Gặp 5 dấu hiệu cảnh báo này, cha mẹ cần cho trẻ đi khám mắt ngay

Khi trẻ gặp vấn đề về thị lực sẽ ảnh hưởng nặng nề tới sự phát triển thể chất của trẻ. Phát hiện sớm có dấu hiệu bất thường về mắt sẽ giúp trẻ không bị “tăng số” về sau.

Xem thêm

Theo TS.BS Trịnh Thị Bích Ngọc, nguyên PGĐ Bệnh viện Mắt Hà Nội, khi trẻ có những dấu hiệu dưới đây, cha mẹ cần đưa con đi khám mắt sớm để kiểm tra và điều trị kịp thời, vì rất có thể trẻ đã gặp vấn đề về thị lực.

1. Đau mỏi mắt khi xem tivi, nhìn máy vi tính: Khi xem tivi, dùng máy vi tính hay điện thoại di động trẻ kêu than nhức mắt, mỏi mắt, khó chịu thì cần đưa đi khám bác sĩ. Cha mẹ cũng cần thường xuyên nhắc trẻ cho mắt nghỉ ngơi mỗi 20 phút để nhìn vào vật ở cách xa tối thiểu 60m trong vòng 20 giây.

Trẻ nhỏ thường xuyên dụi mắt, chảy nước mắt là dấu hiệu cảnh báo trẻ có vấn đề về thị lực. Ảnh minh họa

2. Thường xuyên dụi mắt: Trẻ nhỏ thường dụi mắt khi mệt mỏi hay buồn ngủ. Nhưng nếu thấy trẻ dụi mắt khi cố tập trung nhìn vào vật gì đó hoặc dụi mắt khi đang vui chơi, cần nghĩ tới vấn đề về thị lực.

3. Trẻ thường nheo mắt, nghiêng đầu: Cha mẹ cần chú ý tới hai biểu hiện này của trẻ khi nhìn xa. Đây là dấu hiệu cảnh báo trẻ có thể mắc các tật khúc xạ.

4. Trẻ nhạy cảm với ánh sáng: Trẻ sợ ánh sáng hoặc quá nhạy cảm với ánh nắng mặt trời hay ánh sáng đèn flash dẫn đến đau đầu, buồn nôn. Khi đó, cha mẹ cần đưa trẻ đi thăm khám sớm vì nhạy cảm với ánh sáng có thể là biểu hiện của một vài bệnh lý mắt nghiêm trọng.

5. Nhắm một mắt khi đọc hay xem tivi: Thường xuyên nhắm một mắt có thể là dấu hiệu của tật khúc xạ hay có vấn đề về thị lực, ảnh hưởng tới khả năng phối hợp đồng bộ hai mắt. Vậy nên, khi thấy con có biểu hiện này, cha mẹ cần đưa con đi khám mắt để được phát hiện và điều trị sớm.

Khi thấy mắt trẻ có những dấu hiệu bất thường, cha mẹ cần đưa con đi khám bác sĩ để được phát hiện và điều trị sớm

Nguyên nhân dẫn đến trẻ dễ mắc các tật khúc xạ 

- Học tập và sinh hoạt thiếu khoa học 

- Trẻ sinh thiếu tháng, trẻ sinh ra mà trọng lượng cơ thể quá nhẹ 

- Di truyền từ bố mẹ

Để phòng ngừa các bệnh về mắt ở trẻ, cha mẹ cần đảm bảo đủ ánh sáng khi trẻ học tập, sinh hoạt và tư thế ngồi đúng cách.

Không cho trẻ ngồi trước màn hình tivi, máy tính quá lâu. Đảm bảo ngủ đủ giấc. Giấc ngủ hợp lý nhất đối với trẻ em là từ 8 – 10 tiếng/ngày.

Ngoài ra, một chế độ ăn uống hợp lý với những thực phẩm giàu vitamin sẽ giúp tăng cường thị lực cho trẻ. Những thức ăn chứa nhiều vitamin A có trong các loại gan động vật, sữa bò, sữa cừu, lòng đỏ trứng gà, dầu gan cá…; Các loại thức ăn chứa nhiều caroten, chủ yếu có trong rau xanh, cải trắng, cải xanh, đậu xanh, bí, cà chua, cà rốt, táo, khoai lang, gấc…; Các loại thức ăn có chứa nhiều vitamin B1, niacine... có ở đậu các loại, thịt nạc, gạo lứt, táo, bắp...

Đối với những trẻ đang mắc các tật khúc xạ, cha mẹ cần cho trẻ mang kính đúng tiêu chuẩn và kiểm tra khúc xạ định kỳ. Hiện, đeo kính gọng đang là biện pháp điều chỉnh tật khúc xạ an toàn nhất cho trẻ.

Kính tiếp xúc hay còn gọi là kính áp tròng không thích hợp với trẻ và cũng có nguy cơ gây nhiễm trùng. Hiện nay, có các phương pháp phẫu thuật, nhưng phải đợi đến khi trẻ 18 tuổi, độ cận đã ổn định.

L.Minh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan