Thịt cóc được nhiều người xem là vị thuốc tốt chữa còi xương, suy dinh dưỡng ở trẻ hiệu quả. Nhưng trong con cóc có chứa độc, nếu chế biến và ăn thịt cóc không đúng cách sẽ gây hại cho sức khỏe.
Theo ThS.BS Dương Công Minh, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Bảng thành phần dinh dưỡng Việt Nam của Viện dinh dưỡng chỉ rõ, thịt cóc chỉ giàu đạm và kẽm chứ không có gì đặc biệt hơn (trong 100g bột cóc ăn được có 55,4g đạm và 65mg kẽm).
Lượng đạm trong thịt cóc có nhiều thật nhưng thịt heo, thịt gà, thịt ếch nếu biết chế biến giúp bé ăn tốt thì cũng cung cấp đạm cho trẻ không kém.
Còn lượng kẽm trong thịt cóc không sánh được bằng các loại hải sản như sò, hến, hàu… Trong khi, lượng canxi và vitamin D trong thịt cóc coi như bằng không! Rất ít thực phẩm trong tự nhiên có lượng đáng kể Vitamin D. Nhiều vitamin D một chút, chỉ có thể kể đến dầu gan cá (nhất là những loại cá béo: cá thu, cá hú …), trứng gà, những loại dầu ăn được bổ sung vitamin D.
Như vậy, có thể thấy, thịt cóc cho dù giàu đạm và giàu kẽm nhưng không thể là “cứu cánh” duy nhất can thiệp trong vấn đề trẻ còi xương, suy dinh dưỡng, biếng ăn ở trẻ. Hơn nữa, thịt cóc, với hàm lượng canxi và Vitamin D “nghèo” coi như bằng không, rõ ràng không thể giúp bé phòng ngừa và điều trị bệnh còi xương được.
Giá trị dinh dưỡng của thịt cóc không quá nhiều, tác dụng đối với sức khỏe không quá “diệu kỳ” như mọi người vẫn đang lầm tưởng. Trong khi đó, thịt cóc có chứa những mặt nguy hại, gây hiểm họa khôn lường cho sức khỏe.
Đặc biệt là độc tố trong con cóc. Ở gan, trứng, da, mủ (dịch tiết màu trắng đục từ các tuyến dưới da và mang tai, còn gọi là nọc cóc), mắt và hạch thần kinh (dọc hai sống lưng) của con cóc chứa rất nhiều bufotoxin – một chất cực độc, có thể gây chết người trong thời gian rất ngắn.
Tỷ lệ gây ra tử vong của loại độc chất này rất cao, có những bệnh nhân tử vong ngay tại nhà hoặc trên đường tới bệnh viện.
Ngoài ra, một số loài cóc còn chứa cả độc tố tetrodotoxin (một loại độc tố cũng có ở cá nóc) thông qua cơ chế cộng sinh với một số vi khuẩn.
Điều đáng nói là, độc tố trong thịt cóc không bị nhiệt phân huỷ. Cho nên, một khi độc tố của cóc, trong quá trình chế biến không an toàn, bị dính sang thịt cóc, độc tố sẽ không mất đi cho dù thịt cóc đã được nấu chín kỹ.
Một vấn đề cần quan tâm khi cho trẻ ăn thịt cóc là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo bác sĩ Minh, nếu chỉ nghĩ đơn giản “vệ sinh an toàn thực phẩm” ở đây chỉ là chuyện sạch sẽ, đun chín nấu sôi và tự mua cóc về nhà làm là an toàn tuyệt đối. Cách suy nghĩ này là hoàn toàn sai lầm.
Vấn đề quan trọng nhất là cần đảm bảo chất độc của cóc không bị dây vào thịt cóc. Nhưng trong quá trình tự chế biến, làm sao chúng ta tin chắc rằng đã loại bỏ hoàn toàn cơ quan chứa chất độc của cóc mà không hề bị lây lan sang phần thịt cóc?
Trong khi, đối tượng ăn thịt cóc tự chế biến đa phần là những em bé chậm tăng trưởng, suy dinh dưỡng hoặc người bệnh suy nhược… cần nâng cao thể trạng. Và chắc chắn là ở những người này, sức chống chọi với độc tố của cóc sẽ kém hơn nhiều so với người bình thường. Do vậy, nếu chẳng may ăn phải thịt cóc có dính độc thì ngộ độc dễ xảy ra và tỷ lệ tử vong cao là điều không thể tránh khỏi.
Với lý do an toàn cho sức khoẻ là ưu tiên hàng đầu, người tiêu dùng nên nhớ, nếu sản phẩm thịt cóc hoặc bột cóc được chế biến từ những người bán cóc dạo, từ những cơ sở chưa có chứng nhận của Bộ Y tế, của cấp cơ quan có thẩm quyền… phải xem là sản phẩm không đáng tin cậy, rất có thể sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.
Với những phân tích về giá trị dinh dưỡng của thịt cóc cũng như những nguy cơ có thể xảy ra với sức khỏe khi ăn thịt cóc như đã nói ở trên, cha mẹ có con bị còi xương, suy dinh dưỡng nên cho con đến các cơ sở y tế để thăm khám, tìm đúng nguyên nhân làm trẻ biếng ăn, còi xương, suy dinh dưỡng và điều trị đúng cách.
Với chế độ dinh dưỡng hàng ngày, thay vì tìm mua thịt cóc, bột cóc cho con ăn, cha mẹ nên mua các loại thực phẩm giàu đạm, canxi, kẽm, vitamin D… như cá, ngao, sò, hến, hàu, thịt… để bổ sung cho con. Đây là những loại thực phẩm dễ kiếm, dễ mua, giá trị dinh dưỡng không thua kém thịt cóc, lại bảo đảm sức khoẻ và an toàn tính mạng cho người sử dụng.
Thường ít xảy ra tình trạng ngộ độc do đụng chạm, sờ mó phải cóc, nhưng khi chất nhầy bài tiết của chúng dính vào một số vùng nhạy cảm như mắt, miệng… có thể gây ra hiện tượng rát bỏng, sưng phồng.
Nguy hiểm nhất là khi độc chất này được hấp thụ qua đường tiêu hóa (ăn phải) thì mới gây ra các triệu chứng ngộ độc mang tính hệ thống.
Triệu chứng ngộ độc thường xảy ra sau khi ăn khoảng 1 giờ hoặc có thể sớm hơn (15 – 30 phút) nếu nạn nhân là trẻ nhỏ, suy dinh dưỡng hoặc là người lớn có uống rượu, bia.
Người bị ngộ độc khi ăn thịt cóc thường có triệu chứng bắt đầu bằng cảm giác chóng mặt, quay cuồng, đau như bị châm chích ở đầu ngón tay, ngón chân; tiếp đến là nôn ói dữ dội kéo dài, tiêu chảy, đau bụng, giảm huyết áp.
Sau đó, người bệnh có thể có các triệu chứng giống như bệnh suy tim có thể xuất hiện như loạn nhịp tim … và cuối cùng tử vong có thể xảy ra trong vòng vài giờ.
Khi chẳng may bị dính dịch nhầy của cóc hoặc ngộ độc thịt cóc cần xử trí như sau:
- Khi chất nhầy bài tiết của cóc lỡ dính vào tay, mắt, miệng…, nên nhanh chóng rửa vùng tiếp xúc ngay lập tức nhiều lần bằng nước sạch.
- Trường hợp ngộ độc qua đường tiêu hóa (ăn phải thịt cóc, bột cóc có dính độc của con cóc), nên kích thích cho người bệnh nôn ói ra thực phẩm đã ăn.
- Đồng thời, cần nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu điều trị kịp thời.