Dinh dưỡng học đường - Chìa khóa cải thiện tầm vóc người Việt

Khoảng 86% chiều cao tối đa của con người đạt được trong độ tuổi dưới 12 tuổi. Do đó, việc chăm lo dinh dưỡng cho trẻ em ở giai đoạn này – đặc biệt là dinh dưỡng học đường đóng vai trò rất quan trọng.

Ngày 12/10, Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) phối hợp với Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản và sự đồng hành của Tập đoàn TH, Viện Dinh dưỡng TH đã tổ chức hội thảo quốc tế Dinh dưỡng người Việt lần II với chủ đề Dinh dưỡng học đường.

Tại hội thảo, các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, khoảng 86% chiều cao tối đa của con người đạt được trong độ tuổi dưới 12 tuổi, đây chính là giai đoạn quyết định sự phát triển tối đa tầm vóc, thể lực và trí lực của con người. Do đó, chăm lo dinh dưỡng cho trẻ em ở giai đoạn này – đặc biệt là dinh dưỡng học đường đóng vai trò rất quan trọng.

Chăm lo dinh dưỡng cho trẻ em ở giai đoạn dưới 12 tuổi đóng vai trò quan trọng

Chăm lo dinh dưỡng cho trẻ em ở giai đoạn dưới 12 tuổi đóng vai trò quan trọng

Theo PGS.TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Y tế, trẻ em Việt Nam đang phải đối mặt với ba gánh nặng về dinh dưỡng: suy dinh dưỡng thể thiếu (đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi); thừa cân béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng.

Theo số liệu điều tra toàn quốc năm 2023, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi của Việt nam là 18,2% (thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi trẻ em ở dưới mức 20% là mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới).

Tuy nhiên tỷ lệ này vẫn còn cao ở vùng Trung du và Miền núi phía Bắc (24,8%) và Tây Nguyên (25,9%). Bên cạnh đó, có sự gia tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì ở tất cả các đối tượng, trong đó phải kể đến là thừa cân, béo phì ở trẻ 5 - 19 tuổi gia tăng từ 8,5% năm 2010 lên đến 19,0% vào năm 2020 (tăng gấp hơn 2 lần sau10 năm).

PGS.TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia

PGS.TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia

Theo ông Dương, để giải quyết tình trạng này, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2021 - 2030, với những mục tiêu cụ thể nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho toàn dân, đặc biệt là nhóm trẻ em và thanh thiếu niên tuổi học đường.

Một số Mục tiêu cơ bản của Chiến lược bao gồm: Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 15% vào năm 2030; Kiểm soát tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em, đặc biệt là ở khu vực thành thị, với mục tiêu giữ tỷ lệ này ở mức dưới 19% cho trẻ từ 5 - 18 tuổi vào năm 2030; Tăng cường giáo dục dinh dưỡng trong nhà trường, với mục tiêu 60% trường học ở khu vực thành thị và 40% ở khu vực nông thôn sẽ tổ chức bữa ăn học đường xây dựng thực đơn đáp ứng nhu cầu theo khuyến nghị vào năm 2025 và phấn đấu đạt tương ứng 90% và 80% vào năm 2030.

Trong lĩnh vực dinh dưỡng học đường, theo PGS.TS Trần Thanh Dương, để đạt được các mục tiêu đề ra, ngoài sự nỗ lực, chủ động của nhà trường và các tổ chức giáo dục, cần có sự tham gia của gia đình, doanh nghiệp và toàn thể cộng đồng. Phụ huynh cần được trang bị kiến thức dinh dưỡng để giúp con em mình duy trì thói quen ăn uống lành mạnh cả ở trường và tại gia đình. Các doanh nghiệp thực phẩm cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng lành mạnh và tham gia vào các chương trình hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ em.

GS. Nakamura Teiji - Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản

GS. Nakamura Teiji - Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản

Về kinh nghiệm quốc tế, GS. Nakamura Teiji, Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản chia sẻ, từ năm 1954, Nhật Bản đã ban hành Luật Bữa trưa học đường; Luật cơ bản về Giáo dục thực phẩm và Dinh dưỡng.

Luật về dinh dưỡng học đường ở Nhật Bản đã ra đời từ sớm và có sự thay đổi theo từng giai đoạn, để phù hợp với tình hình thực tế về tình trạng dinh dưỡng, kinh tế và xã hội. Luật vừa chuẩn hóa bữa ăn học đường vừa chú trọng phát triển giáo dục dinh dưỡng. Đến nay, 99% các trường tiểu học và 91,5% các trường trung học cơ sở tại Nhật đã áp dụng chương trình này.

Kết quả cho thấy, tình trạng suy dinh dưỡng giảm đáng kể, thanh niên Nhật Bản ngày càng phát triển mạnh mẽ về thể chất và trí tuệ, với tầm vóc, chiều cao trung bình tăng trưởng vượt bậc so với thời điểm cách đây 50 năm.

Theo kết quả khảo sát mới nhất của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, công bố vào năm 2023, chiều cao trung bình của người Nhật gây ấn tượng mạnh: Nam – 1m72; Nữ - 1m58. Cách đây 50 năm, các con số này lần lượt chỉ là 1m50 và 1m49.

Hiện tại, chiều cao trung bình của người Nhật đứng hàng đầu thế giới. Nhật Bản đã trở thành một ví dụ điển hình về cách một quốc gia có thể sử dụng dinh dưỡng, được quy định bởi một “hành lang pháp lý” chuẩn mực, như một công cụ mạnh mẽ để cải thiện sức khỏe, tầm vóc, chất lượng sống của thế hệ trẻ. Trong đó, dinh dưỡng học đường không chỉ là một giải pháp cải thiện sức khỏe học sinh, mà còn là nền tảng vững chắc để xây dựng một xã hội khỏe mạnh và phát triển bền vững.

Cần chú trọng bổ sung rau củ, ngũ cốc và sữa tươi trong các bữa ăn học đường

Cần chú trọng bổ sung rau củ, ngũ cốc và sữa tươi trong các bữa ăn học đường

Còn tại Mỹ, theo ThS. Josselyn Neukom, chuyên gia dinh dưỡng cộng đồng từ tổ chức SwipeRx, trường học là môi trường lý tưởng để khuyến khích trẻ em duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, vì đây là nơi các em dành phần lớn thời gian hàng ngày.

Chuyên gia đã trình bày phương pháp tiếp cận hệ thống trong việc nâng cao chất lượng dinh dưỡng học đường. Chính phủ Mỹ đã đặt ra những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về dinh dưỡng, tập trung vào việc giảm thiểu lượng đường, muối và chất béo; chú trọng bổ sung rau củ, ngũ cốc và sữa tươi trong các bữa ăn học đường. Bên cạnh đó, việc giáo dục dinh dưỡng cũng được tích hợp vào chương trình học chính khóa, giúp trẻ nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sức khỏe.

Từ thực tiễn triển khai, PGS.TS Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất - Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất cần nhân rộng Mô hình điểm bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam. Cùng với đó, cần quan tâm xây dựng chính sách và tiến tới luật hóa dinh dưỡng học đường.

Bà Thái Hương, Nhà Sáng lập - Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH

Bà Thái Hương, Nhà Sáng lập - Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH

Tại hội thảo, bà Thái Hương, Nhà Sáng lập - Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH thông tin, so với thế giới, người Việt Nam đang đứng thứ 15 từ dưới lên nếu tính về chiều cao. Nâng cao tầm vóc của dân tộc Việt là một sứ mệnh, một trọng trách. Để làm tốt hơn vấn đề này, bà Hương cho rằng, Việt Nam cần một hành lang pháp lý cho dinh dưỡng học đường.

An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính