Thường xuyên rửa tay với xà phòng làm giảm tới 50% các trường hợp mắc tiêu chảy, 25% các trường hợp bị nhiễm khuẩn đường hô hấp ở trẻ em dưới 5 tuổi…
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, tại Việt Nam, các bệnh truyền nhiễm gây dịch có tỷ lệ mắc trên 100.000 dân cao nhất là cúm, tiêu chảy, sốt xuất huyết, tay chân miệng, lỵ, quai bị, thuỷ đậu.
Như vậy, có gần một nửa các bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc cao nhất là những bệnh liên quan tới nước sạch, vệ sinh môi trường và đặc biệt là các hành vi vệ sinh cá nhân.
Thói quen rửa tay với xà phòng ở các thời điểm quan trọng như trước bữa ăn hoặc sau khi đi vệ sinh có thể ngăn chặn sự lan truyền mầm bệnh.
“Rửa tay với xà phòng làm giảm tới 50% các trường hợp mắc tiêu chảy, 25% các trường hợp nhiễm khuẩn đường hô hấp ở trẻ em dưới 5 tuổi, rửa tay với xà phòng và sử dụng nước ăn uống sạch làm giảm 15% các trường hợp suy dinh dưỡng thể thấp còi ở nhóm trẻ này. Rửa tay với xà phòng cũng làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tay chân miệng, cúm…” – bà Hương dẫn chứng.
Đó là những thông tin được PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương đưa ra tại buổi Mít tinh ngày Thế giới rửa tay với xà phòng với chủ đề “Giảm nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm – Vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn” do Bộ Y tế phối hợp với Bộ GD&ĐT đã tổ chức ngày 15/11.
Cũng tại buổi mít tinh ngày Thế giới rửa tay với xà phòng, chương trình truyền thông trực tiếp “Viện khoa học nhí” chuyên về Rửa tay với xà phòng được tổ chức cho hơn 1.300 học sinh trường Tiểu học Ngô Gia Tự (Long Biên, Hà Nội), hưởng ứng “Phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2018”.