‘Trẻ em ở từng lứa tuổi sẽ có những rối loạn tiêu hóa khác nhau. Nhưng quy tắc dinh dưỡng chung cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa là chia thành nhiều bữa ăn với số lượng ít’, bác sĩ Đinh Thị Kim Liên, Nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ.
Theo bác sĩ Đinh Thị Kim Liên, có nhiều nguyên nhân làm trẻ bị rối loạn tiêu hóa. Và chỉ khi tìm hiểu được rõ nguyên nhân gây bệnh mới có cách để điều trị hiệu quả nhất.
Một số nguyên nhân dẫn đến trẻ bị rối loạn tiêu hóa được bác sĩ Liên liệt kê gồm:
- Chế độ ăn của trẻ không hợp lý, giàu đường, đạm, mỡ, ít chất xơ, ít vitamin và khoáng chất… có thể dẫn tới rối loạn tiêu hóa.
- Trẻ ăn sữa bột và bị dị ứng một thành phần nào đó của sữa.
- Hệ tiêu hóa của trẻ mất cân bằng do dùng kháng sinh hoặc một số loại thuốc trong thời gian dài.
- Trẻ bắt đầu ăn dặm, hệ tiêu hóa chưa thích nghi làm cho thức ăn không được tiêu hóa hoàn toàn dẫn đến trẻ bị tiêu chảy, nôn trớ, lười ăn…
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị rối loạn tiêu hóa
- Trẻ đi ngoài xì xoẹt hơn 3 lần mỗi ngày
- Trẻ táo bón với biểu hiện đi ngoài ít, khoảng 5 – 7 ngày mới đi 1 lần
- Trẻ nôn trớ nhiều có thể là dấu hiệu bị trào ngược dạ dày thực quản
- Trẻ có dấu hiệu mắt trũng, đái ít, trẻ chậm tăng cân…
Để khắc phục tình trạng rối loạn dinh dưỡng của trẻ, bác sĩ Kim Liên cho rằng: ‘Khi trẻ có những dấu hiệu của rối loạn tiêu hóa, cha mẹ cần đưa trẻ đi thăm khám bác sĩ dinh dưỡng hoặc bác sĩ nhi khoa để tìm ra nguyên nhân và điều trị theo nguyên nhân gây bệnh.
Bên cạnh đó, với những trẻ bị rối loạn tiêu hóa, cha mẹ cần nhớ nguyên tắc dinh dưỡng cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa là chia thành nhiều bữa ăn với số lượng ít.
Với những trẻ đang bú hoàn toàn sữa mẹ mà bị rối loạn tiêu hóa thì mẹ vẫn phải cho bé bú bình thường, không nên kiêng khem vì trẻ sẽ thiếu chất và chia thành nhiều bữa ăn với số lượng ít.
Còn với trường hợp trẻ ăn sữa ngoài mà bị rối loạn tiêu hóa thì mẹ phải xem xem trẻ có bị dị ứng với các thành phần của sữa không. Vì có nhiều trẻ không hấp thu được đạm, đường trong sữa bột và dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Nếu trẻ bị rối loạn tiêu hóa do sữa thì cần thay đổi sữa hoặc điều chỉnh cho phù hợp.
Với những trẻ lớn hơn, đã ăn dặm, khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa thì sữa mẹ vẫn quan trọng. Vẫn phải cho trẻ duy trì bú sữa mẹ. Bên cạnh đó, bát bột của trẻ cần được chế biến lỏng hơn để trẻ dễ tiêu hóa hơn.
Đồng thời, lượng mỡ cũng nên hạn chế bớt một chút. Bởi rối loạn tiêu hóa thường là ruột co bóp và tống thức ăn ra ngoài rất nhanh. Nhưng chỉ là hạn chế để lượng đạm, mỡ thấp hơn một chút chứ không phải kiêng hoàn toàn.
Ngoài giảm đạm, mỡ thì chất xơ cũng cần hạn chế hơn khi lúc trẻ bình thường. Và lúc này, cha mẹ nên chú ý cho trẻ ăn nhiều tinh bột để cơ thể trẻ hấp thu và quan trọng là phải bù đủ nước cho trẻ.
Sau một thời gian điều chỉnh chế độ dinh dưỡng của trẻ mà thấy tình trạng rối loạn tiêu hóa của trẻ đã được cải thiện thì ta tăng dần số lượng ăn để hệ tiêu hóa hồi phục trở lại.
Đối với những trẻ bị rối loạn tiêu hóa trong thời gian dài thì cần chú ý chế độ ăn mềm, lỏng, chứa nhiều chất xơ hòa tan, còn lượng đạm, lượng mỡ vẫn để ở mức thấp theo nhu cầu bình thường.
Còn với trường hợp trẻ bị viêm ruột, hội chứng ruột kích thích cần hạn chế các thực phẩm kích thích, thức ăn làm kích thích tăng nhu động ruột, thức ăn có chứa quá nhiều gia vị…
Ngoài ra, cần bổ sung thêm vitamin và muối khoáng, nhất là kẽm, để tăng cường chức năng tiêu hóa của trẻ’.
Thói quen xấu ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ
- Cha mẹ cho con vừa ăn vừa xem tivi, xem điện thoại
- Vấn đề vệ sinh dụng cụ ăn uống của trẻ không đảm bảo như cốc chén, thìa bát, bình sữa… không được tráng nước sôi trước khi đựng đồ ăn cho trẻ
- Nhiều người chưa nhớ đến việc vệ sinh sạch sẽ đôi bàn tay trước khi chế biến thức ăn cho trẻ và khi cho trẻ ăn
- Ép trẻ ăn quá nhiều làm trẻ sợ ăn, dẫn đến chán ăn