Độc đáo tục ‘xem bói’ bằng… gan lợn của người Hà Nhì dịp Tết cổ truyền

Cứ đến Tết cổ truyền, hầu hết nhà nào của dân tộc Hà Nhì ở Mường Tè, Lai Châu đều mổ một con lợn để mừng Tết và để lấy lá gan lợn để dự đoán một năm mới phát triển như thế nào…

Xem thêm
Người dân Hà Nhì có tục dự đoán năm mới bằng cách xem gan lợn.

Những ngày cuối năm, chia sẻ với phóng viên Gia Đình Mới, ông Lý Công Hòa, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu) kể: Huyện Mường Tè có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống như Thái, La Hủ, Sila, Cống, Mảng và Hà Nhì.

Người dân tộc Hà Nhi sinh sống ở 6 xã trong toàn huyện. Ở những xã có người Hà Nhì sinh sống sẽ đón Tết năm mới sớm hơn và có nhiều điểm khác với Tết Nguyên đán của người dân tộc Kinh.

Tết cổ truyền của người Hà Nhì còn gọi là Hồ Sự Chày. Người Hà Nhì không ấn định ngày nhất định hằng năm để ăn tết, mà do các già làng, trưởng bản bàn bạc và thống nhất để áp dụng cho từng năm, dựa trên các yếu tố thời tiết, khí hậu, mùa màng mà đưa ra ngày cụ thể.

Thời điểm đó là lúc nông nhàn, vì mọi công việc đồng áng của vụ trước đã thu hoạch xong xuôi, mùa màng bội thu, chăn nuôi phát triển, còn vụ sau thì chưa tới.

Người Hà Nhì làm bánh chuẩn bị Tết cổ truyền.

Thông thường, Tết cổ truyền diễn ra vào khoảng tháng 11 dương lịch, đầu tháng 10 Âm lịch. Tết được tổ chức trong 3 ngày, bắt đầu vào ngày Thìn trong tháng. Do trong tháng có nhiều ngày Thìn nên trưởng bản, già làng sẽ tính chọn ngày Thìn nào mà để ngày âm và ngày dương không cách nhau quá 1 tháng.

Ông Hòa tiết lộ điểm đặc biệt của Tết cổ truyền của dân tộc Hà Nhì là vào dịp này, các gia đình của người đồng bào dân tộc Hà Nhì sẽ lựa chọn những con lợn to khỏe nhất để thịt.

Việc mổ lợn sẽ được các gia đình thi nhau mổ vào lúc đầu canh ba, vì người Hà Nhì quan niệm nhà nào mổ lợn xong sớm, chọc tiết lợn một lần mà được ngày thì sang năm sẽ phát tài, phát lộc.

Nhà nào mổ con lợn to chứng tỏ năm vừa qua nhà đó làm ăn được, mùa màng bội thu. Bởi thế, những con lợn mổ tết thường là những con lợn đã được chủ nhà dày công chăm sóc trong cả năm, nhiều con nặng tới hơn một tạ.

Trong quá trình mổ lợn, người Hà Nhì chú ý giữ gìn phần gan của con lợn một cách cẩn thận, vì phần gan này là thứ đặc biệt quan trọng của người Hà Nhì, có ý nghĩa trong đời sống tâm linh của người Hà Nhì. 

“Mỗi nhà sẽ gìn giữ lá gan lợn và mời thầy đến để dự đoán vận hạn của năm mới. Nếu lá gan lợn lành lặn, màu sắc tươi tắn, mật lợn căng đầy thì năm đó chăn nuôi phát triển, mùa màng bội thu, mọi người khỏe mạnh” – ông Hòa cho biết.

Qua gan lợn, người Hà Nhì có thể biết sang năm mới hậu vận gia đình sẽ ra sao.

Lợn mổ xong, cắt mỗi thứ một ít để cúng tổ tiên. Phần còn lại pha chế thành nhiều món, nhưng không thể thiếu món nộm thịt với vỏ của một loại cây rừng mà họ gọi là “khu phé a pó”, đây là món đặc trưng ngày tết vừa ngon vừa bổ...

Tết Nguyên đán của người Hà Nhì diễn ra trọn vẹn trong 3 ngày. Đêm đầu tiên của tết được coi như đêm Giao thừa. Sáng sớm ngày mùng 1 Tết, người Hà Nhì có tục đi lấy nước. Họ quan niệm rằng: Việc lấy nước đầu năm là lộc và có nguồn nước mới dồi dào sử dụng ngay từ đầu năm sẽ may mắn trong cả năm.

Cũng như các dân tộc khác, ngày tết phải đầy đủ, đầm ấm và vui vẻ nên người Hà Nhì chuẩn bị rất chu đáo: Từ trang phục truyền thống đến lương thực, thực phẩm, bánh trái đều tươm tất.

Đặc biệt là các loại bánh truyền thống như bánh trôi, bánh giầy, bánh chưng được các gia đình làm nhiều, không chỉ để thờ cúng tổ tiên mà còn chia cho con cháu hưởng lộc ngày tết và làm quà biếu cho khách.

Riêng bánh cúng tổ tiên, chủ nhà nặn ba chiếc to hơn bánh thường và đặt lên tấm lá chuối dâng lên tổ tiên, trình báo năm hết tết đến, mời tổ tiên về ăn tết cùng con cháu và đây được coi là món khai vị ngày tết…

Với người Hà Nhì, phải có những cái đó thì Tết mới thực sự là Tết! 

An Nhiên/giadinhmoi.vn

Tin liên quan