Hơn 20 năm trong nghề, Bác sĩ Hưng đã không còn bất ngờ khi nghe bệnh nhân cục súc gọi mình là “thằng” nữa nhưng nỗi lòng của anh thì không phải ai cũng có thể thấu hiểu...
Hơn 20 năm trong nghề, Bác sĩ Hưng đã không còn bất ngờ khi nghe bệnh nhân cục súc gọi mình là “thằng” nữa nhưng nỗi lòng của anh thì không phải ai cũng có thể thấu hiểu...
Đứng ở lan can tầng 2 của Khoa Nội, Bệnh viện 09 nhìn ra, con đường 70 Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội ồn ã, tấp nập xe cộ qua lại. Nhưng bên trong cánh cổng tường rào của Bệnh viện 09, mọi thứ đều tĩnh lặng.
Đây cũng là nơi Thạc sĩ Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng - Trưởng Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện 09 gắn bó làm việc suốt hơn 20 năm qua. Công việc của anh là điều trị bệnh nhân HIV, nhiều người bệnh bị nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối.
Hơn 20 năm làm việc tại đây, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng vẫn chưa lý giải được tại sao mình lại gắn bó với công việc này lâu như vậy.
Khi không mặc áo blouse, diện nguyên cây đen, mái tóc húi cua, ít người tin anh là bác sĩ, mọi người bảo “gấu” quá! Anh chỉ cười, như thế tiết kiệm được nước, dầu gội đầu, thời gian tắm gội, mùa hè mát mẻ, mùa đông đỡ cào đầu vì gàu; tính cách anh hiền hoà nên phải tạo vẻ ngoài khác đi, nhỡ may để dài, ai túm tóc đánh thì khổ. Còn bây giờ, anh để đầu 3 phân vì muốn che giấu tuổi tác hiện rõ qua mái tóc bạc.
- Sao nhiều người cũng là bác sĩ mà họ làm việc ở bệnh viện khác. Còn bố, bố lại làm ở bệnh viện AIDS?
Cậu con trai lớn thắc mắc như vậy, rồi cô con gái thứ hai cũng tiếp tục hỏi bố câu tương tự, bác sĩ Hưng lục lại quá khứ.
Anh nhớ lại, những ngày đầu con tới trường, con rất muốn anh dẫn vào tận lớp học, mỗi buổi biểu diễn văn nghệ đều muốn bố tới cổ vũ, tự hào với bạn bè đây là bố của tớ.
Rồi những lần đến đón con gần đây, con cứ bắt bác sĩ Hưng đứng chờ ở ngoài, không cho anh vào trong tiếp xúc với bạn bè thay vì như trước đây, con đều hãnh diện khi được bố đưa đón.
Bỗng dưng con lại hành xử như vậy, bác sĩ Hưng chưa hiểu được… Những thắc mắc con trẻ cứ gieo vào lòng anh mỗi ngày, trở thành một nỗi trăn trở đến quặn lòng: “Con không muốn mình tiếp xúc với bạn bè chúng phải chăng vì mình làm việc trong môi trường này? Có lẽ, con đi đâu cũng mặc cảm về bố với bạn bè…”. Anh giật mình!
Hoá ra, bạn bè con biết về công việc bố mẹ qua tờ khai nghề nghiệp của phụ huynh. Những suy nghĩ này của hai đứa con đã được thốt ra từ hơn 1 năm trước, trong bữa cơm hay sau mỗi ngày gặp bố khi trở về nhà. Chỉ là khi nghe con tâm sự, anh vô tình bỏ qua hay tập trung vào công việc mà quên đi.
Khi hướng con thi cấp 3 chuyên sinh, cậu con trai liền hỏi: “Bố muốn con học chuyên sinh để bắt con đi theo nghề y của bố đúng không? Con không theo nghề của bố đâu!”
Tâm tư của con, câu hỏi ngờ vực của con, lời kiên quyết khẳng định của con như một cú đánh chí tử vào bản thể của người làm bố.
Bác sĩ Hưng tâm sự, khi tư vấn con học chuyên sinh, anh cũng không nghĩ mình lại tiếp tục định hướng con học để trở thành bác sĩ. Anh không ép buộc các con phải làm gì để thoả lòng anh cả. Nhưng với trách nhiệm và sự yêu thương của người làm cha, anh không để mặc con chênh vênh giữa cuộc đời này...
Hơn 20 năm là bác sĩ điều trị của bệnh nhân đặc biệt, từ khi là bác sĩ cắt cơn giải độc ma tuý tại Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội 06 đến bây giờ là bác sĩ gắn liền với mảng điều trị bệnh nhân HIV/AIDS, bác sĩ Hưng đã từng chứng kiến nhiều cái chết đơn độc.
Bác sĩ Hưng tâm sự, anh nhớ mãi bệnh nhân HIV sắp chết mà không có người thân bên cạnh. Nhìn hai hàng nước mắt bệnh nhân chảy ròng ròng, anh vỗ về:
- Em cung cấp cho anh số điện thoại để liên lạc với gia đình!
Bệnh nhân chỉ im lặng, lắc đầu rồi ra đi khi giọt nước mắt vẫn còn vương trên gò má. Người bệnh ấy chỉ có 1 cỗ xe, 1 quan tài, 1 bát hương, 1 quả trứng, 1 vòng hoa tiễn đưa.
Những người đồng bệnh xếp hai hàng cúi đầu vĩnh biệt, “Có thể người tiếp theo sẽ là mình!”. Chuyến xe lầm lũi đưa người khuất về nơi an nghỉ cuối cùng.
Thấu hiểu nỗi lòng đó, cách đây 10 năm, các bác sĩ quyết định lập một bàn thờ trong khuôn viên bệnh viện. Mỗi lần có bệnh nhân qua đời, họ lại đến đây để thắp hương cho người đã khuất, mong muốn phần nào xoa dịu nỗi đau cho họ.
Chấp nhận làm việc trong môi trường này, bất cứ ai cũng có thể lây nhiễm từ bệnh nhân. Bởi người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS mắc rất nhiều bệnh nhiễm trùng cơ hội. Điển hình là lao.
Người ta vẫn nói sinh nghề tử nghiệp nhưng với bác sĩ Hưng, anh tin vào số phận.
Hôm nay mình không chết vì bệnh này thì có thể ngày mai mình lìa xa cõi đời vì bệnh khác. Nên anh suy nghĩ, nếu trong quá trình làm việc bị mắc bệnh này là chuyện bình thường, trong lòng không có gì phải lấn cấn.
Bác sĩ Hưng đã từng muốn chuyển môi trường làm việc, thậm chí bỏ hẳn công việc của một người bác sĩ. Nhưng cứ có điều gì đó níu chân anh ở lại nơi này.
Đôi khi, anh hỏi liệu mình có sai lầm khi làm việc tại đây không? Tại sao mình lại ở đây, làm công việc này?
Bỏ ra nhiều công sức, rút ruột rút gan thực hiện nhưng khi nhìn lại, thấy mình tay trắng. Cảm giác ấy đâu đó lẩn khuất trong nỗi lòng của bác sĩ Hưng. Anh luôn dự phòng cho mình những giây phút để tự vực mình dậy, giúp bản thân đủ nghị lực để tồn tại và tiếp tục.
Việc để điều trị hiệu quả thì cần bệnh nhân tuân thủ điều trị. Nếu bệnh nhân không làm được thì người nhà phải hỗ trợ. Nhưng ở nơi đây, bệnh nhân đơn độc, với tâm lý bất thường.
Đó là nỗi buồn.
Nhiều lúc, đi dọc đường từ nhà để xe lên khoa, qua bàn thờ đoạn khúc cua, anh vu vơ nghĩ: "Hay những người đã khuất không cho tôi đi đâu… Tôi đã từng lý giải hay là mình lười, mình không muốn làm lại từ đầu, mình không đủ kiên nhẫn, mình sợ môi trường mới, sức ì quá lớn, hay thôi già rồi làm mấy năm nữa rồi về hưu, lựa chọn an phận!”
Anh cũng đã từng nghĩ đây cũng chỉ là một điểm dừng chân, nhưng không phải. Mọi điều cứ dẫn dắt anh đi. Nghề chọn anh rồi. Nên anh chẳng đi nổi.
Đa số bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc, rối loạn tâm thần, có hành vi lệch chuẩn nên các y bác sĩ tại đây cần có cách hành xử đặc biệt, cần lầ nơi vực họ dậy.
Vì vậy, bác sĩ Hưng không còn con đường nào khác ngoài lựa chọn phải làm cho người bệnh tin mình, để người bệnh coi mình là chỗ dựa tinh thần và giúp họ kéo dài sự sống.
Bởi những bệnh nhân HIV được điều trị hoàn toàn có thể sống đến cuối đời với tuổi thọ rất cao. Họ không mang án tử cận kề như các trường hợp mắc các căn bệnh khác phổ biến hiện nay như ung thư, tiểu đường, cao huyết áp... Anh tìm cách đến gần, thuyết phục và hoà đồng với họ.
Hơn 20 năm, chưa một lần được ôm bó hoa vào ngày 27/2 từ người bệnh và người nhà bệnh nhân. Hầu hết bệnh nhân điều trị tại đây là gái mại dâm, nghiện hút, nhiều người là nạn nhân và vô tình bị lây nhiễm, mang trong mình căn bệnh thế kỷ nên họ tiêu cực, bất hợp tác với bác sĩ.
Việc bệnh nhân cầm kim tiêm dọa bác sĩ, thậm chí cầm dao đâm liên tiếp vào bạn cùng phòng là những chuyện không còn lạ lẫm ở đây. Anh cũng từng bị kim đâm vào tay trong một lần cắt cơn giải độc cho một bệnh nhân AIDS nhưng may mắn anh vẫn âm tính với căn bệnh.
Bác sĩ Hưng đã không còn bất ngờ khi nghe bệnh nhân cục súc gọi mình là “thằng”. Nhưng cũng có không ít bệnh nhân trân trọng anh, đến mức khi không còn điều tri tại đây, gặp lại, họ nói với anh lời thân thiện, chừng mực: Em chào thầy, em chào anh, cháu chào chú, chú có khoẻ không… Đây cũng chính là động lực để anh đi tiếp con đường này.
Làm việc tại Bệnh viện 09, bác sĩ Hưng đối mặt với câu chuyện kỳ thị của xã hội. Bác sĩ Hưng tâm sự, khi nói với hàng xóm là làm việc tại tại Bệnh viện 09, chuyên chăm sóc cho người HIV/AIDS, thì không ít người nhìn anh bằng con mắt khác hẳn. Có người xót thương buông lời cay đắng: “Anh làm ở đó nguy hiểm nhỉ?”. Còn bạn bè anh thì trêu đùa: “Cả đời này tôi chẳng nhờ được ông rồi!”.
Những thiếu sót về chuyên môn có thể nỗ lực hằng ngày để trau dồi nhưng chẳng thể nào bù đắp nổi những nỗi đau về mặt tinh thần mà tất cả các y bác sĩ làm việc tại đây đang phải gồng gánh. Những điều mà bác sĩ Hưng cho là sang chấn tâm lý đó, anh lặng lẽ chịu đựng một mình. Anh suy nghĩ, có lẽ không chia sẻ với ai thì sẽ tốt hơn.
Vậy là, cứ hôm nào trời nổi cơn giông gió, anh lại phi xe máy lên Hồ Tây. Đi dưới cơn mưa vùi, anh nghĩ về công việc mình đang làm, về khoảng thời gian đã qua và hiện thực. Những ngày đầu chập chững vào nghề, tất cả không chỉ là sự mới mẻ, lạ lẫm đơn thuần mà anh như đi lạc vào một thế giới khác, với những con người anh chẳng thể ngờ nổi sẽ xuất hiện trong sự nghiệp làm bác sĩ của mình.
Phanh áo, hứng từng đợt mưa xối xả, nhìn mặt nước sóng vỗ ầm ào, anh như trút bỏ được nỗi niềm đang mang. Sau trận mưa ấy, anh thấy mặt hồ phẳng lặng trở lại. Anh lại lao vào trận tuyến can trường đó.
Khi phải đối mặt với sự nguy hiểm, phía trước và đằng sau đều bị bủa vây bởi căng thẳng, thì ai cũng cần điểm tựa. Với bác sĩ Hưng, điểm tựa đó chính là sự bình yên chứ không cần ai đứng ra che chở cho mình.
Nó giản đơn như khi ra đường gặp bạn bè nói chuyện vui vẻ với nhau, nhâm nhi cốc bia cả buổi chiều mà chẳng cần nói với nhau lời nào, về nhà thấy con cái tự giác học hành, gia đình yêu thương nhau… Mọi diễn biến của cuộc đời từ đó mà tự nhiên trở nên bình yên.
Làm việc trong môi trường sóng gió, chiến đấu như một người chiến sĩ thầm lặng, những gì chịu đựng được đã trải nghiệm rồi, phải trải qua cũng đã thấm đẫm rồi. Giờ đây, khi chạc độ tuổi ngũ tuần, mọi thứ với bác sĩ Hưng đã thành bão hoà.
Anh và các y bác sĩ ở đây thường đùa với nhau, bước chân ra khỏi cổng, thấy tim mình vẫn đập bình thường là biết mình vẫn còn sống sót.
Bước chân vào cánh cổng Bệnh viện 09 là sự căng thẳng, rời đi trong bình yên. Cuộc đời như vậy là đủ với bác sĩ Hưng.