyến cáo, người bệnh sau khi điều trị COVID-19 sẽ khám lại, nhất là nhóm bệnh nhân có bệnh nền; chưa tiêm vắc-xin; nhóm bệnh nhân đã điều trị ở ICU; và người bệnh tự theo dõi, điều trị tại nhà, đặc biệt là trẻ nhỏ. Theo bác sĩ Hưng, hiện nay, bệnh nhân vào điều trị hậu COVID thường ở tầm 60 tuổi trở lên, có bệnh nền sẵn và chưa tiêm vắc-xin hoặc mới tiêm 1 mũi, chiếm khoảng 50-60%.

“Người bệnh thường chủ động đi khám hậu COVID khi thấy người mệt mỏi, khó thở và hụt hơi khi đi lại. Các bệnh nhân nhập viện do hậu COVID đều có tình trạng suy hô hấp và tổn thương phổi hai bên nhiều. Những trường hợp này, chúng tôi sẽ dùng kháng sinh tuỳ theo tình trạng bội nhiễm bệnh nhân. Người bệnh bị khó thở và chỉ số SpO2 thấp. Theo đó, sau khi chụp chiếu đánh giá tình trạng của bệnh nhân, chúng tôi sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất. Có trường hợp bệnh nhân bị tắc phổi hai bên, lúc đó phải có phương án dự phòng là dùng thuốc chống đông”, BS Nguyễn Trọng Hưng nói.

Hiện tại BV Thanh Nhàn đang điều trị cho gần 200 bệnh nhân COVID-19, trong đó có khoảng 50 bệnh nhân nặng phải thở oxy, thở máy. So với thời điểm trước, số lượng bệnh nhân COVID-19 tăng lên nhưng số lượng bệnh nhân nhập viện lại ít đi và tỷ lệ tử vong giảm đi rất nhiều.

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan