Nhỏ thuốc xong, mắt xót, đau đến mức không thể mở ra được
Vì sợ bệnh cận thị tiến triển và lại đang trong quá trình mang thai nên chị N.K.Q. (quê ở Gia Bình, Bắc Ninh) tìm đến nhà thầy lang Tân với mong muốn chữa cận thị mà không phải dùng thuốc uống để không ảnh hưởng đến thai nhi.
Chính vì thế, dù không được thầy lang Tân thăm khám gì nhưng chị Q. vẫn đánh liều xin nhỏ thuốc vào mắt. Khi thuốc vào mắt, chị thấy hiện tượng đau, xót, rát mắt rất khó chịu.
Khi chị Q. thắc mắc, thầy lang Tân trấn an: “Đau, rát là biểu hiện bình thường khi nhỏ thuốc. Em bị cận thị nặng nên cảm giác đau, xót sẽ dữ dội hơn những người bị nhẹ và thời gian thuốc tự điều chỉnh để chữa mắt cho em sẽ lâu hơn người bệnh nhẹ”. Nghe vậy nên chị Q. tiếp tục nhắm mắt chịu đau.
Sau khoảng 30 phút chịu đựng, cảm giác khó chịu ở mắt dần giảm đi, nhưng mắt chị Q. vẫn không thể mở ra. Do đó, cùng nhỏ thuốc vào khoảng 8 giờ 30 phút với mấy chục người bệnh nhưng chị Q. gần như là người cuối cùng mở được mắt ra và thời gian nhắm mắt chờ đợi thuốc tự điều chỉnh chữa mắt lâu nhất, khoảng hơn 2 giờ đồng hồ.
Trao đổi với PV Gia Đình Mới sau 2 ngày dùng thuốc, về nhà ăn uống, khiêng khem theo chỉ dẫn của lang Tân nhưng chị vẫn chưa thấy mắt có gì thay đổi.
“Mắt tôi vẫn vậy, không thấy sáng hơn cũng không có biểu hiện gì khác thường. Chữa bệnh còn phụ thuộc cơ địa mỗi người, chắc cơ địa của tôi khó đáp ứng thuốc hơn so với những người khác. Tôi sẽ đến nhỏ thuốc tiếp lần 2 xem hiệu quả có tốt hơn không” .
Còn chị T.T.L. (ở Thường Tín, Hà Nội) thì tâm sự, chị biết được thông tin “Lương y Văn Đình Tân” chữa được cận thị qua facebook nên đưa cô con gái đang học lớp 7 đến chữa cận thị.
Con gái chị L. bị cận hơn 3 độ, thị lực kém ảnh hưởng đến quá trình học tập, sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Hơn nữa, chị L. thấy số độ cận thị của con tăng vù vù sau mỗi lần đi khám mắt, sợ bệnh của con ngày càng nặng nên chị L. quyết đem con đi chữa cận thị trong đợt nghỉ hè này.
Chị L. kể: “Lần này con đến nhỏ thuốc lần thứ 2, lần thứ nhất khi nhỏ thuốc con kêu đau, rát, về nhà mắt con có đỏ lên, nhưng thầy thuốc bảo là triệu chứng bình thường nên tôi để kệ mắt con như vậy vài ngày.
Vì không phải là người trực tiếp nhỏ nên tôi cũng không biết rõ hiệu quả thực sự của thuốc ra sao, chỉ biết khi hỏi con thì bé bảo mắt sáng hơn, vẫn nhìn được khi không đeo kính.
Sau lần nhỏ thuốc đợt 1 về tôi cũng không cho con đeo kính lại nên mỗi lần xem ti vi thấy con vẫn ngồi rất gần. Những lúc như vậy tôi chỉ nhắc nhở con thầy thuốc bắt kiêng tivi, máy tính, điện thoại thì mới có kết quả và rồi con lại tắt tivi”.
Nhưng theo chị L., rất khó để kiểm soát việc kiêng khem của con vì trẻ nhỏ dễ quên lời căn dặn của người lớn. Hơn nữa, bố mẹ còn phải đi làm, không thể ở bên con suốt cả ngày để nhắc nhở.
Vậy nên, đưa con đi chữa mắt lần này chị L. đặt rất nhiều hy vọng, bởi trước đó chị cũng đưa con đi khám và điều trị ở nhiều bệnh viện lớn mà không có hiệu quả.
Hiệu ứng đám đông khi chữa bệnh
Một lý do làm chị L. hy vọng ở lần chữa mắt này cho con là vì khi đưa con đến nhỏ thuốc lần 1, chị L. có gặp một bệnh nhân cũng đến nhỏ thuốc và nói rằng nhỏ xong mắt sáng hơn, nhìn rõ hơn.
“Chị bệnh nhân đó kể với tôi là cách đây 20 năm, chị ấy bị dị vật rơi vào mắt khiến mắt giảm thị lực, mắt mờ nhìn không rõ. Gần đây có biết đến “Lương y Văn Đình Tân” chữa mắt miễn phí nên tìm đến nhờ nhỏ thuốc. Sau vài lần nhỏ, chị ấy nhìn mọi thứ sáng rõ hơn, thoát khỏi tình trạng nhìn mờ suốt 20 năm” – chị T.T.L. tâm sự.
Chị L. nghĩ rằng người ta cũng là người bệnh, có cùng hoàn cảnh bệnh tật như mình, đang đi tìm thầy tìm thuốc, những chia sẻ của người cùng cảnh ngộ làm chị L. tin tưởng và quyết định cho con mình chữa theo. Không chỉ chữa cho con mình, chị L. còn rủ một vị phụ huynh khác dẫn cậu con trai học cùng lớp với con gái chị L. đến nhỏ mắt chữa cận thị.
Bé T.B.D. (ở Thường Tín, Hà Nội) đang học cùng lớp với con gái chị L. cũng đang bị cận khoảng 3 độ. Thấy chị L. kể về việc mang con gái đi nhỏ thuốc chữa cận nên mẹ bé D. cũng dẫn con đi chữa cùng.
Ngồi chờ con nhỏ mắt chữa cận, mẹ bé D. chia sẻ: “Tôi đã từng nhiều lần mang D. ra các bệnh viện lớn ở Hà Nội thăm khám. Các bác sĩ cũng đã nói bệnh của con chỉ có thể khắc phục bằng cách đeo kính cận, không thể chữa khỏi được. Đến các bác sĩ chữa mắt cũng đeo kính rất nhiều nên tôi cũng không mấy tin tưởng, vì nếu bệnh chữa được thì bác sĩ sao phải đeo kính.
Nhưng tôi thấy chị L., phụ huynh một bạn học của con tôi đưa con đi chữa và thấy bảo mắt bé sáng hơn, rõ hơn. Vậy nên tôi dẫn con đến chữa thử với hy vọng còn nước còn tát”.
Sau khoảng hơn một giờ nhỏ thuốc chữa cận thị, bé D. mở được mắt và ra ngồi với mẹ. Dù đôi mắt đỏ hoe, khó chịu nhưng cậu bé D. vẫn hóm hỉm cười đùa với mẹ:
- Đau lắm mẹ ạ, con phải cố chịu mãi
- Con trai gì mà lúc đầu còn khóc, không bằng bạn gái (mẹ bé D. cười cười bệu má con)
- Mẹ xem này, nhiều dử mắt lắm (bé D. dùng bông thấm dử mắt đưa cho mẹ xem)
- Không dụi mắt nữa, thầy thuốc bảo ra dử là thuốc bóc đi lớp màng và mắt sẽ khỏi (mẹ bé D. chặn tay con lại và khuyên bảo)
- Thầy thuốc viết giấy dặn kiêng nhiều thứ quá mẹ ơi, rau muống, đồ nếp, thịt gà, rượu, bia, chất kích thích, trứng. Toàn những món ăn con thích, vậy tối nay phải ăn cái gì? Lại còn kiêng tivi, điện thoại, thế này thì “tạch” à? (cậu bé ngán ngẩm kêu than với mẹ)
Cũng gặp tâm lý hoang mang như các bệnh nhân khác, cô bé T.T.H. (sinh viên năm 2, trường ĐH Công Nghiệp Hà Nội) đến nhỏ thuốc lần thứ 2 bộc bạch: “Em nhỏ thuốc được 1 lần nhưng suốt nửa tháng em không thấy mắt mình đỡ hơn.
Lần nhỏ thuốc thứ 2 này em hy vọng kết quả tốt như thầy thuốc và một số người chia sẻ. Nhưng rất có thể kết quả sẽ không cao vì em không kiêng khem được đầy đủ như thầy thuốc khuyến cáo”.
Mặc dù một số người bệnh có chia sẻ khi họ được nhỏ thuốc vài lần mắt sáng hơn, nhìn rõ hơn nhưng đó chỉ là ý kiến chủ quan, không có kết quả thăm khám của các bác sĩ là số độ cận, loạn, viễn của họ có giảm hơn trước, nên rất khó để có thể kết luận hiệu quả thực sự mà thuốc này mang lại.
Sau khi nhỏ thuốc tất cả các bệnh nhân đều được “Lương y Văn Đình Tân” phát cho tờ giấy có ghi lưu ý sau khi chữa bệnh cận thị. Nội dung tờ giấy có ghi kiêng ăn rau muống, đồ nếp, thịt gà, rượu, bia, chất kích thích, trứng, đồng thời trong thời gian điều trị không được sử máy tính, hạn chế lướt web trên điện thoại.
Rõ ràng tờ trên tờ giấy lưu ý cho bệnh cận thị nhưng những người chữa loạn thị, viễn thị, viêm kết mạc, mộng mắt… vẫn phải tuân thủ chế độ kiêng khem của người cận thị.
TS.BS Trịnh Thị Bích Ngọc - Nguyên Phó Giám đốc BV Mắt Hà Nội cho biết: “Hiện trong ngành Nhãn khoa ghi nhận vẫn chưa có thuốc chữa các tật khúc xạ của mắt như cận thị, loạn thị, viễn thị.
Muốn điều trị cần phải tác động để thay đổi lại các cấu trúc này như áp dụng phương pháp phẫu thuật. Bởi các tật khúc xạ hình thành là do sự bất thường cấu trúc nhãn cầu như chiều dài nhãn cầu dài, ngắn quá mức bình thường, bề mặt giác mạc không đều, cong dẹt quá mức bình thường, đục thể thủy tinh..."
Nhóm PV GIA ĐÌNH MỚIBạn đang xem bài viết Bệnh nhân hoang mang với thuốc nhỏ mắt chữa cận thị, loạn thị, viễn thị… của 'siêu thầy lang' ở Hà Nội tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].