Chuyên gia dinh dưỡng chỉ ra những thói quen ăn uống ứng với câu 'bệnh từ miệng mà ra'

 ‘Người xưa vẫn nói bệnh từ miệng mà vào là ý chỉ bệnh tật của con người phần nhiều là do ăn uống. Đặc biệt, các bệnh đường tiêu hóa chủ yếu là do chế độ ăn uống gây ra’, bác sĩ Đinh Thị Kim Liên, Nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Bệnh viện Bạch Mai cho biết.

Những thói quen ăn uống ảnh hưởng sức khỏe đường tiêu hóa

Bác sĩ Đinh Thị Kim Liên cho rằng, chính những thói quen ăn uống không khoa học là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày – tá tràng, viêm đại tràng, ung thư đại tràng, ung thư trực tràng…

Một số thói quen dinh dưỡng mà nhiều người mắc phải dưới đây được cho là nguyên nhân khiến hệ tiêu hóa bị tổn thương và gây bệnh.

Ăn nhiều dưa muối, cà muối, uống rượu bia, ăn thực phẩm tái, uống thuốc không theo chỉ định của bác sĩ... là những thói quen đang dần hủy hoại hệ tiêu hóa của bạn

Ăn nhiều dưa muối, cà muối, uống rượu bia, ăn thực phẩm tái, uống thuốc không theo chỉ định của bác sĩ... là những thói quen đang dần hủy hoại hệ tiêu hóa của bạn

- Nhiều người có sở thích ăn dưa muối, cà muối, mắm, tương…, trong khi nấm mốc trong các thực phẩm này là nguyên nhân gây ung thư đường tiêu hóa.

- Thói quen ăn các món tái, thực phẩm chưa được nấu chín sẽ đưa các vi khuẩn vào đường tiêu hóa và gây bệnh, nhất là bệnh nhiễm khuẩn đường ruột.

- Ăn thức ăn quá cay, quá nóng cũng gây ảnh hưởng đến dạ dày và dẫn đến viêm loét dạ dày – tá tràng.

- Thường xuyên uống rượu, bia có thể gây đau dạ dày cấp, viêm loét dạ dày, xuất huyết dạ dày, ảnh hưởng chức năng gan… và ảnh hưởng toàn bộ cơ thể. Ngoài ra, việc uống rượu, bia lúc đói còn gây rối loạn đường huyết, ảnh hưởng sức khỏe.

- Khẩu phần ăn ít chất xơ, chú trọng ăn nhiều thịt làm tăng nguy cơ gây táo bón và mắc ung thư đại trực tràng.

- Thường xuyên ăn các loại thực phẩm không đảm bảo an toàn, thực phẩm chứa nhiều vi khuẩn, nấm mốc, hoặc cách bảo quản, chế biến thực phẩm không đúng cũng làm hại đến hệ tiêu hóa.

- Thói quen vừa ăn vừa xem tivi, chơi điện thoại, thường xuyên ăn đêm, ăn quá no hoặc quá đói sẽ làm cho dạ dày làm việc quá sức, gây ra tình trạng đầy hơi, khó tiêu.

- Tự ý mua thuốc và dùng kéo dài một số loại thuốc làm kìm hãm sự sản xuất niêm mạc bảo vệ thành dạ dày, từ đó làm ảnh hưởng chức năng tiêu hóa.

Bác sĩ Đinh Thị Kim Liên, Nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Bệnh viện Bạch Mai

Bác sĩ Đinh Thị Kim Liên, Nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Bệnh viện Bạch Mai

Dấu hiệu nhận biết đường tiêu hóa bị ảnh hưởng do ăn uống

Theo bác sĩ Liên, ‘khi ăn uống không khoa học như ăn quá nhiều trong một bữa, ăn thực phẩn không đảm bảo vệ sinh sẽ gây nhiễm khuẩn đường tiêu hóa với các triệu chứng cấp tính là đau bụng, nôn, đi ngoài…

Cùng với đó là việc ăn một bữa ăn không hợp lý, không cân đối, ăn quá nhiều chất đạm trong một bữa, có bữa lại ăn quá ít dẫn đến đầy bụng, đi ngoài phân sống. Hoặc thói quen uống rượu bia quá nhiều thì có thể có biểu hiện đau bụng.

Tuy nhiên, bên cạnh những triệu chứng cấp tính biểu hiện ngay sau ăn thì có nhiều thói quen ăn uống ảnh hưởng sức khỏe nhưng không biểu hiện ngay mà tích lũy dần dần.

Vậy nên, tùy từng người, tùy từng trường hợp mà sẽ có biểu hiện đau cấp tính hoặc tích tụ thành bệnh đường tiêu hóa sau này.

Ví như, có những người ăn quá chua, quá cay không có biểu hiện đau bụng hay ảnh hưởng tiêu hóa ngay mà mất khoảng một thời gian, một lộ trình và đến một lúc nào đó sẽ bị đau bụng do viêm loét dạ dày.

Hoặc như có những người có thói quen tiếc của nên ăn những thực phẩm bị nấm mốc, thực phẩm không đảm bảo an toàn. Cứ nghĩ ăn không thấy biểu hiện gì thì cho là không sao, nhưng thực tế, các chất độc hại từ nấm mốc tích tụ dần dần trong cơ thể và gây bệnh ung thư gan, ung thư dạ dày…’.

Và điều quan trọng là, những triệu chứng biểu hiện ngay thường có thể điều trị được. Còn những cái không biểu hiện, tích tụ trong cơ thể gây bệnh và đến khi phát hiện đã thành nặng và rất khó để điều trị.

Bệnh nhân bị các bệnh đường tiêu hóa nên ăn đồ ăn lỏng, bổ sung thêm vitamin và khoáng chất nhằm tăng cường sự phát triển của niêm mạc ruột

Bệnh nhân bị các bệnh đường tiêu hóa nên ăn đồ ăn lỏng, bổ sung thêm vitamin và khoáng chất nhằm tăng cường sự phát triển của niêm mạc ruột

Chế độ dinh dưỡng đảm bảo sức khỏe cho người bị bệnh đường tiêu hóa?

Để hệ tiêu hóa luôn khỏe mạnh, ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân đối hàng ngày còn cần đến các biện pháp dự phòng bệnh. Đặc biệt, với những người đang mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa thì việc ăn uống để nâng cao sức khỏe và phòng ngừa bệnh tái phát đóng vai trò quan trọng.

Theo bác sĩ Kim Liên, người bị bệnh đường tiêu hóa chắc chắn khả năng hấp thu thức ăn sẽ giảm đi. Do đó, việc cung cấp dinh dưỡng không được đầy đủ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nguyên tắc chung được bác sĩ Liên đưa ra là cung cấp năng lượng đầy đủ cho người bệnh, để cho người bệnh đủ năng lượng tồn tại và có sức chiến đấu với bệnh tật.

Khi đường tiêu hóa đang bị tổn thương thì các chất dinh dưỡng được đưa vào bộ máy tiêu hóa phải đảm bảo dễ tiêu, không có tính kích thích. Bởi, nếu người bệnh sử dụng các thực phẩm quá cứng, quá thô, thức ăn không tiêu hóa được thì sẽ càng làm cho bộ máy tiêu hóa khó chịu và gây đầy bụng.

Vì vậy, người bệnh cần chọn những loại thực phẩm như: cháo, cơm nát, đậu phụ, bí xanh, khoai tây, thịt nạc, cá, bánh quy, bánh mì… Tránh những loại thực phẩm cứng, có nhiều chất xơ không hòa tan như măng khô, rau già…

Một điều cần lưu ý cho bệnh nhân bị các bệnh đường tiêu hóa là cần bổ sung thêm vitamin và khoáng chất như kẽm, vitamin A, B1…, vì vitamin và khoáng chất rất tốt cho sự phát triển của niêm mạc ruột.

Chất xơ hòa tan trong khẩu phần ăn cũng rất quan trọng. Bởi nó giúp điều hòa quá trình nhu động ruột, giúp hấp thu thức ăn, tránh bị táo bón, tránh tăng đường huyết, tránh rối loạn mỡ máu và giúp cho vi khuẩn đường ruột phát triển tốt.

Tuy nhiên, tùy từng trường hợp bệnh, tùy thể trạng từng người mà bác sĩ điều trị sẽ tư vấn chế độ dinh dưỡng thích hợp, nhưng nguyên tắc dinh dưỡng chung cho người bệnh là ăn lỏng và ăn làm nhiều bữa. Và nếu duy trì được một chế độ ăn cân đối, đầy đủ thì sẽ giúp cho hệ tiêu hóa phát triển khỏe mạnh, tăng sức đề kháng, phục hồi sức khỏe và phòng ngừa bệnh tái phát.

Linh Ly

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính