Giật mình chuột con được sinh ra từ hai chuột mẹ ở Trung Quốc, không cần con đực

Các nhà nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã thành công trong việc tạo ra chuột con từ hai cá thể chuột cái, không cần sự tham gia của con đực.

Công bố nghiên cứu trên tạp chí Cell Stem Cell, các nhà nghiên cứu từ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) cho biết họ làm được điều này nhờ sử dụng tế bào gốc và kỹ thuật chỉnh sửa gen.

Đàn chuột không bố có tổng cộng 29 con. Chúng đều sống khỏe, một số còn tiếp tục sinh thêm một lứa chuột con nữa.

Trước đó, các nhà khoa học cũng đã thành công khi tạo chuột con từ hai con chuột đực, nhưng chúng đã chết vài ngày sau khi được sinh ra.

Không cần con đực, các nhà khoa học Trung Quốc vẫn tạo ra chuột con từ hai con cái.

Thực hiện nghiên cứu này, các nhà khoa học muốn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: "Tại sao động vật có vú chỉ có thể sinh sản khác giới?"

Trong thế giới động vật, có một số loài bò sát, lưỡng cư và cá có thể sinh sản đồng giới. Nhưng đối với động vật có vú, bao gồm con người, làm được điều này là một đột phá thực sự.

"Chúng tôi thực sự muốn hỏi rằng tại sao động vật có vú chỉ có thể sinh sản khác giới", Zhou Qi, một trong những tác giả nghiên cứu cho biết trong thông cáo báo chí. "Vì vậy, chúng tôi đã cố gắng tìm hiểu xem liệu có thể sử dụng tế bào gốc phôi haploid để sinh ra những con chuột bình thường từ hai cá thể chuột cái, hay thậm chí 2 cá thể chuột đực hay không".

Ngày nay, tế bào gốc được sử dụng rộng rãi cho các nghiên cứu di truyền vì chúng có tiềm năng phát triển thành bất kỳ loại tế bào nào khác. Các tế bào haploid - như trứng và tinh trùng – chỉ chứa một nửa số nhiễm sắc thể so với tế bào không sinh sản.

Điều này nghĩa là ở động vật có vú, những con con sinh ra mà thiếu vật liệu di truyền từ mẹ hoặc cha sẽ phát triển không bình thường, mắc bệnh không thể chữa khỏi và chết.

Chuột con sinh ra từ hai cá thể cái vẫn sống khỏe mạnh.

Để thực hiện việc tạo chuột con giữa hai cá thể mẹ, các nhà khoa học sử dụng tế bào gốc phôi haploid (ESC). Các ESC có DNA chứa ít gen in dấu (imprinted genes), do vậy, họ cần phải xóa một lượng nhỏ gen đó để giảm nguy cơ khuyết tật.

Trong quá trình sinh sản thông thường, gen in dấu là sự giao thoa giữa DNA của cha và mẹ, để con cái có các đặc điểm chung của cả hai. Nhưng sự giao thoa di truyền giữa các tế bào từ hai cá thể đồng giới sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các đột biết gây hại xuất hiện.

Để giảm thiểu điều đó, một tế bào ESC cần phải được xóa bỏ bới gen in dấu. Sau đó, các nhà khoa họ Trung Quốc tiêm nó vào tế bào ESC còn lại, được phát triển thành trứng. Cả hai tế bào này đều được lấy từ hai cá thể chuột cái.

Họ đã tạo được tổng cộng 210 phôi, từ đó phát triển thành 29 cá thể chuột con khỏe mạnh.

Ở những con chuột đực, các nhà khoa học phải xóa tới 7 vùng gen in dấu, thay vì chỉ 3 vùng như ở chuột cái nên số lượng chuột con được tạo ra ít hơn và không thể sống sau 48 giờ.

"Chúng tôi nhận ra rằng kết quả của nghiên cứu này có thể khiến mọi người tự hỏi về sinh sản đồng giới ở người", Li nói. "Mặc dù chúng tôi không phủ nhận rằng điều này có thể xảy ra trong tương lai, nhưng chúng tôi nghĩ rằng việc áp dụng nghiên cứu với con người là rất nguy hiểm và chúng tôi hoàn toàn phản đối những nỗ lực đó".

Mục tiêu thí nghiệm Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc là nghiên cứu gen in dấu và cách ứng dụng nó để làm cho con người khỏe mạnh hơn, Li nhấn mạnh.

Trên thực tế, một số khuyết tật bẩm sinh nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh có nguồn gốc từ các gen này, bởi vậy, nghiên cứu nó sẽ mở ra những cơ hội mới để có thể ngăn chặn chúng.

Lạc An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan