'Lúc 7 giờ 30 tối, bác sĩ trực cùng tôi úp 2 gói mì tôm, chia mỗi người 1 gói. Chúng tôi vừa cầm đũa lên ăn được 2 miếng thì có chuông báo động... '- Tâm sự của bác sĩ Trần Văn Phúc, bệnh viện Xanh Pôn.
Làn gió xuân mơn man thổi trong đầu năm mới, hoa đào nở khắp quê hương.
Đêm giao thừa, bữa cơm tất niên, tôi bắt đầu với khoanh bánh chưng mẹ gói, bố loay hoay cố mở chai rượu vang màu đỏ. Bàn tay chai sần của bố vụng về. Chiếc li chạm vào miệng bát canh măng nóng hổi mẹ múc riêng cho tôi.
Bên ngoài, làn gió xuân mơn man thổi trong đầu năm mới, hoa đào nở, tiếng pháo nổ vang lên, mọi người chuẩn bị thêm những chiếc phong bì màu đỏ, đợi đến giao thừa để mừng tuổi cho nhau và chúc mừng năm mới.
Đó là đêm giao thừa của tôi gần 30 năm về trước.
Giao thừa năm nay, chiều 30 tết tôi dạo một lượt quanh các phố phường, thấy Hà Nội vắng, nhiều những cung đường không môt bóng người, cửa các ngôi nhà đóng im ỉm và tắt điện. Cũng có một số nhà mở cửa, những người đàn ông và những người phụ nữ trong những ngôi nhà đó đang chờ đón giao thừa và xem Gala hài táo quân. Họ vừa xem vừa chửi. Làn gió xuân mơn man vẫn đang thổi, hoa đào vẫn nở, nhưng đầy ngoài đường đào, mai, quất và đủ các loại hoa vất chỏng chơ.
Sáng mùng 1 Tết, trái đất ngây thơ như một đứa trẻ với những nụ đào hình trái tim quay về hướng có ánh sáng mặt trời. Đó chính là thời khắc mùa xuân đã về, giống như một bài thơ.
Nhưng bệnh viện thì chẳng bao giờ như một bài thơ.
Đó là nơi để một số đứa trẻ được sinh ra, một số người phải vào đó vì ốm, có những người phải vật lộn giữa sự sống và cái chết ở trong khoa hồi sức cấp cứu, bác sĩ và y tá phải cố gắng hết sức bảo vệ họ.
Lịch trực của tôi đúng vào ngày mùng 1 Tết.
Sáng thức dậy, tôi không kịp ăn uống, bước vội ra ngoài đường đi trực. Sương mù buổi sáng đầy và lạnh. Tôi sợ trời sẽ mưa nên quay vào nhà lấy thêm chiếc ô bỏ vào túi. Tôi mất hẳn niềm tin với chương trình dự báo thời tiết vì nó toàn làm cho tôi thất vọng.
Chưa đầy 10 phút tôi đã tới bệnh viện.
Nhìn vào khoa cấp cứu, tôi thấy hai dãy giường đã đầy ắp người, hẳn là đồng nghiệp của tôi đã có một đêm 30 trực rất vất vả. Y tá chạy đi chạy lại với các chai dịch truyền nhỏ giọt. Vẫn quang cảnh quen thuộc như mọi ngày. Tôi không có cảm nhận tết ở nơi đây, ngoại trừ cây quất bệnh viện mua về đặt trước cửa tòa nhà lớn, chẳng ai buồn chăm sóc, lá đã rụng ¾ và quả rụng mất ½.
Vừa nhận trực bác sĩ đã mời hội chẩn một ca tắc ruột.
Bệnh nhân đau bụng, nôn mửa, bí trung đại tiện bắt đầu từ sáng qua; tiền sử đã có 3 lần điều trị tắc ruột. Theo kinh nghiệm của bác sĩ ngoại khoa, suốt quá trình dài theo dõi tình trạng không giảm, bệnh nhân rất khó để thoát được cuộc mổ.
Nhưng đêm 30 Tết, gia đình không muốn động dao kéo vào thời điểm năm cùng tháng tận, mùng 1 Tết lại càng kiêng hơn, nguyện vọng muốn bác sĩ cố gắng duy trì sang mùng 2 Tết.
Tôi xem đi xem lại rất kĩ hình ảnh chụp cắt lớp vi tính trước đó 30 phút, thấy ruột non bị tắc hoàn toàn, có một dây chằng vắt qua đoạn ruột non làm cho nó bị nghẹt lại.
May mắn là thành ruột chưa bị phù nề nhiều, chưa có tình trạng thiếu cung cấp máu, bụng chưa có dịch, nếu đặt sonde dạ dày và hậu môn, bù nước điện giải tốt, hi vọng chờ được sang mùng 2 Tết.
Tôi trao đổi với đồng nghiệp cố gắng thuyết phục gia đình đồng ý mổ sớm. Lí do là, tại thời điểm tôi xem phim, số lượng mà mức độ quai ruột non giãn chưa nhiều, mổ nội soi sẽ dễ dàng. Đợi sang mùng 2, các quai ruột giãn to, trường mổ bị thu hẹp, làm cho bác sĩ rất khó tìm dây chằng, thậm chí không thể tìm nổi đành phải mổ mở, sẽ rất nặng nề.
Sáng mùng 1 Tết thường vắng nhưng năm nay ngược lại.
Cả ngày mùng 1 quá đông, bệnh nhân liên tục đến siêu âm, phim chụp Xquang liên tục chuyển đến yêu cầu đọc. Chụp cắt lớp vi tính cũng nhiều, may mắn là không có ca bệnh khó, chủ yếu chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não, viêm tụy cấp, ho ra máu do lao, viêm phổi, viêm ruột thừa.
Trong số những bệnh nhân chụp cắt lớp vi tính dễ chẩn đoán ấy, có một bệnh nhân dễ nhất, đó là cháu bé khoảng 10 tuổi bị tai nạn giao thông, tổn thương vỡ xương trán lan xuống nền sọ, đi qua hệ thống xoang hơi, gây tụ máu trong xoang.
Tôi đã nói với bác sĩ trẻ trực cùng là phải xem kĩ lại đường vỡ, đo tỉ trọng dịch trong xoang, đừng vội tin dịch đó hoàn toàn là máu. Nếu tổn thương có rách màng não, gây rò dịch não tủy, dịch chảy vào xoang, sẽ trở nên rất phức tạp. Vì thế mà phải đo tỉ trọng dịch, để phân biệt máu hay dịch não tủy rò vào xoang, phải kiểm tra lại sau này.
Nghĩa là không có gì đơn giản để được phép bác sĩ chủ quan.
Cũng có một tình huống hài hước, là lúc 10 giờ sáng, tôi đi lấy cốc để pha cà phê, muốn có một chút hương vị ngày Tết trong phiên trực bận rộn.
Chưa kịp pha thì một cặp vợ chồng đưa cháu bé vào siêu âm, tôi nói chờ khoảng 5 phút thì người mẹ trả lời cháu đang rất đau. Thực ra cháu chỉ tiểu buốt rắt. Tôi dừng ngay việc pha cà phê, đặt chiếc cốc lên mặt bàn, thực hiện siêu âm cho bé.
Người mẹ hỏi mượn cái cốc, nhưng nhanh tay với lấy luôn, không chờ tôi đồng ý, tôi tưởng chị đi lấy nước cho con uống nên cũng không giành lấy chiếc cốc.
Khi con chị đứng xuống đất, chị vạch luôn quần cho con đái vào đó. Tôi hỏi sao chị lại cho cháu đái vào cốc, thì chị nói để mang đi xét nghiệm, rồi sẽ rửa cốc sạch sẽ trả lại cho tôi.
Đời vẫn có những người vô tư và đáng yêu như vậy!
Trực cấp cứu, điện thoại di động thỉnh thoảng lại đổ chuông, các khoa có bệnh nhân nặng yêu cầu đến làm siêu âm tại giường, hoặc hỏi ý kiến tư vấn về lĩnh vực chuyên khoa của chúng tôi.
Theo kinh nghiệm của tôi, trong những ngày Tết Nguyên đán, một số bệnh có nguy cơ cao mắc cấp tính, bệnh liên quan đến nghiện rượu, ngộ độc thực phẩm, viêm tụy nặng, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, đặc biệt là tai nạn.
Bệnh nhân tai biến mạch não thời gian là vàng.
Vì thế mà bệnh viện đã cho lắp chuông báo động, khi bệnh nhân vào phòng cấp cứu là bấm chuông, các bác sĩ phải ngay lập tức dừng mọi việc để vào vị trí triển khai cấp cứu.
Lúc 7 giờ 30 tối, bác sĩ trực cùng tôi úp 2 gói mì tôm, chia mỗi người 1 gói. Chúng tôi vừa cầm đũa lên ăn được 2 miếng thì có chuông báo động. Điện thoại của tôi cũng có luôn 2 cuộc gọi khẩn cấp tham gia cấp cứu bệnh nhân.
Tôi chạy nhanh đến phòng chụp cắt lớp vi tính, đã thấy bệnh nhân đang được hút ôxy qua lỗ mũi, nửa người trái đã tê cứng vì tắc mạch máu não, may mắn là gia đình đưa đến viện sớm nên khi bác sĩ giơ 1 ngón tay bảo đếm, thì bệnh nhân vẫn còn có thể nói được, nhưng không đủ tỉnh táo nên đếm 1 ngón thành 2.
Phát hiện tai biến mạch máu não rất đơn giản với 3 nghiệm pháp:
- Yêu cầu bệnh nhân MỈM CƯỜI.
- Yêu cầu bệnh nhân NÓI một câu đơn giản: gọi tên, đếm ngón tay.-
Yêu cầu bệnh nhân GIƠ TAY.
Khi bệnh nhân cười mà miệng bị méo, gọi tên hay đếm ngón tay không chính xác, không giơ được một tay nào đó lên, nghĩa là đã bị đột quỵ não. Bệnh nhân phải được cấp cứu càng sớm càng tốt, nếu không sẽ đe dọa tính mạng, thời gian chỉ trong vòng 4- 6 tiếng.
Nhưng các thành viên trong gia đình thường hay tự xử lí theo những cách đồn thổi, như chích máu 10 đầu ngón tay, chích máu dái tai, cho uống viên an cung ngưu. Một số người nhận ra được sự nghiêm trọng, nhưng lại không biết cách vận chuyển bệnh nhân đến viện thế nào cho đúng.
Rõ ràng, bác sĩ đang chạy đua với đột quỵ não, nhưng sự phổ biến kiến thức đột quỵ não cho người dân vẫn cần phải đi thêm một chặng đường rất dài.
Trực cấp cứu ban đêm cũng không khác gì ban ngày. Nhưng sau 12 giờ đêm bệnh nhân cũng giảm bớt đi một chút. Bác sĩ đồng nghiệp trực cùng tôi, dù là nữ, nhưng từ 8 giờ sáng mùng 1 Tết đến thời điểm này là 4 giờ 30 sáng ngày mùng 2 Tết, vẫn chưa được nằm xuống giường một phút nào.
Cô bác sĩ cũng như tôi, cả hai cùng chạy đi chạy lại như con thoi giữa các phòng, ánh sáng đèn làm chúng tôi quên mất khái niệm ngày và đêm.
Hàng trăm bệnh nhân, mỗi người đến với chúng tôi bằng một nguyên do khác nhau, nhưng cuối cùng đều chung một hành trình đi tìm lại sức khỏe và sự sống. Mọi bệnh tật đều được chúng tôi chẩn đoán và điều trị cẩn thận, mọi dấu hiệu và mọi chỉ số đều được chúng tôi soi xét kĩ, chúng tôi cố gắng cẩn thận để không mắc phải những sai lầm không thể sửa chữa.
Bận rộn, không biết thời gian trôi qua, cho tới khi ê kíp mới đến nhận bàn giao trực lúc 7 giờ, thì chúng tôi mới ngẩng mặt lên nhìn ra ngoài cửa sổ; và chúng tôi bừng tỉnh, đã 7 giờ sáng mùng 2 Tết Nguyên đán.
Và chúng tôi phải về nhà để ngủ…