Sau 20 năm, chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam tăng 5,8 cm, nữ tăng 3,3 cm, đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á.
Theo ông Trần Đăng Khoa – Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, sau 20 năm, từ năm 2000 đến năm 2020, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam tăng lên đáng kể.
Nữ tăng từ 152,3 cm lên 155,6 cm (tăng 3,3 cm); nam tăng từ 162,3 cm lên 168,1 cm (tăng 5,8 cm). Chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam đang đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á.
Hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh cũng có nhiều thay đổi tích cực. Theo đó, tỉ lệ phụ nữ đẻ được khám thai từ 4 lần trở lên đạt trên 80%; Tỉ lệ phụ nữ đẻ được nhân viên y tế đỡ duy trì 95-97%; Tỉ lệ chăm sóc sau sinh trong 7 ngày đầu sau đẻ đạt xấp xỉ 80%.
Đáng chú ý, tỉ số tử vong mẹ trên 100.000 trẻ đẻ sống tại Việt Nam giảm đáng kể (năm 2000 là 165 ca nhưng đến năm 2019 chỉ còn 46 ca).
Dù vậy, tử vong sơ sinh còn cao chiếm đến 70 - 80% tử vong trẻ < 1 tuổi, 50 - 60% tử vong dưới 5 tuổi
Vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn vẫn có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao so với trung bình cả nước: Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dân tộc thiểu số cao gấp 2 lần và tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân cũng cao gấp 2,5 lần so với trẻ em là người Kinh (tương ứng 31,4% so với 15,0% và 21% so với 8,5%).
Nguyên nhân của thực trạng này là do thiếu cán bộ chuyên môn sản, nhi; thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế; năng lực cán bộ, đặc biệt trong cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, thiết yếu, cấp cứu sơ sinh, năng lực sàng lọc phát hiện dấu hiệu nguy hiểm, chuyển tuyến, chẩn đoán, tiên lượng và xử trí còn hạn chế, nhất là vùng khó khăn…
Trong thời gian tới, Vụ sẽ tăng cường hơn nữa các hoạt động hỗ trợ cơ sở y tế tuyến dưới để giảm tỷ lệ tử vong sơ sinh, giảm tử vong mẹ và giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi ở vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.