Muốn nhanh biết bơi, đừng lười luyện thở

Để có thể học thở, học bơi mọi lúc mọi nơi, không phụ thuộc thầy bà, bể bơi, tiền bạc, thời gian... hãy áp dụng 2 “thủ thuật” dưới đây:

Gia Đình Mới giới thiệu series bài viết về Phòng, chống đuối nước do TS Phạm Anh Tuấn, Trưởng dự án “Phòng chống tai nạn sông nước cho học sinh với E-Bơi", người có tâm huyết với công việc này gần 20 năm nay.

“Liên tưởng”: Một con gà quay to và ngon mấy cũng cần được xé nhỏ mới có thể ăn được thì tại sao kỹ năng bơi lội không thể bị “xé nhỏ” thành các kỹ năng nhỏ hơn như Thở, Lặn / Nổi và Chuyển động để học từng thứ rồi ghép lại với nhau cho nhanh, cho dễ? Học mọi thứ cùng một lúc dưới nước quá bằng tống cả con gà quay vào mồm còn gì? 

“Biến trong thành ngoài, biến rẻ thành đắt”: Thay vì nhảy xuống bể bơi học thở, học lặn / nổi và chuyển động… tại sao không học mọi thứ liên quan tới bơi lội trên cạn rồi xuống nước thực hành? Ví dụ khi học thở, ta tập chay trước trên cạn, sau đó học thở với cốc nước hay cốc… sinh tố, với bát nước, chậu nước (biến trong thành ngoài), rồi tập thở với… thùng phuy, bể bơi mini (những thứ rất rẻ, rất dễ kiếm) rồi thực hành ở bể bơi hay môi trường nước hở sau.

Dù biết bơi chưa đảm bảo an toàn đuối nước 100% thì ai cũng nên học bơi. Bơi giúp người ta vui vẻ, mạnh khỏe, sống tự tin, yêu đời. Cảm giác của bạn ra sao khi những người khác bơi lội, đùa nghịch vui vẻ trong sóng biển còn mình thì ngồi trông quần áo trên bờ hoặc dò dẫm, loay hoay nhúng chân ngay sát mép nước? “Quê quê” hay là “kém tắm”, dân mạng gọi thế.  

Bơi bơi bơi, học bơi đi hỡi bạn ơi

Bơi bơi bơi, tận hưởng thú vui cuộc đời

Bơi bơi bơi, À lê A lế À lê

Bơi bơi bơi A lề A lế À lê…

(Lời chế theo bài hát The Cup of Life)

Bạn nên học bơi và có thể tự học theo trình tự “Từ đơn giản tới phức tạp; từ dễ tới khó” mà E-Bơi khuyến nghị dưới đây:

  • Học (Biết) Thở
  • Học (Biết) Lặn / Nổi
  • Học (Biết) Chuyển động trong nước
  • Học (Biết) Bơi tự cứu Dịch cân kinh
  • Học bơi chó
  • Học bơi ếch
  • Học đứng nước
  • Học bơi trườn sấp, bơi bướm, bơi ngửa; và
  • Sáng tạo ra các kiểu bơi mới. Tại sao không?

Trong bài này, ta sẽ cùng “luyện” thở. Dùng từ “luyện” thay cho từ “tập” để ngụ ý rằng muốn đạt tới một kỹ năng nào đó thì phải kiên trì tập luyện, trui rèn chứ không thể tập lơ mơ, hời hợt.      

Luyện thở tức là luyện kỹ năng thở ra dưới nước (“thở nước”), một kỹ năng cực kỳ quan trọng trong phòng chống đuối nước và bơi lội cơ bản. Có thể nói, biết thở là có cơ hội thoát đuối 70%; biết thở là coi như sắp biết bơi. 

Nguyên tắc thở khi bơi được viết ra cực kỳ đơn giản: “Trên mặt nước, thở vào bằng miệng, dưới mặt nước thở ra bằng mũi”. Cũng có thể thở ra bằng miệng, nhưng tốt nhất nên bằng mũi. Viết thì đơn giản nhưng thực hành với nước / dưới nước không dễ vì nó khác với cách thở bản năng, bình thường trên cạn.

Khi ngâm mình dưới nước, người mới học bơi dễ mất bình tĩnh, dễ bị phân tâm bởi nhiều chuyện, hậu quả là thay vì thở ra lại lẫn thành thở vào và bị sặc. Nhiều người học mãi vẫn không bơi được chỉ vì bỏ qua “luyện” thở. Chưa thở tốt đã muốn học quạt tay, đạp chân... giống như chưa thuộc bản Cửu chương đã bập vào các bài toán nhân chia phức tạp.

Để “luyện” thở tốt, hãy dùng thủ thuật “Liên tưởng” ăn gà quay, xé nhỏ kỹ năng “thở” thành các miếng ghép nhỏ hơn, rồi “nhai” từ từ, từ dễ tới khó, từ đơn giản tới phức tạp.

  • Thở chay luyện ý: Thở vào bằng miệng trong 2 hay 3 bước đi (đếm thầm 1, 2,… 3), thở ra bằng mũi trong 4 hay 6 bước đi (đếm thầm 1, 2, 3, 4, … 5, 6). Việc đếm số giúp ta định tâm vào quá trình luyện thở (rất giống với định tâm trong Thiền).

Cũng có thể thay bài tập trên bằng đứng lên thở vào, ngồi xuống thở ra cùng với đếm để định tâm. Bạn có thể sáng tạo ra nhiều bài tập thở chay luyện ý khác. Ví dụ, khi bò chui qua gầm bàn thì thở ra, đứng lên thở vào; hoặc như hình dưới đây, gập cánh tay để ngang trước ngực giả làm mặt nước khi thấp và há miệng thở vào, rồi từ từ đưa cánh tay trượt lên cao, khi lên tới mũi thì bắt đầu thở ra (ư ư…)…

Nước đã ngập qua đầu, phải nín thở hoặc thở ra ư ư… (Học sinh Tiểu học Nam Hồng, Thọ Xương Bắc Giang)
Xem thêm

 Nguyên tắc bất biến là “Trên mặt nước, thở vào bằng miệng, dưới mặt nước thở ra bằng mũi”;    

  • Tập “phun mưa”: Há miệng thở vào, ngậm miệng vào cốc chứa nước và “phun mưa” thở ra (bằng miệng). Khi thở ra, đếm thầm 1, 2, 3, 4… hay ngân ư ư… theo một giai điệu bài hát nào đó, cũng là để định tâm;
  • Tập thở với cốc sinh tố bơ: Cũng có thể tập với sinh tố cam, bột sắn dây quấy loãng… Mục đích là để cảm nhận áp lực của nước khi chìm đầu trong nước thở ra. Chìm càng sâu áp lực nước càng lớn (cũng là cách tạo cảm giác nước).

HỌC BƠI VỚI SINH TỐ BƠ

Chiều qua tôi ghé nhà hàng

Cất giọng gọi một cô nàng má hây

Em ơi mang giúp anh ngay

Một cốc Sinh Tố Bơ Đầy Tập Bơi

Ơ ơ anh có … hơi hơi…

Sinh tố để uống tập bơi thế nào?

Em mà không biết hay sao

Anh cắm ống nhựa, hít vào thổi ra

Tập bơi là thế thôi mà

Đã bơi là phải thở ra hít vào

Ở ta cũng thể ở Lào

Tập bơi là phải hít vào thở ra

Dù có sang tận nước Nga

Tập bơi vẫn phải thở ra hít vào

Anh toàn nói chuyện tào lao

Em là chưa thấy anh nào như anh…

Thôi mang sinh tố ra nhanh

Để anh hướng dẫn thực hành cho coi

Anh người duy nhất trên đời

Dạy bơi ở quán Cà Phơi (Phê) Hà Nồi (Nội)…

 

Xem thêm

 Tập thở với chậu nước: Há to miệng thở vào, ngậm miệng úp mặt vào chậu nước thở ra bằng mũi, vừa thở ra vừa ngân ư ư… để định tâm. Thực ra, cứ ngân ư ư… là hơi sẽ thoát ra đằng mũi.

 

 

Có hai cách lấy hơi: Quay cổ nghiêng mặt sang bên há miệng thở vào là lấy hơi của bơi trườn sấp (sải); Ngửa cổ, há miệng ra phía trước thở vào là lấy hơi của bơi ếch, bơi bướm.

Tập thở trong phuy nước: Với thùng phuy chứa 200 - 250 lít nước, các em học sinh tiểu học đã có thể ngâm mình tập thở và tập Lặn thụt dầu / Thả nổi.

Học sinh ở Chi Đông Hà Nội tập thở và lặn trong phuy nước

Tập thở ở bể bơi: Bám hai tay vào thành bể, tập ở nơi nước tới ngang cổ. Đơn giản chỉ là nhô lên thở vào, hụp xuống thở ra.

Chú ý: Nguy cơ đuối nước có ở khắp nơi nên trẻ nhỏ, học sinh không được tập luyện các bài tập với nước / dưới nước khi không có người lớn trông coi cẩn thận.    

Luyện thở tới khi nào đạt?

Khi nào bạn thoải mái úp mặt, chìm đầu vào trong nước và có thể kiểm soát hơi thở của bạn bằng cách nhô lên hụp xuống không khác gì bạn thở bản năng trên cạn là đạt yêu cầu.

Nếu đầu óc còn chút lo lắng, ngại ngùng, nếu còn khó chịu khi bị nước lọt vào mồm, khi nước trên đầu chảy xuống mặt, khi mũi bị sặc chút nước… là chưa thành thục.  

Bạn phải chuẩn bị một tâm thế nghiêm túc khi luyện thở. Tóc dài quá phải buộc lại, không có kính bơi, không có nút tai thì phải làm quen với việc nước có thể lọt vào mắt, vào tai... Nguyên tắc bất biến là không để ngoại cảnh làm nhiễu quy tắc “Trên mặt nước, thở vào bằng miệng, dưới mặt nước thở ra bằng mũi”.     

Khi dạy học, E-Bơi thấy, nhiều học viên mất khá thời gian với mái tóc lòa xòa che kín tầm nhìn, lúc lúc lại tháo kính ra, đeo kính vào, rồi dụi mắt, lau mồm, nhè nước bọt… Thở chưa luyện tốt thì không nên học các bước tiếp theo làm gì.   

Ngay cả khi bạn chưa muốn học bơi thì vẫn nên luyện thở, vì nếu chả may bị ngã xuống nước mà cứ đầu óc cứ loạn lên lo sặc nước, lo nước vào mắt, vào tai, vào mũi thì tính mạng sắp nguy rồi.

E-Bơi luôn luôn nhắc

Thở quan trọng ra sao

Với người học bơi lội

Nghe tưởng chuyện tầm phào

 

Thở ai mà chả biết

Sinh ra là thở rồi

Không khí chạy qua mũi

Đơn giản chỉ thế thôi

 

Tất nhiên nếu giữ được

Đầu luôn ở trên cao

Thì cứ thở bằng mũi

Học làm chi nhọc nào?

 

Nhưng ai mà có thể

Nắm tay sáng tới chiều

Một khi rơi xuống nước

Thở như cũ là “tiêu”

 

Trong bơi, thở số một

Phải tập luyện hăng say

Không thở sao mà sống

Để đạp, quạt chân tay?

 

Đầu ngập nước, ta nhớ

Nín thở hoặc thở ra

Mũi, miệng phun bong bóng

Hít vào sặc thành... ma

 

Trên mặt nước há miệng

Thật to, thở nhanh vào

Nếu vẫn hít bằng mũi

Sặc nước thì xin... chào!

 

Thở ngon rồi học tiếp

Thả nổi ngắm... cá bơi

Chuyện thở đâu lo nữa

Vì thành bản năng rồi

 

Học thở quan trọng lắm

Không phải chuyện tầm phào

Lớp một không qua được

Đừng đòi học lớp cao./.


Tin liên quan