Khi trẻ bị sốt, không ít người lớn dùng biện pháp dân gian là vắt chanh vào miệng trẻ để con hạ sốt, hết co giật. Đây là cách làm sai lầm và có thể nguy hiểm đến tính mạng trẻ.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM chia sẻ: “Tôi từng tiếp nhận một bé viêm phổi hít khá nặng, mẹ bé kể tôi nghe trong uất ức rằng khi bé đang sốt và co giật, bà nội tìm 1 lát chanh vắt vào miệng con, lập tức đứa nhỏ tím tái, các bác sĩ phải cấp cứu. Rồi điều trị 3 ngày bé thở mệt dần nên chuyển lên tuyến trên. Bé nằm cấp cứu rồi chuyển lên khoa tim mạch với chẩn đoán viêm phổi hít. Sau đó cũng may mắn bé đáp ứng với kháng sinh và viêm phổi ổn dần”.
Theo bác sĩ Sang, việc vắt chanh vào miệng trẻ để giúp trẻ hạ sốt, hết co giật là cách làm hoàn toàn sai lầm và có thể gây hại đến sức khỏe, tính mạng trẻ.
Chanh là một loại trái cây tuyệt vời nhưng vị chua của nó thì không cần phải nói. Tính axit của nước cốt chanh là một yếu tố kích thích phản xạ co thắt thanh môn cực kỳ mạnh.
Chính vì vậy, khi vắt chanh vào miệng bé, đặc biệt những bé sơ sinh, con có thể bị tím tái do đóng nắp thanh môn, do hít sặc nước cốt chanh vào phổi và gây viêm phổi.
Để tránh gây hại cho con trẻ, khi trẻ có các dấu hiệu bất thường cha mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế thăm khám và điệu trị sớm. Đặc biệt, người lớn trong nhà nên bỏ những cách chữa bệnh kiểu truyền miệng không có cơ sở khoa học như:
Nhỏ sữa mẹ vào mắt, vào tai trẻ để chữa đau mắt, đau tai: Nhiều mẹ sau sinh 1 tuần dẫn bé đi khám vì mắt đỏ ghèn chỉ vì người lớn nhỏ sữa chữa đau mắt. Người lớn trong nhà cần biết rằng, sữa mẹ sạch và vô giá thật đó, nhưng sữa chỉ đem lại giá trị dinh dưỡng khi trẻ ăn qua đường tiêu hóa, chứ không có tác dụng chữa “bách bệnh” như mọi các mẹ bỉm sữa đồn thổi. Sữa đã vắt ra bình rồi sau đó hút ra nhỏ vào mắt, vào tai con thì quá trình ấy nhiễm khuẫn nào là từ bình sữa, bàn tay người lớn, cái dụng cụ hút sữa... và dẫn tới bệnh của con ngày càng nặng hơn.
Vắt chanh vào miệng để nôn chất bẩn ra ngoài: Trong bụng con trẻ chỉ có sữa mẹ và dịch tiêu hoá của con, chứ không có chất bẩn nào như người lớn tưởng tượng. Khi vắt chanh vào miệng con mà bé hít nước cốt chanh vào phổi là viêm phổi, phải nhập viện.
Vắt chanh vào miệng khi co giật: Khi trẻ sốt cao dẫn đến co giật, điều cần làm duy nhất đó là đảm bảo đường thở của con bằng cách nới lỏng quần áo, lau chất nôn do con co giật đẩy ra ngoài để con không suy hô hấp. Sau khi con hết co giật thì đưa ngay vào cơ sở y tế gần nhất. Vắt chanh vào miệng trẻ khi trẻ co giật không có tác dụng làm hết co giật mà ngược lại trẻ có thể hít vào phổi, sặc vào được thở gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng.
Hơ lá trầu không rồi đắp lên ngực bé hạ sốt, giảm sổ mũi: Phương pháp này không có tác dụng để hạ sốt giảm sổ mũi cho trẻ mà nguy hiểm hơn là làm trẻ bị bỏng nặng do lá trầu không có chứa tinh dầu, khi hơ nóng áp vào da trẻ sẽ gây bỏng nặng.
Lấy mật ong rơ lưỡi trẻ: Hiện nay mật ong được khuyến cáo không dùng cho trẻ dưới 1 tuổi vì nồng độ thẩm thấu mật ong cao nên có thể gây ngộ độc cho trẻ sơ sinh.