Suốt một năm trời cùng con đấu tranh với bệnh tật ở Singapore, điều mà chị Hà nhận lại được không chỉ là sự sống quý giá của bé Megan mà còn là những bài học về cuộc sống.
“Một năm nhưng trải qua đủ cung bậc cảm xúc của cả một kiếp người, đau khổ, đắng cay, tuyệt vọng, mất niềm tin. Rồi ý chí quyết tâm làm cho chúng tôi phải vững vàng, cố gắng cùng nhau vượt qua nghịch cảnh”.
- Tại sao con lại khổ như vậy?
- Vì con đặc biệt nên ông trời dành cho con một thử thách đặc biệt. Hãy vượt qua khó khăn đó và trả lại bằng một kết quả thật tốt đẹp đáng tự hào con nhé!
Trong một lần tới Singapore du lịch cùng gia đình, đang chơi cùng các chị em của mình, Megan đứng tự ôm mình bằng hai tay và run lẩy bẩy. Trước đó, con liên tục mệt mỏi, sốt nhẹ, hay bị mất thăng bằng.
Ngày hôm sau, Megan được mẹ của mình là chị Bạch Thái Hà đưa đi khám. Buổi chiều ngày 12/6/2017 làm xét nghiệm tuỷ đồ xác định chủng bệnh, trong đầu chị Hà chỉ hiện lên câu hỏi xoay quanh cô con gái 9 tuổi của mình: Megan có cơ may chữa khỏi là bao nhiêu phần trăm? Bệnh nặng đến thế nào? Chữa theo liệu pháp nào? Có sống được không?
Cả cuộc đời của chị Hà như níu lại tại thời khắc chờ đợi của buổi chiều hôm ấy. Một buổi chiều mà chị thấy mọi thứ đều ngưng lại. Chị ngồi đó và nhìn vào khoảng không gian xa lạ, tại một đất nước xa lạ.
Hai ngày sau, bác sĩ Prof Allen Yeoh, chuyên khoa ung thư máu, Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore xác nhận Megan bị ung thư bạch cầu chủng ALL tế bào B thông thường.
“Megan bị giai đoạn 2, phác đồ điều trị cho cô bé là loại trung bình, nếu tiến triển tốt thì sẽ không phải ghép tuỷ. Bệnh này không ảnh hưởng đến sinh sản và chiều cao, tóc sẽ mọc trở lại. Tế bào xấu là 98% và phải truyền hoá chất ngay để tế bào xấu không tiếp tục ăn hồng cầu. Tỷ lệ khỏi là 70%”, bác sĩ Allen nói với chị Hà.
Chị Hà rơi vào trạng thái hoang mang tột độ. Chị lên mạng tìm kiếm từ khoá Leukemia – ung thư bạch cầu là gì? Chị chỉ biết, đó là ung thư ác tính, là hiện tượng bạch cầu chưa trưởng thành tăng đột biến chiếm đầy tuỷ xương. Chúng sẽ ăn hết dần hồng cầu trong cơ thể, người bệnh sẽ thiếu máu, nhiễm trùng tái phát gây tử vong.
Megan nhập viện điều trị bệnh. Hai tháng đầu, cô bé được điều trị hoá chất nặng. Cùng thời điểm đó, chị Hà và gia đình học cách chăm sóc tích cực cho Megan, bổ sung kiến thức về bệnh, cách chăm sóc an toàn và tương tác với y bác sĩ.
Từ một cô bé xinh đẹp, chăm chỉ, thích hoạt động, bất đắc dĩ, Megan bị dính chặt vào giường bệnh trong phòng cách ly qua 3 lớp cửa kính. Có những lúc, cô bé đã phản đối y tá khi họ vào kiểm tra lượng nước đã uống và lượng nước tiểu đã thải ra.
Tác dụng phụ của thuốc khiến Megan cáu kỉnh, cau có suốt ngày. Cô bé đói suốt ngày đêm, đói đến nỗi vừa ăn bữa trưa xong đã hỏi bữa chiều.
Nhìn con gái bé bỏng nằm trên giường bệnh, chị Hà đau xót: “Mấy ngày dồn dập thông tin xấu về bệnh tình con gái như những cái tát thật mạnh vào mặt tôi, như cơn thịnh nộ của cuộc đời đổ dồn xuống mẹ con tôi”.
Trong thời gian này, cứ đêm thấy Megan im ắng quá thì chị Hà lại lo lắng con ngừng thở. Chị áp tai vào lưng nghe nhịp tim con, lấy cặp nhiệt độ đo khiến cô bé cáu. Chị thường không ngủ, mở mắt để nhìn các chỉ số của con gái trên màn hình.
Megan kết thúc 5 đợt truyền hoá chất với 9 lần vào viện trong 2 tháng. Kết quả xét nghiệm tuỷ đồ cho thấy cơ thể Megan còn 0,001% tế bào ung thư.
Hai ngày Megan bị nôn, đau bụng, không giữ được thẳng người, cơ thể mềm nhũn. Trưa ngày 12/2/2018, cô bé bắt đầu lên cơn sốt và được đưa ngay vào bệnh viện.
Huyết áp của Megan xuống 45/18, gần bị truỵ tim, không thể mở mắt được. Vừa đẩy cô bé vào phòng, bác sĩ không ngừng đo huyết áp nhưng không thấy dấu hiệu tăng lên.
Chị Hà sống trong khoảnh khắc sợ hãi tột cùng, cố vớt vát mong manh bằng câu hỏi bác sĩ: “Con tôi sẽ ổn chứ?” nhưng không có ai trả lời. Chị nhìn từng sự thay đổi của chỉ số, có lúc xuống dưới 50/20, 60/27, lên 87/34 rồi lại xuống 50/25, rồi 50/16.
Megan được chuyển vào phòng chăm sóc đặc biệt. Cô bé khóc yếu ớt trong lúc thiêm thiếp mệt mỏi, vô thức cử động khiến việc truyền thuốc gặp khó khăn. Chị Hà ôm ấp con vỗ về, giải thích cho con hiểu con đang nguy kịch, con phải tỉnh táo và giữ nguyên tay để có thể nhận thuốc.
Ngày hôm sau, huyết áp của Megan trở lại bình thường.
Tháng 4/2018, Megan bước vào đợt hoá chất cuối cùng trong phác đồ điều trị tích cực kéo dài một năm.
Sau 10 tháng chống chọi với 6 đợt hoá trị, các tác dụng phụ như tiêu chảy, buồn nôn, yếu cơ, đau bụng, nhiệt mồm, rụng tóc, nhiễm khuẩn và nấm khiến Megan mệt mỏi.
Thời điểm đó, bao trùm lên Megan và mẹ là nỗi lo sợ và cô đơn. Mỗi ngày, nếu không cố gắng tìm ra trò chơi gì với nhau thì hai mẹ con chỉ có ôm nhau khóc.
Chị Hà đã bền bỉ đồng hành với Megan chiến đấu chống lại căn bệnh ung thư quái ác.
Cách chăm sóc Megan hằng ngày khi ở viện: Chúng tôi học cách chăm sóc Megan từ những ngày đầu nhập viện. Nó bao gồm tất cả những gì liên quan đến thực phẩm gồm 4 nguyên tắc an toàn thực phẩm:
- Tươi mới
- Nấu chín
- Ăn hết trong vòng một giờ
- Không để thừa thức ăn
Ăn bữa chính cùng nước bổ dưỡng và thêm nước ép hoa quả.
Các loại quả không gọt được vỏ không được ăn. Các loại rau mà lá bé hay cuộn vào nhau khó rửa như rau mầm, súp lơ, oho, dâu tây… không được ăn.
Thịt cá rau phải chín kỹ, sa lát và gỏi hay đồ Nhật, trứng lòng đào hay bánh trái mua ngoài tiệm là không được.
Thực phẩm đóng gói kín, loại hữu cơ, phải nấu chín và tươi mới.
Cho con uống nước đóng chai tiệt trùng, dùng một lần rồi bỏ ngay.
Vệ sinh nhà cửa hàng ngày, lưu ý nhất là rửa tay trước và sau khi tiếp xúc với con. Riêng việc rửa tay cũng phải học theo 6 bước vì rửa tay là điều quan trọng nhất mà bạn có thể hạn chế hoặc phòng tránh truyền nhiễm bệnh cho con.
Chăm sóc mồm miệng kỹ cho con, có một loại nước súc miệng không cồn đặc trị được khuyên dùng. Vấn đề lở mồm nghe đơn giản nhưng tai hại vô cùng. Có em bị lở mồm vì quá đau không vệ sinh sạch được gây nhiễm nấm nặng phải điều trị kháng sinh.
Từ ngày nằm viện, Megan luôn mong mỏi ngày quay trở lại Việt Nam. Cô bé nhớ trường Pháp tại Việt Nam nơi đang theo học, nhớ gia đình, bạn bè… và liên tục hỏi:
- Mẹ ơi con muốn về nhà, con chỉ muốn làm những điều trước đây chúng ta hay làm, ăn những món trước đây chúng ta ăn.
- Một ngày nào đó mẹ sẽ đưa con về nhà!
Điều chị Hà cố gắng làm mỗi ngày là luôn nói to: “Mẹ yêu con”. Chị sợ đến một ngày nào đó, chị chẳng thể thổ lộ điều đó với con gái Megan của mình.
“Mẹ muốn con chết luôn không? Mẹ chỉ yêu Kus và Chip. Mẹ không yêu con. Vì vậy, mẹ mới mang con sang Singapore để các bác sĩ hành hạ và tiêm con 4 lần một ngày. Để con chết đi. Nếu con ở Việt Nam thì đã không sao”, Megan đã từng vặc chị Hà trong những cơn đớn đau.
Chị Hà càng thấu hiểu nỗi tủi thân của một bà mẹ Việt Nam chăm con ốm bên Singapore khi không có chồng hay người trợ giúp bên cạnh - một bà mẹ trẻ phải xa chồng và 2 đứa con nhỏ của mình để tới đất nước xa lạ, đồng hành với đứa con thứ 2 trong quá trình điều trị ung thư. Nên chị đã chọn cách bận rộn thay vì ủ rũ, buồn phiền.
“Khi hạnh phúc viên mãn thì tôi thích đi du lịch và nghĩ cho con cái thưởng ngoạn và du học đâu đó, còn khi bất an thì ôm con thật chặt là điều tôi muốn nhất”, chị Hà tâm sự.
Chị Hà chẳng thể ngờ chuyến đi Singapore vào ngày 8/6/2018 là dấu mốc mà sáu tháng sau ngày đặt chân lên chị không thể đi đâu được, kể cả về Việt Nam.
“Lần đầu tôi sợ căn bệnh. Mười tháng sau tôi sợ quá trình chữa bệnh hơn cả chính căn bệnh đó”, chị Hà thổ lộ.
Chị Hà và gia đình sống trong sợ hãi cả một năm khi con sốt cấp cứu, lúc con tụt huyết áp truỵ tim hay nhiễm khuẩn bùng phát khắp cơ thể gây nhiễm trùng huyết. Chị ví công cuộc chữa bệnh giống như cuộc chạy đua đường dài mà đến chặng cuối thì các vận động viên không còn sức để thở nữa, và vạch đích dường như vẫn còn quá xa.
Chị tâm sự, “Một năm nhưng trải qua đủ cung bậc cảm xúc của cả một kiếp người, đau khổ, đắng cay, tuyệt vọng, mất niềm tin. Rồi ý chí quyết tâm làm cho chúng tôi phải vững vàng, cố gắng cùng nhau vượt qua nghịch cảnh”.
Suốt một năm trời cùng con đấu tranh với bệnh tật ở Singapore, điều mà chị Hà nhận lại được không chỉ là sự sống quý giá của bé Megan mà còn là những bài học về cuộc sống.
“Chỉ cho đến khi Megan muốn về nhà mà không được thì tôi đã học được một bài học: Để có cuộc sống tốt đẹp, bản thân phải có những phẩm chất tốt bởi chẳng có cuộc đời nào tự nhiên tốt đẹp cả. Và bài học lớn nhất của tôi là: Được sống là hạnh phúc", chị Hà nhìn lại chặng đường hơn một năm đã qua.
Giờ đây, trong hoàn cảnh ngặt nghèo, chị Hà thực hiện được ước mơ của mình. Chị thành lập công ty ở Singapore và mang cả 3 con sang đó học tập.