Đuông dừa, món ăn khoái khẩu của nhiều người Việt nguy hại thế nào?

Việc ăn sống các loại côn trùng, trong đó có đuông dừa rất dễ gây ngộ độc, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, thậm chí có thể mất mạng.

Sau khi ăn đuông dừa, người đàn ông bị sốc phản vệ được đưa vào bệnh viện cấp cứu khẩn cấp

Khoa cấp cứu Bệnh viện Xuyên Á – Vĩnh Long mới tiếp nhận một trường hợp cấp cứu khẩn cấp, đó là nam bệnh nhân B.V.T. (32 tuổi, ngụ huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) bị sốc phản vệ do ăn đuông dừa.

Bệnh nhân được người nhà đưa vào Bệnh viện Xuyên Á – Vĩnh Long trong tình trạng tím toàn thân, mẫn nổi khắp người và gây ngứa, mạch nhanh, huyết áp không đo được.

Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ tiến hành thăm khám kỹ lưỡng, khai thác quá trình bệnh lý đã chẩn đoán bệnh nhân bị sốc phản vệ do ăn đuông dừa và khẩn trương tiến hành cấp cứu chống sốc cho bệnh nhân.

Bác sĩ Bệnh viện Xuyên Á – Vĩnh Long cho biết, đuông dừa là loại côn trùng họ bọ vòi voi sinh sống ở các vùng nhiệt đới thuộc Châu Á. Ấu trùng của loại bọ này sinh sống ở thân cây dừa, cây cau, cây trà là,…

Hiện nay, ấu trùng này được xem là món ăn đặc sản khoái khẩu và được chế biến với nhiều món khác nhau nhờ giá trị dinh dưỡng cao, nhất là hàm lượng đạm, 100g đuông dừa cung cấp 13gram protein, canxi, muối khoáng…

Tuy nhiên, trong đuông dừa có thể có một số chất gây dị ứng ở một số người có cơ địa không hợp với một chất nào đó có trong đuông dừa; hoặc có một số các bào tử nấm độc trong môi trường sinh sống của con đuông có thể nhiễm vào con đuông và các bào tử này trở thành nấm có độc tính cao.

Biểu hiện của dị ứng sau khi ăn đuông dừa là nổi mề đay, phát ban từng vùng hoặc khắp người gây ngứa, người nôn nao khó chịu, nôn, đau quặn bụng, có cảm giác nóng rát vùng thượng vị, tiêu chảy, khó thở, nếu nặng có thể gây sốc phản vệ, nếu không được cấp cứu xử trí kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Các món ăn từ côn trùng rất dễ gây ngộ độc, sốc phản vệ

Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, các món ăn từ côn trùng như nhộng tằm, nhộng ong, sâu chít, dế mèn… có giá trị dinh dưỡng rất cao, nhất là rất giàu đạm, canxi và vi khoáng… Vì vậy mà côn trùng dễ dàng trở thành nguồn dược liệu và thực phẩm bổ dưỡng, quý giá, được nhiều người yêu thích.

Tuy nhiên, việc ăn sống các loại côn trùng lại rất dễ gây ngộ độc, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh tác dụng bổ dưỡng của côn trùng khi ăn sống. Vậy nên, nếu sử dụng côn trùng làm thực phẩm cần thực hiện ăn chín, uống sôi.

Việc nấu chín côn trùng để ăn cũng không đảm bảo chắc chắn về độ an toàn. Bởi, trong các loài côn trùng thường có chứa một số chất gây dị ứng, những người cơ địa không hợp với một chất nào đó có trong côn trùng dễ gây dị ứng hoặc ngộ độc.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, khi bị ngộ độc thức ăn có nguồn gốc là côn trùng, nếu còn tỉnh táo, cần tự gây nôn. Trường hợp nặng, khó thở và thở yếu cần hô hấp nhân tạo tùy theo các biểu hiện của nạn nhân. Sau khi sơ cứu, cần nhanh chóng đưa nạn nhân tới các cơ sở y tế để được xử trí và điều trị kịp thời.

Những biểu hiện của dị ứng côn trùng nói riêng và thức ăn nói chung là nổi mề đay, phát ban từng vùng hoặc khắp người gây ngứa, người nôn nao khó chịu, nôn, đau quặn bụng, có cảm giác nóng rát vùng thượng vị, tiêu chảy, khó thở...  sau khi ăn. 

Do đó, những người trước đó hay bị dị ứng với thức ăn nên cân nhắc khi ăn côn trùng sống hoặc các món ăn chế biến từ côn trùng.

Ngoài ra, người sử dụng cũng rất dễ bị ngộ độc khi ăn phải các loại côn trùng chết. Nguyên nhân là do khi chết các loại côn trùng, động vật đều tiết ra những chất độc, nếu ăn phải cơ thể sẽ bị ngộ độc, sốc phản vệ… và có thể nguy hiểm đến tính mạng. 

Chính vì vậy,  người tiêu dùng không nên sử dụng nhộng khi nghi ngờ để lâu, ôi hỏng, không rõ nguồn gốc. Những người có cơ địa dị ứng cần thận trọng khi thưởng thức món từ côn trùng. Tốt nhất, người có cơ địa dị ứng không nên ăn những món ăn lạ hoặc chỉ nên ăn thăm dò trước.

L.Minh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan