Một ngày đầu tháng 7/2018, bản tin phát thanh buổi chiều của thị trấn Cô Tô (Quảng Ninh) chợt vang lên: Khu vực Minh Châu – Cô Tô gió Nam cấp 3, cấp 4, gió có lúc giật cấp 5, cấp 6.
Đại diện Cảng vụ Đường thuỷ nội địa tại cụm cảng Cẩm Phả - Vân Đồn thông báo ngừng cấp phép rời cảng, bến cho các phương tiện hoạt động trên tuyến Vân Đồn – Cô Tô, Vân Đồn – Thanh Lân và ngược lại...
Nghe tin này từ vọng qua cửa sổ căn phòng làm việc của Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Cô Tô, Bác sĩ Bùi Thị Thuy – Giám đốc Trung tâm bất chợt bần thần, mắt nhìn xa xăm về phía cây hoàng lan lá đọng nước trước cửa phòng.
Quay lại trò chuyện với PV Gia Đình Mới, chị bảo đã gần một tháng nay, chị chưa được vào bờ thăm chồng, chơi với con của mình.
"Chị không dám về chứ không phải không muốn về. Càng những ngày thời tiết xấu, chị lại càng bám trụ ở đảo, giống như chiếc xe cấp cứu đang đậu dưới sân, luôn trong tâm thế sẵn sàng tiếp nhận, xử lý tình huống bất ngờ xảy đến".
Bởi với những người ở đảo lâu như các chị thì những đợt gió Nam ập đến cũng đồng nghĩa với việc di chuyển từ đảo về đất liền và từ đất liền ra đảo gặp nhiều khó khăn hoặc không thể thực hiện được. Nếu có trường hợp nào phải cấp cứu thì sao?
Bác sĩ Thuy theo bố mẹ đi xây dựng kinh tế mới ở huyện đảo Cô Tô từ năm 1979. Hình ảnh quân nhân với chiếc mũ nồi, đi dép quai hậu trong lớp tập huấn quân sự lung linh hết cả tuổi thơ của bác sĩ Thuy. Chị mơ một ngày cũng được khoác lên mình bộ trang phục đó, kiêu hãnh phụng sự Tổ quốc.
Thế rồi, gác lại ước mơ ấy, bác sĩ Thuy nghe theo lời bố mẹ, học y để tự chăm lo sức khoẻ cho bản thân và chăm sóc gia đình.
Bác sĩ Thuy tạm biệt bố mẹ, rời hòn đảo đã cùng chị lớn lên, cập bến đất liền trên chuyến phà mang theo khát vọng của thiếu nữ 18 tuổi – cố gắng học hành để trở thành một nhân viên y tế.
Giữ lời hứa với nơi cách đất liền 32 hải lý, bác sĩ Thuy trở về quê nhà sau khi học xong trường Trung học Y tế Quảng Ninh (nay là trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh). Năm 1994, TTYT huyện Cô Tô được thành lập, chị đầu quân về đây làm việc.
Những năm tháng đó, huyện đảo Cô Tô chưa có điện lưới quốc gia. TTYT buộc phải chạy máy phát với hai khung giờ, từ 7 giờ đến 11 giờ và từ 13h30 đến 16 giờ. Thời gian còn lại trong ngày, trung tâm phải dùng bình ắc quy.
Sau gần 20 năm TTYT hình thành, năm 2013, dòng điện lưới quốc gia vượt gần 60 km, qua các đảo đá và biển cả mênh mông, chính thức thắp sáng huyện đảo tiền tiêu này của Tổ quốc.
Năm 2001, chị đi học trở thành bác sĩ tại trường Đại học Y Hải Phòng rồi trở về TTYT Cô Tô công tác tiếp tới năm 2007. Trong khoảng thời gian 12 năm làm việc tại TTYT huyện Cô Tô, bác sĩ Thuy không có nhiều cơ hội để thực hành chuyên môn của một bác sĩ gây mê, điều mà chị muốn cống hiến.
Vậy là, năm 2007, chị rời quê, tới nơi giúp chị trau dồi kiến thức, nâng cao tay nghề.
TTYT huyện Vân Đồn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh chào đón chị như chờ đợi sự xuất hiện của người lính mới trên chiến tuyến chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Từ một bác sĩ gây mê, năm 2009, chị đi học cao học chuyên ngành ngoại khoa tại trường Đại học Y Hải Phòng, trở thành bác sĩ ngoại khoa.
Trong suốt 10 năm làm việc tại TTYT huyện Vân Đồn, hơn một lần nỗi niềm riêng dành cho quê hương Cô Tô trong bác sĩ Thuy dâng lên ngập lòng. Gặp những người bệnh đồng hương, chị lại càng thấy mình vẫn còn nợ nơi “chôn rau cắt rốn” thật nhiều.
Bác sĩ Thuy nhớ, trong ca trực của mình tại TTYT huyện Vân Đồn, chị phẫu thuật một ca bị băng huyết sau sảy thai được chuyển vào từ Cô Tô. Gương mặt của người đồng hương nhợt nhạt do mất máu khiến bị bật khóc. Lần đầu tiên chị nhận ra, chị thương Cô Tô của chị vô cùng tận.
“Nếu như mình đang ở đó thì mọi người đã không bị như thế này”, bác sĩ Thuy rưng rưng.
Mùa hè cách đây 2 năm, trong một lần đưa các con về thăm ông bà ngoại, bác sĩ Thuy nhận được cuộc gọi từ đồng nghiệp cũ công tác tại TTYT huyện Cô Tô trong sự hốt hoảng. Trung tâm vừa tiếp nhận một sản phụ chửa ngoài tử cung bị vỡ, máu phun ồ ạt, tốc độ mất máu rất nhanh.
Bác sĩ Thuy cấp tốc vào trung tâm, tham gia phẫu thuật cùng các bác sĩ khác tại đây. Khi mở ổ bụng, chị thấy bụng sản phụ ra khoảng 700ml máu.
“Nếu như mình đang không ở đây thì chuyện gì sẽ xảy ra?”, bác sĩ Thuy nghẹn ngào.
Những tình huống đó ghim chặt vào tâm trí bác sĩ Thuy như một lời nhắc, trở đi trở lại trong suy nghĩ người bác sĩ thế hệ 7X. Hơn nữa, lúc này chị nghĩ, bố mẹ chị cũng đã lớn tuổi, cần được chăm sóc sức khoẻ nhiều hơn. Chị quyết định trở về nơi mình sinh ra, quay lại làm việc ở TTYT huyện Cô Tô.
Bác sĩ Thuy quay về thị trấn Cô Tô vào một ngày biển lặng tháng 3 năm 2017. Một chiếc hôn dài tiễn đưa. Cảng Cái Rồng hay bến Cô Tô đã trở thành những điểm chị nằm lòng, nhưng sao hôm đó, lòng chị lại xôn xao khi rời đi và náo nức khi quay về đến thế?
TTYT huyện Cô Tô ôm chị vào lòng như ôm đứa con lâu ngày xa nhà trở về quê hương.
Ngày đầu tiên đặt chân về sau hơn 10 năm, bác sĩ Thuy tần ngần đứng trước tấm biển “Trung tâm Y tế huyện Cô Tô” một lúc lâu. Rảo bước đi vào bên trong, mọi điều thân thuộc lần lượt ùa về. Cây hoàng lan trước sân vẫn ở đó, toả nhiều bóng mát hơn. Bên cạnh khu nhà cũ, trung tâm đã có thêm vài khu được xây mới. Một vài đồng nghiệp của chị vẫn ở lại nơi này dang tay rộng mở. Trong chị, tất cả vẫn vẹn nguyên như ngày nào.
“Đơn giản là mình quay về nơi mình sinh ra”, bác sĩ Thuy thầm nhủ.
Lần này, bác sĩ Thuy quay trở lại TTYT huyện Cô Tô ở một cương vị mới, là giám đốc của trung tâm. Chị bỡ ngỡ với một trách nhiệm khác, chèo lái nơi đây thay vì chỉ tập trung trong giờ phút sống chết cùng người bệnh như trước đây.
Bác sĩ Thuy bộc bạch, nhiều lúc mệt mỏi, chị thường nghĩ tới hơn bốn chục nhân viên của trung tâm và phía trước là hơn 6.500 người dân trên đảo, chị lại vững lòng như mới.
“Tôi đã nghĩ tới những khó khăn khi quay về Cô Tô làm việc nhưng không tưởng tượng được lại có nhiều khó khăn đến thế”, bác sĩ Thuy nhìn lại 16 tháng quay lại TTYT huyện Cô Tô làm việc.
Bác sĩ Thuy nhớ mãi một ngày cùng đoàn công tác của trung tâm tới Đảo Trần, xã Thanh Lân, huyện Cô Tô để tiêm chủng vắc xin theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Hôm đó, gió lớn, biển động.
Trên chiếc thuyền của bộ đội biên phòng, đồ đạc lăn lóc, những con sóng lớn chỉ trực chờ dìm chiếc thuyền xuống biển khơi, bác sĩ Thuy cùng 9 người còn lại đứng trong tư thế chống đỡ, bám chặt vào thành tàu. Chị nhắm mắt cầu nguyện, có thể đây là những hình ảnh cuối cùng chị nhìn thấy.
Để rồi, đặt chân lên đảo an toàn, hoàn thành mũi tiêm cuối cùng ở đó, bác sĩ Thuy mới thở phào.
Từ một TTYT huyện đảo có 20 giường bệnh vào năm 2010, trung tâm đã nâng lên quy mô 50 giường bệnh năm 2017, đảm bảo khám chữa bệnh cho quân dân và du khách trên đảo, thời điểm cao nhất lên tới hơn 10.000 người.
Mỗi ngày, TTYT huyện Cô Tô khám và điều trị khoảng hơn 30 người bệnh. 100% người dân huyện đảo có bảo hiểm y tế. Vì vậy, nguồn thu duy nhất của trung tâm đến từ quỹ bảo hiểm y tế. Trung tâm chủ động trong phẫu thuật cấp cứu ngoại – sản. Phẫu thuật nội soi đã được tiến hành thường quy từ năm 2017.
Sau hơn 1 năm bác sĩ Thuy về làm giám đốc tại đơn vị y tế duy nhất của huyện đảo Cô Tô, hoạt động của trung tâm dần có sự thay đổi và đi nề nếp. Điều mà chị thích nhất từ khi quay lại TTYT huyện Cô Tô chính là sự thay đổi về thái độ và trách nhiệm của nhân viên y tế trung tâm.
Bốn tháng sau khi chị quay trở về, TTYT huyện Cô Tô chính thức ứng dụng phần mềm quản lý tổng thể bệnh viện và đã triển khai thành công bệnh án điện tử. Là giám đốc, chị từng đắn đó, liệu mình có triển khai được điều này không? Khi nhìn vào nhân lực toàn những người trẻ, chị tự tin mình làm được và khẳng định quyết tâm làm bằng được.
Nhìn suốt một hành trình dài tiến bước, bác sĩ Thuy thổ lộ: “Người dân đã yên tâm, tin tưởng hơn khi đến khám và điều trị tại trung tâm”.
Trở về quê hương làm việc sau 6 năm nơi này được cấp điện lưới quốc gia, tuy vẫn phải dùng máy phát thắp sáng những cuộc phẫu thuật mỗi khi biển động, bác sĩ Thuy kiên định, “Con đường đã chọn rồi thì cứ tiếp tục đi thôi”.
1 năm 4 tháng kể từ ngày đầu tiên đặt chân tới đảo tiền tiêu nhận nhiệm vụ Giám đốc TTYT huyện Cô Tô, bác sĩ Thuy vẫn nuôi nấng mong muốn làm thế nào để chăm sóc sức khoẻ cho bà con trên đảo được tốt hơn, mọi người không phải di chuyển vào đất liền.
Bác sĩ Thuy lặng người một nhịp, bởi đã chứng kiến quá nhiều sự vất vả, gian truân trên đường vận chuyển người bệnh từ đảo vào đất liền, vì hiểu mỗi người bệnh đi xa là phải có người nhà cùng đi và biết bao công việc phải bỏ dở giữa chừng.
Đứng dưới bóng cây hoàng lan, bác sĩ Thuy nghe cuộc gọi đến từ người chồng của mình. “Tuần này anh trực cả 2 ngày cuối tuần, không ra được với em rồi!”. Cuối tuần này, chị cũng không về nhà được. Đã 3 tuần nay, gia đình chị chỉ liên lạc với nhau qua điện thoại.
Tuần nào bác sĩ Thuy có kế hoạch về nhà, chị luôn chắc chắn tuần đó trung tâm có sản phụ nào chuẩn bị đẻ không? Có ai thai 38, 39 tuần không? Có ca nào thai nghén bất thường không? Nhưng cũng không tránh khỏi những ca cấp cứu bất ngờ.
Có lần vừa đặt chân lên Cảng Cái Rồng sau hơn 1 tiếng trên tàu trở về đất liền, bác sĩ Thuy nhận được cuộc gọi khẩn từ đồng nghiệp của mình. Một mặt chị chỉ đạo tức tốc đưa bệnh nhân vào đất liền bằng xuồng cấp cứu, một mặt chị vào TTYT huyện Vân Đồn, nhờ sự giúp đỡ từ đơn vị bạn và trực tiếp là người phẫu thuật.
Vậy là, chuyến về thăm gia đình đó, chị vẫn chẳng thể thanh thản được.
Trời yên, biển lặng, cứ 2-3 tuần, bác sĩ Thuy lại về nhà một lần. Chị chỉ có hai ngày cuối tuần ít ỏi bên người chồng và hai đứa con của mình sau khoảng 20 ngày xa cách. Tết vừa rồi là Tết đầu tiên gia đình chị xa nhau.
Trong gia đình, không ai ủng hộ chị quay về Cô Tô. Mọi người đặt cho chị câu hỏi, chị đã tới công tác ở một nơi tốt hơn, đầy đủ hơn, tại sao lại quay về, chấp nhận xa chồng, xa con như thế? Rồi nếu nhà có việc thì không phải cứ muốn là về được ngay…
Chính chị cũng bị lung lay trước những lời khuyên chị nên cân nhắc thật kỹ. Chị đắn đó, nếu chị về Cô Tô làm việc thì đó không còn là sự hy sinh của riêng cá nhân chị nữa mà có cả những người thân trong gia đình chị.
Những suy nghĩ về thiên chức làm mẹ, về vai trò làm vợ, về trách nhiệm làm con cứ quấn lấy tâm tư chị. “Em quyết định như thế nào anh cũng đồng ý!”, chồng bác sĩ Thuy chẳng một phút đắn đo khi chị tìm đến xin ý kiến.
“Tôi may mắn khi có một người chồng cùng nghề nên anh rất thấu hiểu công việc của một người bác sĩ”, bác sĩ Thuy tâm sự. Chị không hiểu sao, từ khi lấy nhau, anh luôn là người đảm nhiệm việc chăm sóc con cái thay chị. Con gái lớn 4 tuổi, chị đi học trở thành bác sĩ. Con trai thứ 2 được 2 tuổi, chị đi học cao học và bây giờ, chị lại lựa chọn làm việc ở đảo xa.
Bác sĩ Thuy trực cách ngày, có những ngày không phải trực, chị cũng lên cơ quan, vì chị mang một nỗi lo, chẳng may có tình huống cấp cứu nào thì sao.
Nhiều đêm thị trấn Cô Tô mất điện, nhìn cây hoàng lan ngả nghiêng theo từng đợt gió lớn, tiếng mưa lộp độp lấn át hết mọi âm thanh, nhìn hình ảnh cô con gái tuổi đôi mươi trong màn hình máy tính, bác sĩ Thuy nhớ lại những ngày hè năm nay, hai đứa con ra Cô Tô với chị ít ngày.
Để rồi, những lần mong ngóng, mỗi cuộc đoàn tụ đã níu chị vào lòng, an ủi những đêm lặng thinh như đêm nay.
Những ngày nắng gắt, mưa vùi, huyện đảo Cô Tô chìm mình trong không gian bốn hướng chỉ một màu xanh của biển, của trời mùa hè và của những tán cây cổ thụ.
TTYT huyện Cô Tô tháng 7 mưa nhiều, hương hoàng lan phảng phất trong sân, nghiêng tràn lên vai êm ái, bác sĩ Thuy nghĩ lại ước mong trở thành quân nhân thuở bé của mình.
Chị cũng đang phụng sự đất nước, chỉ là theo một cách rất riêng của một người bác sĩ nơi đảo xa. Giờ đây, thay vì khoác lên mình bộ trang phục quân nhân, tấm áo blouse chị mang cũng khiến những người con của Cô Tô cảm thấy an lòng phần nào, vì nơi đây đã có một người bác sĩ hết lòng vì nhân dân.