Gia đình Việt Nam trong cơn bão của thời đại

Trước biến động xã hội to lớn không ít người muốn thực hiện một thao tác đơn giản - đóng kín cánh cửa ngôi nhà thân yêu của mình. Gia đình Việt Nam đang trong cơn bão của thời đại.

Gia đình trong cơn "bão" kinh tế thị trường

Gia đình là một thể chế xã hội có tính chất toàn cầu, dù rằng ở quốc gia này, lãnh thổ kia vẫn có sự khác biệt. Ai cũng có một gia đình, thuộc về một gia đình.

Đó là nơi ta ra đi và cũng là chốn ta sẽ quay về. Hạnh phúc hay bất hạnh lớn nhất của đời người thường bắt nguồn từ đấy.

Riêng trong nền văn hoá các nước phương Đông, bao gồm Việt Nam, vai trò của gia đình đối với mỗi cá nhân còn đặc biệt hơn.

Thiên hạ, quốc gia, gia đình chỉ là những ngôi nhà lớn nhỏ với một cấu trúc tương đồng.

“Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” là những nấc thang tiến thân mà con người cần phấn đấu. Đây chính là cơ sở của luận đề: Gia đình - tế bào cơ bản của xã hội. Với cách tiếp cận ấy, gia đình và xã hội luôn tồn tại trong mối tương tác biện chứng.

Thực tiễn Việt Nam, đặc biệt trong vài thập kỷ gần đây, có đủ tư liệu để minh chứng cho điều đó. Bão đã không dừng lại trước mỗi cánh cửa... 

Trước biến động xã hội to lớn không ít người muốn thực hiện một thao tác đơn giản - đóng kín cánh cửa ngôi nhà thân yêu của mình.

“Chúng tôi muốn được sống hoàn toàn yên ổn!” Trong hồi một của vở kịch Cách Mạng, nhà văn Nguyễn Khải đã viết như vậy về tâm trạng của một gia đình Sài Gòn sau ngày 30 tháng Tư. Nhưng “sự yên ổn đã không thể có được nữa”. Đến cuối vở kịch, ông khẳng định một điều gần như chân lý: “Thời thế đã bắt buộc mỗi người phải tự lựa chọn” và “Đã lựa chọn rồi thì hãy dũng cảm lên”.

Chúng ta đang phải dũng cảm đối diện với những cơn bão kinh tế, chính trị - xã hội, văn hoá của thời đại đang tấn công vào ngôi nhà của mình. Ngày hôm nay mọi cơn bão đều có sức công phá rất mạnh, vượt qua lãnh thổ mỗi quốc gia, mỗi vùng miền.

Nhiều điều tốt đẹp đã được nảy sinh bên cạnh bao nhiêu thách thức. Thời đại mới đang có những bước chuyển toàn diện.

Trước hết mục tiêu chính trị “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” đã tác động khá tích cực đến đời sống vật chất và tinh thần của mỗi gia đình. Quyền có gia sản đã được Nhà nước bảo trợ.

Tăng quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em

Xu thế công bằng, dân chủ mà xã hội khởi xướng đã từng bước thẩm thấu vào các quan hệ gia đình. Phụ nữ và trẻ em, những nhân vật lâu nay vốn chịu ấm ức ở tư cách “phó thường dân” đã bắt đầu ý thức được quyền lợi của mình và đòi hỏi được tôn trọng.

Hơn nữa, sự hình thành một xã hội công dân (mọi người đều bình đẳng trước pháp luật) đã cho phép con người khi đến tuổi trưởng thành có quyền độc lập trong giao tiếp xã hội cũng như các giao dịch nhân sự.

Người gia trưởng - ông chủ gia đình không còn địa vị “đại diện duy nhất” và đương nhiên quyền uy quyết định, sai khiến bị suy giảm.

Có người gọi đây là hiện tượng “lỗi phép” (phép nhà) nhưng người khác lại cam kết đó là “đúng luật” (luật nước).

Sự nghiệp công nghiệp hoá, đô thị hoá, hiện đại hoá đã làm thay đổi hoàn toàn một xã hội có cơ sở là nền kinh tế tiểu nông, tự cung tự cấp.

Việc điều chỉnh hạ thấp tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế quốc dân đã dẫn tới số lượng gia đình nông dân làm ruộng, sống ở nông thôn giảm mạnh.

Hình mẫu gia đình hiện đại 

Mô hình gia đình truyền thống này đã được thay thế bằng gia đình hiện đại đa khuôn mẫu: gia đình nông dân - công nhân, gia đình viên chức, gia đình doanh nhân, v.v...

Ngay trong bộ phận nông dân còn lại, do chính sách “Tam nông” tích cực của Nhà nước, do giao lưu kinh tế - văn hoá rộng rãi, văn hoá gia đình họ cũng đã mang màu sắc khác. Họ đã trở thành người nông dân - trí thức biết làm chủ công nghệ sinh học hiện đại.

Họ có thể là chủ các trang trại, đồng thời là các doanh nhân lớn nhỏ đang cung cấp hàng hoá đi mọi miền đất nước, thậm chí khắp năm châu.

Mức độ đô thị hoá tăng rất nhanh, những làng phố rồi phố làng thành hình, người nông dân quen sống trong lệ làng phút chốc trở thành thị dân ngỡ ngàng với luật nước (Tất nhiên họ sẽ thành những “thị dân non” - chữ dùng của giáo sư Lê Văn Lan).

Những lũy tre xanh, những chiếc ao con và cả cổng làng cổ kính rêu phong chỉ còn là những hồi ức lịch sử. Nền kinh tế nông nghiệp vốn sử dụng năng lượng cơ bắp đã được thay thế bằng nền kinh tế tri thức.

Trong nền kinh tế mới phát huy chủ yếu các năng lực trí tuệ, người phụ nữ bé nhỏ của mỗi gia đình đã tự tin hơn rất nhiều vì họ hiểu mình vẫn có thể có sự nghiệp riêng, có địa vị xã hội mà không cần “đổi phận” như nữ sĩ họ Hồ từng ao ước.

Có thể thấy, trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế xã hội, cùng với nam giới, người phụ nữ Việt Nam đã vươn ra ngoài gia đình, có nhiều điều kiện thuận lợi để khẳng định và phát huy tiềm năng sáng tạo, xác lập địa vị bình đẳng thực sự trong gia đình.

Tuy nhiên, nền kinh tế mới một mặt tạo cơ hội cho mọi người cống hiến sáng tạo, nhưng mặt khác lại cuốn họ vào vòng xoáy của thị trường cạnh tranh khốc liệt. Tăng trưởng và suy thoái, có việc làm và thất nghiệp, lãi và lỗ... tất cả chỉ cách nhau trong gang tấc.

Con người buộc phải bươn chải cật lực, vắt kiệt sức cho cuộc mưu sinh nhằm đáp ứng các nhu cầu vật chất không có điểm dừng, và đương nhiên, thời gian họ dành cho ngôi nhà ngày càng ít ỏi.

Trong cuộc chạy đua ấy, có người nhanh kẻ chậm, người tận dụng được nhiều cơ hội bên cạnh kẻ bỏ lỡ thời cơ. Trong khi đó, luật pháp không chỉ luôn đi chậm so với những biến đổi của thực tiễn tạo ra những kẽ hở, mà còn nơi này thực thi nghiêm, nơi kia lỏng lẻo...

Thực tế đó là mảnh đất thuận lợi cho sự bùng phát các hiện tượng lệch chuẩn và dẫn tới phân hoá xã hội ngày càng lớn. Nhiều gia đình giàu lên nhanh chóng bằng mọi cách, bên cạnh một bộ phận không nhỏ rơi xuống mức bần cùng.

Văn hoá gia đình giao thoa 

Về văn hoá, do chúng ta có ý thức kết hợp hài hoà giữa hai xu hướng kế thừa và giao lưu, nên nền văn hoá Việt Nam hiện nay đa dạng sắc màu, vừa xích lại gần hơn với bạn bè thế giới, vừa gần gũi hơn với tâm lý, cốt cách dân tộc.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực này đã nảy sinh những biểu hiện cực đoan. Với phương châm bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc, ở nơi này nơi kia có hiện tượng phục hồi lại tất cả mà không phân biệt giữa yếu tố tích cực và tiêu cực trong bản sắc.

Nhiều lễ hội, phong tục được tiến hành thậm chí còn rườm rà, phức tạp hơn xưa. Thực ra, cách đây hơn sáu chục năm, trong tài liệu hướng dẫn xây dựng Đời sống mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở cần có một thái độ khách quan đối với vốn di sản dân tộc: “Cái cũ mà tốt thì phát triển thêm Cái gì cũ tuy không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ...”

Bảo tồn di sản theo cách “nệ cổ”, không chú ý tới những yêu cầu của xã hội hiện đại là một hướng tiếp cận thiếu tính khoa học. Và cũng sai lầm khi chúng ta tiếp thu văn hoá nhân loại một cách ồ ạt, vội vã, không lựa chọn.

Phải thừa nhận văn hoá nhân loại, trước hết là văn hoá tiến bộ phương Tây đã có công thức tỉnh ý thức về vai trò và quyền lợi của cá nhân trong cộng đồng, về tính hiệu quả và lợi ích thực tế của công việc... Đây là những yếu tố mà văn hoá truyền thống của chúng ta thường coi nhẹ hoặc bỏ qua.

Đặc biệt những giá trị nhân văn to lớn của nhân loại như bình đẳng giới và quyền trẻ em chống bạo lực gia đình đã làm lay động xã hội gia trưởng phụ quyền và chúng đã được Nhà nước luật pháp hoá, từng bước được dư luận ủng hộ, chấp nhận.

Cá tính, sự khác biệt đã bắt đầu được tôn trọng, tiềm năng sáng tạo của mỗi con người được giải phóng. Nhưng trong xã hội, ở gia đình lại nảy sinh những dấu hiệu quá đà. Thái độ đo đếm sòng phẳng ngày càng phổ biến đến mức trở thành một thói quen được chấp nhận.

Tất cả đều được qui thành phong bì, phong bao lạnh lùng, tàn nhẫn, kể cả trong các lễ nghi thân thiết của gia đình như sinh nhật, lễ cưới, mừng thọ hay phúng tang...

Trên đây chỉ là một số trong muôn vàn những biến đổi chính trị, kinh tế, văn hoá mà các thành viên của gia đình Việt Nam đang chịu tác động, “Nhà mình bây giờ khác trước quá!”

Đó là cảm nhận của hầu hết những người lớn tuổi, bởi vì cơn bão thời đại đã không dừng lại trước cánh cửa và phái sau kia là những lớp sóng ngầm.

...Và phía bên trong - những lớp sóng ngầm

Tuỳ theo toạ độ của ngôi nhà nằm ở tâm bão hay vùng biên, tuỳ theo mức độ giao tiếp xã hội của các thành viên mà bên trong cánh cửa, sóng có thể “dữ dội hoặc dịu êm”, “ồn ào hay lặng lẽ” (Thơ Xuân Quỳnh). Nhưng nhà nào cũng có sóng.

Bên cạnh những dấu cộng, dấu nhân quý giá lại có bao nhiêu dấu trừ, dấu chia đầy tiếc nuối. Có những dấu hiệu dễ nhận như quy mô, cấu trúc, mức sống hay nề nếp sinh hoạt gia đình, nhưng cũng có những yếu tố rất tinh tế như văn hoá ứng xử mà không phải ai cũng thấy.

Nhìn chung, mức sống của các gia đình hiện nay đều khá hơn trước, nhất là so với thời bao cấp. Ở thời ấy, nhà thơ Lưu Quang Vũ đã viết:

“Nhà chật như khoang thuyền hẹp nhỏ giữa sông

Vừa căng buồm để đi, vừa nấu ăn để sống

Phải bỏ hết những gì không cần thiết

Ta chỉ có mấy thước vuông cho hành lý của mình”

Khoảng không gian tù túng ấy không sao đáp ứng nổi nhu cầu tối thiểu chứ nói gì đến những khát vọng tinh thần.

“Khi buồn bã, em không thể quay mặt đi nơi khác

Anh không giấu em một nghĩ lo nào được

Ta chỉ có mấy thước vuông để cùng khổ cùng vui”

Mọi điều riêng tư phải dẹp bỏ vì “không cần thiết”, vì không tạo ra miếng cơm manh áo, dù rằng chúng vẫn nằm đâu đó trong góc mỗi trái tim người.

“Bên cửa sổ của gian phòng nhỏ

Mắt em xanh thăm thẳm những chân trời”

- Nhà chật- 

Ngày hôm nay, nhà được xây cao thêm, cửa ra những chân trời rộng mở, phần vốn kìm giữ trong góc trái tim ấy trỗi dậy, mong muốn được khẳng định, khát vọng cá nhân càng trở nên mạnh mẽ.

Càng hiện đại, càng mất đi truyền thống quý báu của gia đình 

Nhiều gia đình như một khách sạn: có phòng khách để khách ai người nấy tiếp, có phòng ăn, phòng sinh hoạt chung và có không gian riêng cho mỗi người, thậm chí “phòng anh khác với phòng em”.

Những bữa ăn quây quần trở nên hiếm hoi và nếu có, cũng diễn ra vội vàng vì ai cũng muốn nhanh quay về “tổ kén” của mình - một chiếc máy tính, một chiếc tivi, một máy nghe nhạc, một chiếc điện thoại...

Những gia đình hạt nhân ít con đã và sẽ tăng dần làm giảm đi số lượng gia đình đông đúc tam tứ đại đồng đường. Có hai đối tượng chịu tác động mạnh nhất của việc thu hẹp qui mô và cấu trúc gia đình là trẻ em và người già. Mô hình gia đình ít con đã nâng cao mức sống và điều kiện nuôi dạy trẻ.

Nhưng có một hiện trạng: những đứa trẻ tuy đầy đủ vật chất nhưng lại hụt hẫng về tinh thần. Cha mẹ bận rộn suốt ngày, trẻ con bị giảm thiểu các mối quan hệ giao tiếp và cũng là giảm thiểu những bài tập đầu tiên và cơ bản của giao tiếp xã hội. ở nông thôn, cha mẹ bỏ ra thành phố kiếm việc dài ngày, con cái phó mặc cho ông bà già.

Ở thành thị, trẻ được giao phó cho Osin, chúng chỉ nhận được tình yêu của cha mẹ qua vài dòng dặn dò ghi trên tấm bảng. Có cháu tự nhận mình mồ côi ngay khi vẫn còn bố mẹ.

Trong khi môi trường xã hội phức tạp và đầy cám dỗ, mà gia đình thì thiếu không khí ấm áp tin cậy, nhiều cháu bỏ nhà, hợp thành băng nhóm như hình thành một thứ văn hoá đối nghịch.

Mặt khác, xu hướng hạt nhân hoá gia đình (chỉ gồm một, hai thế hệ) và nâng cao tuổi thọ cũng khiến nhiều người già có một khoảng thời gian khá dài chịu cảnh sống cô đơn.

Có thể Nhà nước vẫn đóng vai trò bảo trợ kinh tế cho họ thông qua các loại trợ cấp, nhưng sự trống trải quạnh hiu trong buổi xế chiều của những người đã cống hiến hết sức mình cho xã hội và gia đình, lại không nơi nào có thể bù đắp được ngoài gia đình.

Hạnh phúc của người già vốn được tạo nên bởi sự quây quần yêu thương của con cháu. Nhưng hiện nay, để có tự do và giảm bớt mâu thuẫn thế hệ, con cái thường muốn sống độc lập, tách khỏi cha mẹ. Đây là vấn đề đã đặt ra ở các nước phát triển và cũng đang bắt đầu bức xúc ở nước ta, chủ yếu trong các gia đình đô thị.

Các chức năng cơ bản của gia đình hiện đại cũng mang màu sắc mới, có yếu tố mờ đi, có yếu tố trội lên. Nhìn chung, khuôn mẫu của gia đình tự thoả mãn, tự thực hiện mọi phúc lợi cho các thành viên từ lúc mới sinh cho đến hết cuộc đời không còn nữa.

Nhiều chức năng đã được các thiết chế xã hội khác đảm trách hoàn toàn hoặc một phần. Nơi cư trú (nhà ở) đã tách khỏi nơi làm việc (cơ quan, nhà máy), tách khỏi nơi giải trí (rạp chiếu phim, phòng hoà nhạc). Chức năng xã hội hoá trẻ em cũng suy yếu, phần vì từ nhỏ các cháu đã đi học bán trú cả ngày, phần vì quan hệ giao tiếp với người lớn trong nhà rất hạn chế.

Ngay chức năng tái sản sinh con người nhờ hình thức “liên minh sinh sản” cũng không còn là yêu cầu tất yếu ở mọi gia đình. Người ta lấy nhau không cần sinh con, hoặc xin con nuôi hoặc thụ tinh ống nghiệm... Có thể nói, việc phát triển các dịch vụ xã hội (ví như dịch vụ tâm sự qua điện thoại) đã “tước đoạt” nhiều chức năng vốn có của gia đình.

Dương như, ở gia đình hiện đại, người ta chỉ trông chờ vào một chức năng mà không thiết chế xã hội nào gánh vác có hiệu quả. Đó là chức năng thoả mãn nhu cầu tâm lý - tình cảm của mỗi cá nhân. Con người kỳ vọng vào điều này và khi không được như mong muốn thì mối dây liên kết trở nên mong manh.

Hiện tượng ngoại tình, ly thân, ly hôn ở nước ta tuy chưa nhiều nhưng tốc độ tăng quá nhanh trong những năm qua chính là hệ quả của những kỳ vọng ấy. Xưa kia người ta thường phân biệt: tình yêu trai gái, tình nghĩa vợ chồng. Khi đã lấy nhau, chữ nghĩa gắn với trách nhiệm được đề cao hơn chữ tình vốn gắn với cảm xúc...

Người ta nhất là phụ nữ - tìm kiếm hạnh phúc trong sự hy sinh vì người khác, đặc biệt vì con cái. Quan hệ chiều dọc được coi trọng hơn quan hệ chiều ngang. Còn ngày hôm nay, tình yêu đôi lứa được đề cao. Dù biết con trẻ sẽ bị thiệt thòi khi gia đình tan vỡ, nhưng khi hạnh phúc lứa đôi không còn, họ vẫn sẽ quyết liệt chia tay.

Đáng chú ý, một tỷ lệ khá lớn trong số những người chủ động ly hôn là phụ nữ - đặc biệt những người có khả năng độc lập về kinh tế. Thực ra, tình yêu - điều mà con người đặt nhiều kỳ vọng - đã mang những sắc thái khác biệt trước và sau kết hôn.

Sống gần gũi bên nha, tấm kính màu hồng thuở ban đầu trở nên trong suốt, trung thực và phai dần màu sắc lãng mạn. Giờ đây, cuộc sống gia đình có nhiều “kẻ thù” hơn. Kẻ thù bên ngoài có thể là những lo toan, bức bối về cơm áo, gạo tiền, về sự xa cách, sự can thiệp của người thứ ba...

Nhưng gia đình còn có kẻ thù bên trong không dễ nhận diện như sự hiểu biết nông cạn,thói quen giao tiếp thô thiển vụng về hay những khiếm khuyết về tâm - sinh lý... Tuỳ theo mức độ phát triển tinh thần của mỗi người mà kẻ thù bên trong hay bên ngoài đáng sợ hơn.

Có thể thấy sự biến đổi quá nhanh về kinh tế - xã hội và khoa học công nghệ đã thúc đẩy nhân cách con người đi theo hai hướng: một bộ phận hoà tan vào các quy cách khô cứng đơn giản, hoạt động sống dường như đã được lập trình - làm như máy, giao tiếp và yêu đương cũng như máy. Còn bộ phận kia lại có cuộc sống tinh thần phong phú, giàu cảm xúc nên luôn đòi hỏi cách ứng xử khéo léo tinh tế.

Sẽ đơn giản nếu các thành viên trong gia đình cùng kiểu nhân cách, nhưng tất yếu va đập khi họ lệch pha. Giữa các gia đình sống thuần tuý ở nông thôn, ở vùng ven và gia đình sống ở đô thị cũng có sự khác biệt. ở gia đình nông dân, thoả mãn nhu cầu tâm lý - tình cảm thường chỉ bao hàm vợ chồng sống chung thuỷ, có trách nhiệm và con cái chăm chỉ, hiếu thảo. Ở đô thị, nhu cầu này khá phức tạp.

Con người không chỉ mong muốn được tôn trọng, đối xử bình đẳng mà còn cần sự đồng cảm, sẻ chia hiểu biết, cảm xúc, sở thích và đặc biệt sự hoà hợp trong đời sống tình dục vợ chồng.

Những đứa con không chỉ cần sự yêu thương chăm sóc mà còn mong tìm thấy “người bạn lớn” tin cậy ở các bậc phụ huynh.

Hơn nữa do đặc điểm giao tiếp rộng rãi, do sự phát triển cá tính ngày càng sâu sắc nên cuộc sống gia đình luôn có nguy cơ cũ đi, mất sức hấp dẫn.

Vì vậy, ngoài chữ nhẫn học được từ truyền thống, các thành viên của gia đình hiện đại còn phải có năng lực làm mới đời sống hôn nhân.

Hiện tượng ngoại tình có thể có nhiều nguyên nhân nhưng có lẽ nguyên nhân chủ yếu vẫn do con người đã đặt nhiều kỳ vọng vào chức năng này của gia đình, trong khi đó họ lại thiếu thời gian và công sức đóng góp vào việc thực hiện nó. Bình đẳng giới cũng đang là một vấn đề bức xúc.

Thực hiện bình đẳng giới ngoài xã hội đã chẳng dễ dàng, nói gì đến bình đẳng trong gia đình - vốn là lô cốt cố thủ của quyền uy gia trưởng và tư tưởng trọng nam khinh nữ.

Chúng ta - cả đàn ông và đàn bà - được truyền thụ qua nhiều thế hệ, cả bằng ý thức và vô thức, những khuôn mẫu mang tính định kiến về giới. Đàn ông phải thế này, đàn bà phải thế kia. Giờ đây, họ đều ít nhiều bị “sốc” vì hiện tượng “sao đổi ngôi”.

Lâu nay, không ít người đàn ông dù rất tự hào “xuống Đông - Đông tĩnh, lên Đoài - Đoài yên” nhưng vẫn cảm thấy mệt mỏi vì phải “gồng lên”, theo kịp những chuẩn mực nam tính, như mạnh mẽ quyết đoán và nhất là đủ sức làm trụ cột kinh tế.

Khi không có được những chuẩn mực “như người ta nói”, họ cảm thấy mất tự tin, mất uy quyền và sợ vợ con coi thường. Có người đánh vợ, đánh con hoặc sa đà vào rượu chè cũng để che dấu mặc cảm này. Con người đàn bà giờ đây được cởi bỏ những rào cản, có nhiều cơ hội thể hiện tài năng, thậm chí làm chủ kinh tế gia đình và nhờ đó nâng cao địa vị bình đẳng với chồng.

Nhưng bản thân họ, dù hãnh diện về sự tiến bộ, về những đóng góp to lớn cho gia đình vẫn kèm theo một nỗi ấm ức vì không được nhờ chồng, “thèm đến khóc một bờ vai tin cậy” (thơ Lê Trúc Anh).

Người phụ nữ kém cỏi có thể bị chồng chê nhưng định kiến giới cũng khiến bao nhiêu người phụ nữ thành đạt không có hạnh phúc, hoặc vì họ thất vọng với người chồng “thiếu chuẩn mực nam tính” hoặc chính chồng họ lại đi tìm một người đàn bà khác yếu đuối hơn để thể hiện mình.

Có thể thấy, mọi quan hệ trong gia đình hiện đại đều đang biến đổi theo hướng cá tính hoá ngày càng sâu sắc. Ai cũng ý thức được quyền lợi của mình, đặc biệt quyền có một mảnh trời riêng.

Nhưng ở nơi nào “mảnh trời riêng” ấy bị cường điệu quá mức thì ở đó sẽ tan vỡ một cộng đồng nười vốn tồn tại được nhờ tình yêu thương, ở đó vai trò người này được định nghĩa qua người kia, quyền lợi người này nằm trong lợi ích người khác.

Cũng chính vì vậy, hạnh phúc hay bất hạnh ở mỗi ngôi nhà không tạo nên bởi công lao hay lầm lỗi của riêng ai, mà phụ thuộc vào sự chung tay giữ gìn hay phá huỷ của tất cả các thành viên cùng chung sống. Chung tay giữ gìn và nuôi dưỡng ngọn lửa yêu thương trong mỗi mái nhà.

Nhìn nhận thực trạng gia đình hiện đại, có người bình tĩnh cho rằng những gì đang diễn ra ở Việt Nam cũng là những gì các gia đình trên thế giới đã trải qua.

Sau những biến động, gia đình sẽ tự điều chỉnh. Nhưng cũng có nhiều người thực sự lo lắng: Gia đình Việt Nam rồi sẽ đi đến đâu? Thực ra, trải qua bao thử thách, gia đình Việt Nam vẫn đang và sẽ tồn tại.

Làm sao để gia đình hạnh phúc?

Những cuộc điều tra xã hội học gần đây cho thấy đại đa số người Việt Nam mong lập gia đình và muốn có ngôi nhà hạnh phúc, vừa là một bến cảng bình yên vừa là một đường băng tin cậy để họ cất cánh.

Gia đình có tính độc lập tương đối so với những biến động xã hội vì nó là đơn vị cơ bản của tình yêu thương giữa những người gắn bó với nhau bằng hôn nhân và huyết thống. Sự gắn bó ấy đã tạo nên đạo lý tự nhiên, thường gọi là gia đạo.

Trong các yếu tố hợp thành gia phong (gia sản, gia cảnh, gia giáo, gia lễ, gia phả...) thì gia đạo là yếu tố quan trọng nhất và cũng tương đối bền vững nhất vì nó có hàm chứa ý nghĩa tâm linh. Theo quan niệm truyền thống, gia đình không chỉ bao hàm người đang sống mà cả người đã khuất và người sắp chào đời. Mỗi người là một mắt xích trong đường dây huyết thống dài bất tận.

Có nhà nghiên cứu đưa ra nhận xét: Gia đình Việt Nam như một đền thờ. Những người đang sống đứng ở tiền điện, nhưng rồi kẻ trước người sau, ai cũng sẽ bước qua ngưỡng cửa (cái chết) để vào khu chính điện. Ai cũng được mái nhà ấy chở che nên ai cũng phải thấm nhuần đạo lý: con hiếu thuận, cha mẹ nhân từ, anh lương thiện, em khiêm nhường, chồng lo toan gánh vác gia đình, vợ “lặng lẽ vun trồng gìn giữ” (Xuân Quỳnh).

Đó là phận sự của mỗi người.

Trong xã hội hiện đại, nhiều gia đình vẫn bền vững chính nhờ các thành viên có được ý thức rõ ràng về phận sự như thế. Mặt khác, giáo lý của đạo Phật - một tôn giáo được đa số người Việt Nam tin tưởng cũng đóng góp khá lớn vào việc củng cố tế bào gia đình “thờ cha, kính mẹ, ấy là chân tu”.

Quan niệm luân hồi và thuyết nhân quả “gieo gì gặt nấy” đã góp phần cầm cương cho các hành vi ứng xử. Hiếu thuận với cha mẹ vừa là lẽ tự nhiên uống nước nhớ nguồn vừa là hành vi làm gương cho con cháu. Ai cũng mong muốn đạo lý này sẽ lặp lại ở các thế hệ sau.

Có thể thấy sự thiêng liêng của gia đạo chính là căn cứ chủ quan cho niềm tin của chúng ta về sự tồn tại bền vững của gia đình.

Khi khám phá căn nguyên phục hưng mạnh mẽ của các quốc gia được gọi là “Con rồng châu Á”, các học giả phương Tây đã tìm ra một bí quyết: đó là các quốc gia này vừa đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế vừa trân trọng bảo tồn nền văn hoá truyền thống, đặc biệt coi trọng, củng cố gia đình.

Người ta đã vượt qua thái độ cực đoan khi tiếp cận hệ tư tưởng Nho giáo, biết loại bỏ những khía cạnh tiêu cực, lạc hậu và tiếp nhận những yếu tố còn có tác động tích cực tới việc phát triển nhân cách và duy trì ổn định trật tự xã hội.

Càng ngày những người lãnh đạo của các quốc gia càng nhận thức sâu sắc hơn tầm quan trọng của gia đình, bởi vì mọi chức năng mà gia đình thực hiện đều có ý nghĩa “kép” - thoả mãn cá nhân và đáp ứng xã hội.

Ngay một hoạt động có tính chất riêng tư như tình dục vợ chồng cũng cùng một lúc vừa thoả mãn khoái cảm cá nhân vừa đóng vai trò kiểm soát và đảm bảo an toàn tình dục xã hội. Hoạt động sinh sản vừa để tiếp tục dòng giống gia đình lại vừa duy trì chủng tộc và nguồn nhân lực lao động xã hội tương lai...

Hơn thế, gia đình không chỉ gánh vác trách nhiệm chuẩn bị lực lượng lao động tương lai (Trẻ em hôm nay - Thế giới ngày mai), mà còn thay mặt xã hội đền đáp công lao bộ phậnlao động quá khứ (người già), chăm sóc sức khoẻ thể chất và tinh thần cho người lao động hiện tại.

Sức mạnh của một dân tộc được nuôi dưỡng trong lòng mỗi gia đình, gia đình bền vững - xã hội ổn định, gia đình hạnh phúc - xã hội phát triển phồn vinh. Trong mấy năm gần đây, các bộ luật có liên quan đến Gia đình, Giới và Trẻ em được liên tục xây dựng và hoàn thiện đã chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta đối với lĩnh vực này.

Đó là những vũ khí lý luận quan trọng bên cạnh ý thức gia đạo thiêng liêng cùng góp sức bảo vệ và chèo lái con thuyền gia đình trong cơn sóng cả. Tuy nhiên, gia đạo cần phải được biểu hiện qua gia lễ và được gay dựng bằng gia giáo.

Phải thừa nhận, ngay gia lễ trong gia đình hiện đại vẫn giữ tròn được gia đạo cũng đã biến đối khá nhiều so với quy ước truyền thống.

Do nhịp sống khẩn trương, các lễ đã được rút gọn, nhiều khi còn bỏ qua. Thí dụ trẻ đi học chỉ chào mà không khoanh tay xin phép; lời mời những người ngồi quanh mâm cơm cũng được “miễn lễ”; ngày giỗ, con cháu đến ăn và trò chuyện râm ran đủ chuyện trên trời dưới đất thay cho việc kính cẩn khấn vái và ôn lại kỷ niệm hay công lao của người đã khuất; con trẻ cũng tranh luận quyết liệt phải trái với cha mẹ vì lẽ công bằng v.v...

Rất khó nói những hiện tượng này nên hay không, hay hoặc dở. Nhưng rõ ràng trong thực tế, chúng ta đã phải chấp nhận sự cách tân trong gia lễ cho phù hợp với không khí hiện đại, miễn là nó không phá huỷ cốt lõi tình yêu thương của gia đạo.

Giáo dục gia đình, hiện nay, đã được quan tâm nhiều hơn bởi vì sau những ngộ nhận, người ta đã hiểu rằng không có gì có khả năng tác động mạnh mẽ tới con người hơn gia đình. Người xưa đã dậy: ở bầu thì tròn, ở ống thì dài.

Các nhà tâm lý học đã khẳng định tầm quan trọng của môi trường sinh hoạt thời thơ ấu: bảy mươi phần trăm nhân cách được hình thành trước lúc bảy tuổi. Trong vòng tay của cha mẹ, những nét cơ bản của nhân cách đã định hình.

So với giáo dục xã hội, giáo dục gia đình có nhiều ưu thế. Nếu nhà trường chủ yếu bồi dưỡng tri thức và thiên về lý thuyết thì gia đình lại mạnh về khía cạnh trau dồi tình cảm - đạo đức và xây dựng nếp sống hàng ngày.

Trẻ em được giáo dục theo hình thức thẩm thấu, mỗi ngày một ít và thường xuyên lặp lại. Hơn nữa, trên cơ sở đặc điểm tâm lý của từng đối tượng mà cha mẹ có thể lựa chọn phương thức tác động cá biệt có hiệu quả. Mặt khác, khi dạy con theo cách làm gương, chính các bậc cha mẹ cũng đã được giáo dục.

Cần đặc biệt chú ý tới đối tượng là những người ở giai đoạn tiền hôn nhân, chuẩn bị xây dựng gia đình riêng. Hôn nhân là sự gắn kết giữa hai người vốn khác biệt về giới tính, về huyết thống, tuổi tác, nghề nghiệp và đặc biệt về văn hoá gia đình xuất thân vốn đã in dấu trong nhân cách.

Quá trình chung sống là quá trình mỗi người phải lao động không ngừng, lao động để có thể tạo nên sự hoà hợp về tâm lý tình cảm, về quan niệm sống và cả về mặt sinh lý. Vai trò làm vợ, làm chồng, làm cha, làm mẹ được hoàn thành như là kết quả của những hoạt động có ý thức.

Nhiều cuộc tình tan vỡ vì những người trong cuộc thiếu hiểu biết về đời sống gia đình, thiếu kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp cần thiết, dù đấy là sống với người mình thành thực yêu thương.

Phải chăng nên tham khảo kinh nghiệm của một số nước, trước khi kết hôn, người sắp lập gia đình bắt buộc phải được tư vấn về kiến thức, về tâm lý và sức khoẻ.

Việc Vụ gia đình thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã và đang biên soạn những bộ sách phổ thông về kiến thức gia đình cũng như việc triển khai Văn hoá gia đình như một môn học trong một số trường đại học là những cố gắng rất lớn của chúng ta, nhưng việc truyêng bá này cần được phổ cập sâu rộng hơn.

Về phía xã hội, cần có những chính sách cụ thể nhằm tăng cường sức mạnh nội tại cho các gia đình. Ví dụ, nên tạo điều kiện để các cặp vợ chồng được sống gần nhau, giúp họ có thể sớm tối chia ngọt sẻ bùi và chung tay nuôi con cái.

Hãy coi việc động viên các thành viên của gia đình tiếp tục sống xa nhau hay khích lệ người đàn bà một mình nuôi dạy con như những năm chiến tranh là “điều bất bình thường”. Chúng ta đều biết hôn nhân như một “ngân hàng” cần lưu thông vốn hàng ngày, sự xa cách lâu dài dễ trở thành căn nguyên làm rạn nứt mối quan hệ.

Hãy ủng hộ hơn nữa quyền gia đình được có tài sản riêng, có nơi cư trú ổn định, có môi trường sống (tự nhiên và xã hội) trong lành không ô nhiễm. Hãy trân trọng phong tục thờ cúng tổ tiên và các nghi lễ vòng đời người (quan, hôn, tang, tế) như hình thức tín ngưỡng hoá một phong tục đẹp, làm cho gia đạo có được màu sắc thiêng liêng.

Hãy biểu dương và nhân rộng những tấm gương sáng về đạo lý gia đình làm nền móng vững vàng cho đạo lý ứng xử ngoài xã hội.

Hãy sáng tác và truyền bá nhiều hơn những tác phẩm nghệ thuật hấp dẫn về đề tài gia đình, kể cả những tác phẩm nước ngoài.

Những yếu tố nhân văn quý giá trong các tác phẩm ấy sẽ nảy mầm và phát triển trong lòng công chúng cảm thụ. Chẳng ông bố bà mẹ nào lại không suy nghĩ về hậu quả của việc nuông chiều con quá mức mà bộ phim “Bỗng dưng muốn khóc” phản ánh.

Có thể có bao nhiêu người đàn ông lâu nay vẫn thản nhiên nhận sự hy sinh của người vợ - đã sửng sốt về đề nghị “đi nghỉ phép” và lời trần tình của người đàn bà trong phim Hàn Quốc “Sự phẫn nộ của người mẹ”: “Suốt bao lâu nay tôi đã cố gắng hết sức để làm dâu, làm vợ, làm mẹ, làm bà. Nhưng biết đến bao giờ tôi mới được làm Tôi!”.

Gia đình của chúng ta có thể có tổ ấm hay tổ lạnh, là thiên đường hay chốn ngục tù... tất cả phụ thuộc vào sự chung tay góp sức của mọi thành viên cùng với sự hỗ trợ tích cực và thông minh từ phía xã hội.

Với quan niệm ấy, việc tổ chức vận động và quản lý có hiệu quả phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, trong đó bao gồm xây dựng những gia đình sống có văn hoá, chính là đóng góp hữu ích từ xã hội cho gia đình Việt Nam hôm nay.

Tác giả: Nguyễn Hồng Mai


Tin liên quan