Vào dịp Tết Đoan Ngọ 5/5, nhiều gia đình thường làm mâm cỗ cúng tổ tiên và thần thánh cầu mong một mùa làm ăn thuận hòa, may mắn. Vậy mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ nên có những gì?
Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là Tết Đoan Dương, Tết giết sâu bọ. Tết Đoan Ngọ là ngày 5/5 Âm lịch. Năm nay, Tết Đoan Ngọ rơi vào thứ Hai, ngày 14/6/2021.
Vào ngày này, các gia đình thường chuẩn bị mâm cỗ cúng để dâng tổ tiên, thần thánh, với mong muốn cầu cho một mùa màng bội thu, không bị sâu bệnh phá hoại và cầu mong sức khỏe.
Mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ của người Việt thường có các lễ vật gồm: hương, vàng mã, hoa tươi, nước, các loại trái cây (mận, vải…), bánh tro, bánh ú, cơm rượu nếp, xôi, chè…
Ngoài ra, tùy vào tập tục mỗi vùng miền, địa phương và điều kiện mỗi gia đình mà mâm cỗ cúng có thể có những khác biệt.
Người miền Bắc thường cúng Tết Đoan Ngọ với cơm rượu nếp cái hoa vàng. Hoa quả thường có mận, vải, đào, xoài, dưa hấu… Ngoài ra món bánh tro (bánh gio) cũng là lễ vật đặc trưng ở miền Bắc.
Người miền Trung thường cúng Tết Đoan Ngọ bằng cơm rượu nếp trắng, được đóng thành khối chứ không rời như miền Bắc.
Ngoài ra, thịt vịt là lễ vật rất đặc trưng trong mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ của miền Trung.
Người Huế thường cúng chè kê, một món đặc sản của nơi đây.
Cơm rượu nếp của miền Nam đặc biệt là thường được viên thành khối tròn, khi ăn pha thêm chút đường.
Chè trôi nước, bánh ú cũng là những món đặc trưng trong ngày Tết Đoan Ngọ của người miền Nam.
>> Xem thêm: Văn khấn Tết Đoan Ngọ 5/5 chuẩn phong tục cổ truyền Việt Nam