Việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất, chung cư ở Hà Nội rất nhiều thủ tục. Trong đó có các khoản phí người mua nhà cần phải đóng. Nếu không hiểu rõ, người mua nhà có thể thiệt thòi.
Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Hồ Anh Khoa – Giám đốc Công ty Luật TNHH LLA và cộng sự (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết:
Khi chuyển nhượng nhà đất, những khoản phí và lệ phí bắt buộc phải đóng khi sang tên chính chủ nhà đất gồm:
Thứ nhất các bên cần phải quan tâm đến khoản thuế thu nhập cá nhân của bên bán (trừ trường hợp mua trực tiếp từ chủ đầu tư). Dựa trên văn bản chuyển nhượng, các bên sẽ làm thủ tục kê khai thuế thu nhập cá nhân của bên bán, sau đó cơ quan thuế sẽ phát hành thông báo thuế - đây là những hồ sơ cần thiết để thực hiện thủ đăng ký trước bạ.
Khoản tiền thuế thu nhập cá nhân đối với bên chuyển nhượng được áp dụng là 2% tính trên giá chuyển nhượng.
Trường hợp trên hợp đồng chuyển nhượng không ghi giá hoặc giá trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá đất do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng thì giá chuyển nhượng được xác định theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng.
Thứ hai là khoản lệ phí trước bạ đối với nhà đất là 0.5% tính theo giá tính lệ phí trước bạ nhà đất theo quy định của pháp luật.
Thứ ba là phí công chứng hợp đồng chuyển nhượng, được tính trên tổng giá trị quyền sử dụng đất và giá trị tài sản gắn liền với đất, giá trị nhà ở, công trình xây dựng trên đất.
Thứ tư là một số khoản lệ phí khác do HĐND cấp tỉnh quy định theo thực tế từng địa phương, như: Lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất, hay Phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trong hợp đồng chuyển nhượng các bên sẽ thỏa thuận cụ thể, bên nào là bên chịu nghĩa vụ thanh toán các nghĩa vụ tài chính nêu trên và thông thường sẽ được bù trừ hoặc tính thêm vào giá chuyển nhượng.
Khoản phí 2% khi mua chung cư là gì?
Theo quy định của Luật Nhà ở 2014, thì khoản phí 2% mà người mua nhà chung cư phải đóng và được tính vào tiền mua nhà, được gọi là kinh phí bảo trì.
Kinh phí bảo trì này sẽ do chủ đầu tư thu từ người mua nhà, sau đó có trách nhiệm gửi vào tài khoản tiền gửi tiết kiệm mở tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để quản lý kinh phí này và thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà chung cư biết; để rồi sau này sẽ giao lại toàn bộ (cùng lãi tiền gửi tương ứng) cho Ban quản trị nhà chung cư được thành lập.
Kinh phí bảo trì này được sử dụng để bảo trì phần sở hữu chung của tòa nhà và phần sở hữu chung của khu căn hộ, và tách biệt với phần giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư.
Nếu mua nhà chung cư trực tiếp từ chủ đầu tư, cần xác định ngay xem những ai sẽ đứng tên trên giấy chứng nhận sở hữu sau này. Nếu muốn cả 2 vợ chồng, thì cả 2 sẽ cùng ký hợp đồng với chủ đầu tư.
Nếu mua nhà chung cư bằng hình thức nhận chuyển nhượng hợp đồng từ chủ cũ, thì cần lưu ý phải thực hiện thủ tục công chứng đối với văn bản chuyển nhượng hợp đồng; sau đó, xin xác nhận của chủ đầu tư chuyển tên từ chủ cũ sang cho các bạn.
Nếu mua nhà mặt đất, thì các bạn cần hình dung, việc công chứng hợp đồng chuyển nhượng mới chỉ là bước đầu của giao dịch chuyển nhượng này. Giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất chỉ có hiệu lực khi các bạn hoàn tất thủ tục đăng ký chuyển nhượng (sang tên từ chủ cũ sang cho các bạn).