ThS.BS Bùi Cẩm Hương, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Mắt Sài Gòn – Hà Nội kể, một bệnh nhân cận thị vào BV Mắt Sài Gòn - Hà Nội thăm khám với biểu hiện đau đầu, chóng mặt và nhìn mọi thứ mờ đi dù đeo kính 7đi-ốp. Thăm khám tiền sử bệnh lý thì bạn cho biết, bỗng dưng thấy mắt nhìn kém hơn, hay nhức mỏi nên ra cửa hàng kính mua kính đeo.
Nhân viên cửa hàng kính cho bệnh nhân thử kính cận thì thấy mắt bệnh nhân đeo kính 7 độ có thể nhìn rõ mọi thứ ở xa nên tư vấn mua dùng. Lúc đầu mới sử dụng kính bệnh nhân thấy nhìn rõ hơn, nhưng một thời gian bệnh nhân thấy đau đầu, chóng mặt và nhìn mọi thứ mờ đi.
Đến lúc này bệnh nhân mới vào viện gặp bác sĩ thăm khám. "Sau khi nhỏ thuốc liệt điều tiết và thăm khám cho bệnh nhân tôi phát hiện mắt bệnh nhân hoàn toàn bình thường, không bị cận" - BS Hương cho hay.
Những biểu hiện nhìn mờ, mỏi mắt trước đó là do mắt của bệnh nhân phải làm việc quá sức dẫn đến mệt mỏi, gây ra tình trạng cận thị giả. Vì không bị cận thị nhưng lại đeo kính cận 7 độ làm chức năng điều tiết của mắt bị suy giảm, gây mệt mỏi, khó chịu cho mắt.
Nguy hiểm hơn là bệnh nhân này đã phải đeo kính oan dù không bị cận và đến khi phát hiện thì mắt bị phụ thuộc không thể bỏ được kính” – BS Cẩm Hương nhấn mạnh
Những trường hợp cận thị giả làm hỏng mắt thật như bệnh nhân kể trên thường hay gặp ở lứa tuổi học đường hiện nay
Theo bác sĩ Cẩm Hương, cận thị giả không phải là một bệnh lý cố hữu mà là những rối loạn thoáng qua của mắt, có biểu hiện rất giống với bệnh cận thị. Việc phân biệt cận thị thực sự hay giả cận thị, không quá khó đối với bác sĩ chuyên khoa mắt. Nhưng với những người bán kính ở hiệu kính thuốc, không có chuyên môn nhãn khoa nên rất dễ nhầm lẫn và việc tư vấn mua kính không đúng thị lực mắt làm nhiều người hỏng mắt, đeo kính oan vì cận thị giả.
"Triệu chứng chủ yếu của giả cận thị là khó khăn khi ghi chép sau một thời gian dài làm việc trong cự ly gần, hay còn gọi là hiện tượng mệt mỏi thị giác. Thị lực có thể cải thiện nhất thời nếu đeo kính cận (kính trừ). Chẩn đoán phân biệt rất đơn giản, chỉ bằng nhỏ thuốc liệt điều tiết như atropin hay cyclopegic, làm liệt cơ thể mi, giảm năng lực điều tiết, mắt sẽ trở lại bình thường"- BS Hương nhấn mạnh.
Điều nguy hiểm là giả cận thị nếu không điều trị kịp thời hoặc không có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, khiến mắt phải liên tục làm việc trong thời gian dài thì có thể dẫn đến suy nhược, trở thành cận thị thật. Vậy nên, khi có dấu hiệu nhìn không rõ, mệt mỏi, nên đến gặp bác sĩ nhãn khoa sớm để xác định chính xác bị cận thị giả hay thật.
Với những người bị cận thị giả do bắt mắt làm việc quá sức thì cách khắc phục đơn giản là làm việc điều độ, trong điều kiện tối ưu cho mắt, giữ khoảng cách nhìn cho đúng, tập mắt dưới sự hướng dẫn của bác sĩ nhãn khoa.
Khi mắt bị mỏi hoặc cứ sau làm việc bằng mắt một giờ, nên cho mắt nghỉ ngơi 5 - 10 phút bằng cách nhắm mắt, nhìn ra xa hoặc massage xung quanh mắt… Bất kỳ ai cũng cũng có thể bị mệt mỏi thị giác, giả cận thị, vì vậy cần làm việc bằng mắt điều độ và giữ gìn vệ sinh đôi mắt.
L.MinhBạn đang xem bài viết Ngày càng có nhiều người hỏng mắt vì đeo kính cận thị giả tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].