'Các thành viên trong gia đình có người làm nghề y đều thiệt thòi... Tôi bất lực vì công việc bận rộn không cho phép tôi rời bỏ vị trí của mình để làm những việc của một người con, người chị'.
Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Thiện (Trung tâm Gây mê hồi sức ngoại khoa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) - người vừa được nhận giải thưởng Đặng Thuỳ Trâm 2018 đã dành cho Gia Đình Mới một cuộc trò chuyện trải lòng về nghề, về cách cân bằng cuộc sống và những ước mơ “rất phụ nữ” trước thềm ngày 8/3
Làm việc tại Trung tâm Gây mê hồi sức ngoại khoa của một bệnh viện tuyến cuối, chị đối mặt với guồng quay công việc như thế nào?
- Đến tháng 9/2018 là tròn 10 năm tôi làm việc tại Trung tâm gây mê hồi sức ngoại khoa của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Công việc của một người điều dưỡng cuốn tôi đi mỗi ngày.
Quả thật, làm việc tại một bệnh viện ngoại khoa, trung tâm phẫu thuật được xem là lớn nhất cả nước, tôi luôn trong trạng thái áp lực.
Áp lực của chị đến từ đâu?
- Tôi áp lực với sự an toàn của người bệnh. Nhân viên y tế chúng tôi đều muốn làm những điều tốt nhất cho bệnh nhân. Ngày nào chúng tôi cũng phải đối mặt với hàng trăm ca bệnh với tình trạng khác nhau. Tôi luôn căn dặn bản thân: Phải làm thế nào để bệnh nhân được tốt nhất. Nhưng đó luôn là một điều khó khăn với tôi mỗi ngày.
Những khó khăn đó đã bao giờ vơi bớt chưa?
- Công việc khiến chúng tôi liên tục tiếp xúc với các bệnh nhân nặng, thậm chí họ đã ngừng tim. Nhưng sau nỗ lực cấp cứu, bệnh nhân có mạch đập trở lại, mọi nỗi vất vả đều tan biến hết. Với tôi, không có niềm vui, niềm hạnh phúc nào to lớn bằng việc bệnh nhân qua khỏi.
Công việc của một điều dưỡng ngoại khoa bao gồm chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân, từ việc nhỏ nhất như vệ sinh cá nhân. Vậy thì, với những yêu cầu không khả thi của bệnh nhân, chị đã làm thế nào để hài hoà?
- Phương châm của Bộ y tế là “Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, bệnh nhân về dặn dò chu đáo”. Tuy nhiên, tùy từng hoàn cảnh mà chúng tôi có sự điều chỉnh trong cách ứng xử với bệnh nhân và người nhà.
Hầu như bệnh nhân nào cũng muốn có người nhà bên cạnh chăm sóc. Tuy nhiên, theo quy định của chúng tôi, người nhà chỉ được gặp bệnh nhân theo giờ. Có những bệnh nhân muốn chúng tôi chuyển về khoa phòng để người nhà tiện chăm sóc.
Tuy nhiên, vì bệnh nhân chưa đủ tiêu chuẩn chuyển về khoa phòng nên chúng tôi phải giải thích cho bệnh nhân hiểu và yên tâm điều trị. Sự an toàn của bệnh nhân được chúng tôi đặt lên hàng đầu.
Thế còn với người nhà bệnh nhân, chị ứng xử như thế nào?
- Phương châm trên cũng là nói về sự giao tiếp của nhân viên y tế với người nhà của họ. Ví dụ, tình hình bệnh nhân xấu đi thì chúng tôi phải trao đổi với người nhà bằng một thái độ đồng cảm chứ không thể niềm nở được.
Cảm giác của chị khi làm việc tại Phòng mổ và khi chăm sóc bệnh nhân tại Phòng hồi sức khác nhau ra sao?
- Khi bước ra khỏi phòng mổ, nếu ca phẫu thuật đó thành công, người nhà mừng khiến tôi cũng vui theo và xen vào đó là niềm tự hào. Ngày đầu tiên tôi bước vào Phòng mổ, tôi tham gia ca phẫu thuật cho một bệnh nhân bị tai nạn, dập nát một bên chân, không thể nối lại được nữa nên đã bị cắt bỏ. Tôi nhìn một bên chân bị cắt ra ngay cạnh mình, tôi ám ảnh. Bây giờ, mỗi lần nhắc tới Phòng mổ là tôi lại nhớ về ca phẫu thuật khó quên đó.
Ngày đầu tiên chuyển về Phòng hồi sức làm việc, tiếng máy thở kêu liên tục. Nó ám ảnh tôi đến mức nhiều đêm nằm ngủ, tôi giật mình bật dậy vì sợ bệnh nhân của mình bị tuột máy thở…
Những ngày đầu mới đi làm, tôi hay khóc vì bất lực chứng kiến bệnh nhân ra đi mà không làm được gì cho họ. Nhưng bây giờ, tôi không khóc nữa mà chỉ lặng đi một lúc rồi lại tiếp tục công việc của mình. Cả công việc ở Phòng mổ và Phòng hồi sức đều đòi hỏi tôi sự tỉ mỉ, khéo léo và tinh tế.
Sự tỉ mỉ và tinh tế đó được chị thể hiện như thế nào?
- Khi bước vào ca mổ, mỗi người chúng tôi đều phụ trách một phần việc riêng và phải cố gắng để phối hợp nhịp nhàng, ăn ý với nhau.
Phẫu thuật viên không cần phải nói lấy cái này cái kia mà chỉ cần đưa tay ra là chúng tôi hiểu sẽ phải đưa tiếp dụng cụ nào. Sự phối hợp nhịp nhàng này giúp ca mổ diễn ra được thuận lợi.
Điều này có được là do tôi không chỉ áp dụng kiến thức chuyên môn, nắm chắc các bước trong ca mổ mà còn hiểu từng thao tác, thói quen của mỗi phẫu thuật viên.
Vì không phải phẫu thuật viên nào cũng làm theo trình tự như lý thuyết. Để quen với mỗi phẫu thuật viên, tôi đã tham gia với họ trong nhiều ca mổ với thời gian khoảng vài tháng.
Với các ca mổ cấp cứu thì điều này lại càng cần thiết. Nếu không hiểu ý nhau thì sẽ dẫn tới sự thay đổi cục diện của cuộc phẫu thuật, thậm chí ảnh hưởng tới tính mạng của bệnh nhân.
Tôi nhớ mãi một trường hợp bệnh nhân 14 tuổi, vụ tai nạn khiến em phải cắt bỏ đôi chân của mình. Trong Phòng hồi sức, em buồn bã nói với tôi: “Con không bao giờ nghĩ được ngày hôm qua con đi lại bình thường mà giờ đây đã không thể chạy nhảy như các bạn…”.
Tôi lặng người trước câu nói đó: “Con sẽ khoẻ lên thôi, đừng lo lắng gì cả. Con có thể dùng chân giả và tiếp tục cuộc sống của mình được…”. Sau đó, chúng tôi cùng gật đầu cười với nhau.
Chị và đồng nghiệp đã chia sẻ và hỗ trợ nhau như thế nào trong công việc?
- Sau mỗi ca trực hay ca bệnh khó, chúng tôi thường xuyên chia sẻ với nhau không chỉ về chuyên môn mà còn về nhiều điều trong cuộc sống. Những người có nhiều kinh nghiệm hơn luôn sẵ sàng hướng dẫn cho các bạn mới.
Trước mỗi ca phẫu thuật, chị thường suy nghĩ về điều gì?
- Để cuộc phẫu thuật thành công thì chúng tôi cần phải chuẩn bị chu đáo vể cả tinh thần và thể chất của bệnh nhân. Chúng tôi trò chuyện với bệnh nhân để hiểu được tâm sinh lý của họ.
Ở Phòng mổ, chúng tôi luôn tâm niệm: “Chuẩn bị tối đa. Làm tối thiểu”. Tức là, dù ca phẫu thuật cho bệnh nhân nặng hay nhẹ thì chúng tôi đều chuẩn bị tất cả các phương án có thể xảy ra để đề phòng và điều trị kịp thời những biến chứng sau mổ. Chỉ cần mỗi động tác chậm một giây thôi cũng gây ra sự nguy hiểm cho bệnh nhân.
Cho dù bị ám ảnh bởi hình ảnh, âm thanh đó nhưng nhiệm vụ của một người điều dưỡng vẫn phải hoàn thành…
- Không hiểu sao, khi bước vào công việc, nhìn phế phẩm y tế, tôi không hề sợ. Nhưng khi đi ra đường, nhìn thấy tai nạn, tôi lại rùng mình. Có lẽ, khi làm việc, tôi luôn đặt địa vị của mình là một người cứu người và nỗ lực làm hết sức có thể để cứu chữa họ. Nghề điều dưỡng ngoại khoa đã “ngấm” vào máu tôi và tôi yêu công việc này.
Ngoài ra, nghề y cho tôi ý thức bảo vệ sức khoẻ của bản thân hơn. Tôi luôn nghĩ, mình mà ốm nằm đấy thì ai sẽ chăm sóc bệnh nhân thay mình? Nên tôi không cho phép mình ốm. Khi mình khoẻ mạnh thì mới có thể chăm sóc được người khác, tôi nghĩ vậy.
Gần 10 năm là điều dưỡng ngoại khoa, chị nghĩ bản thân mình đã thay đổi như thế nào nhờ công việc này?
- Đó là sự ân cần, nhẹ nhàng trong giao tiếp. Công việc của một người điều dưỡng đòi hỏi chúng tôi phải giao tiếp với bệnh nhân và người nhà của họ một cách ân cần và nhẹ nhàng.
Thái độ của tôi khi tiếp xúc với bệnh nhân và người nhà của họ ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị. Bởi lẽ, nếu tôi có thái độ hoà nhã với họ thì họ sẽ hợp tác với sự tin cậy. Ngược lại, nếu tôi vô tình khiến họ có suy nghĩ và cái nhìn tiêu cực về công việc của mình, hiệu quả điều trị sẽ bị giảm.
Bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Xanh Pôn từng chia sẻ: Bác sĩ phải chấp nhận kiệt sức, bởi cường độ làm việc sẽ nhiều hơn 8 giờ mỗi ngày, nhiều hơn 50 giờ mỗi tuần, làm cả ngày nghỉ thứ 7 và chủ nhật, làm nhiều hơn vào các ngày lễ và ngày Tết. Công việc trực của chị như thế nào?
- Đúng là chúng tôi phải làm quen và chấp nhận với điều đó. Gần 10 năm làm điều dưỡng ngoại khoa, tôi chưa bao giờ trải qua Tết nào như Tết Mậu Tuất 2018. Tôi trực Ngày 30, Mùng 2, Mùng 4, không ngày nào viện còn chỗ trống. Chúng tôi chỉ tạm nghỉ khi bàn giao công việc cho tour trực sau.
Cùng thức trong đêm nhưng việc thức để đọc sách sẽ khác với việc thức để trực. Nên nếu có lịch trực thì tôi đều chuẩn bị sức khoẻ từ ngày hôm trước bằng cách đi nghỉ sớm.
Sau mỗi ca trực, chị thường làm gì để lấy lại sức lực?
- Tôi chỉ muốn đi thật nhanh về nhà và ngủ một giấc. Lúc đó, tôi thấy quãng đường từ viện về nhà chỉ khoảng mấy cây số mà đi mãi chẳng tới. Mẹ luôn là người mở cửa đón tôi vào nhà. Tôi ôm mẹ một cái và luôn nghe mẹ động viên “Cố lên con!” rồi đi ngủ.
Tôi yêu thích chiếc giường của mình đến mức chỉ cần về nhà, nằm trên đó là thấy thoải mái. Chiều ngủ dậy, tôi thường dọn dẹp nhà cửa, đọc sách, nấu ăn, ngắm hoa… thấy tinh thần thư thái và sẵn sàng cho công việc trong ngày tiếp theo.
Chị may mắn vì luôn có gia đình ở bên động viên…
- Ngày đầu tiên đi làm, chứng kiến guồng quay công việc, nhìn gương mặt hối hả của các anh chị đi trước, tôi bị ngất xỉu ngay tại Phòng hồi sức. Tôi tâm sự điều này với mẹ, mẹ động viên “Cố gắng lên con!”. Lúc nào mẹ tôi cũng khíc lệ tôi như vậy, giúp tôi có thêm động lực để tiếp tục công việc đầy vất vả và áp lực này.
Các thành viên trong gia đình có người làm nghề y đều thiệt thòi. Tôi chăm sóc bệnh nhân của mình nhưng khi bố mẹ, người thân của tôi ốm đau, tôi không chăm sóc được cho họ. Tôi chỉ có thể chuẩn bị thuốc và hướng dẫn mọi người uống theo liều và giờ giấc như thế nào thôi. Tôi bất lực vì công việc bận rộn không cho phép tôi rời bỏ vị trí của mình để làm những việc của một người con, người chị.
Chị chia sẻ, chị thường xuyên phải trực Tết. Thế còn trực vào ngày dành riêng cho phụ nữ như Ngày Mùng 8 tháng 3, cảm giác của chị trong những ca trực đó như thế nào?
- Tôi thường có cảm giác tủi thân vào những ngày Lễ hơn là các ngày dành cho phụ nữ như Mùng 8 tháng 3 hay 20/10 vì Tết là dịp gia đình sum vầy. Có vài cái Tết, tôi trực ở viện, đón giao thừa cùng với bệnh nhân. Hôm sau, tôi là người xông nhà cho gia đình mình luôn. Cảm giác đó vừa thú vị vừa tủi thân.
Thế còn những mong ước rất con gái như là được nhận hoa, nhận quà vào ngày dành cho mình; hay những thói quen của phụ nữ thì sao?
- Tôi cũng như bao người phụ nữ khác, những lúc buồn thì hay đi ăn và mua sắm. Tôi cũng mong chờ được nhận những món quà và lời chúc ý nghĩa vào những ngày đặc biệt.
Công việc luôn áp lực, chị làm thế nào để lấy lại cân bằng?
- Công việc áp lực và vất vả, tôi tìm về gia đình, bạn bè và những chuyến đi tình nguyện khám bệnh cho người nghèo.
Người ta “Xách ba lô lên và đi”, chị cũng xách ba lô nhưng chị chọn đi làm tình nguyện. Chuyến tình nguyện đầu tiên của chị như thế nào?
- Chuyến tình nguyện khám bệnh đầu tiên của tôi là tới huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Tôi bị say xe nhưng vì muốn tham gia chuyến đi nên tôi đã nói với trưởng đoàn tôi không sao. Những con đường núi gấp khúc khiến tôi say “mật xanh mật vàng”.
Nhưng khi đến nơi, nhìn thấy hàng trăm người dân đang chờ đón cả đoàn, tôi không còn mệt mỏi và hào hứng lao vào công việc ngay. Tôi chợt nhận ra, chỉ khi được làm điều mình yêu thích, mình mới có sức mạnh như vậy.
Trong những chuyến tình nguyện chị tham gia, chị nhớ tới những hình ảnh gì?
- Những người dân ở nơi chúng tôi đến, họ khó khăn tới mức chưa bao giờ được đi khám bệnh, được làm những xét nghiệm đơn giản để kiểm tra sức khoẻ. Chuyến tình nguyện nào cũng mang lại cho tôi nhiều cảm xúc và kỉ niệm.
Khi chào tạm biệt người dân trong chuyến đi tới tỉnh Sơn La gần đây, có một em bé chạy tới ôm tôi: “Chị ơi, năm sau chị lại tới với em chị nhé! Chị nhớ mang sữa cho em, em thích sữa lắm!”. Có bé sau khi được tôi khám xong thì hát tặng tôi một bài thay cho lời cảm ơn.
Khi khám và lấy thuốc cho bệnh nhân, tôi dặn “Chú vế nhà nhớ uống thuốc sau khi ăn nhé!”. Họ cười đáp lại “Tôi chẳng có cơm mà ăn!”. Hay có những người đến điểm khám rất muộn dù chúng tôi đã thông báo lịch khám tới người dân, hỏi thì họ tâm sự, họ cũng đi từ rất sớm nhưng xa quá nên đến muộn.
Việc tình nguyện có ý nghĩa như thế nào với chị?
- Những chuyến đi tình nguyện là khoảng thời gian giúp tôi lấy lại cân bằng. Chứng kiến những niềm vui mà mình mang tới cho người dân nơi đoàn tình nguyện tới, tôi thấy công việc mình làm thực sự có ý nghĩa. Tôi sống chậm và yêu thương nhiều hơn. Đặc biệt, tôi nhận ra tình yêu nghề của tôi sau mỗi chuyến đi đều tăng lên.
Công việc bình thường đã bận rộn, chị làm thế nào để sắp xếp được thời gian cho các chuyến đi khám tình nguyện của mình?
- Các chuyến đi tình nguyện thường được tổ chức vào thứ 7, chủ nhật. Tôi phải nhờ đồng nghiệp đổi ngày trực để có thể tham gia những chuyến đi đó. Tôi cảm ơn họ vì đã giúp tôi thực hiện được niềm yêu thích của mình.
Nhận giải thưởng cao quý Đặng Thuỳ Trâm năm 2018
- Năm 2015: Đạt giải Nhì tại Hội thi sáng tạo tuổi trẻ ngành Y tế khu vực Hà Nội lần thứ XXVI năm 2015 với đề tài: “Ứng dụng kỹ thuật đặt Catheter tĩnh mạch dưới hướng dẫn của siêu âm để nuôi dưỡng tĩnh mạch ở bệnh nhân chấn thương nặng”.
- Tích cực tham gia các khóa học nâng cao chuyên môn nghiệp vụ của Khoa phòng, Bệnh viện: Giảm đau sau mổ, Điều dưỡng hồi sức sau mổ 2016.
- Đạt giải Khuyến khích trong Hội thi đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh năm 2016.
- Đạt giải Khuyến khích trong Hội thi đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh năm 2017.
- Năm 2016: Tham gia nghiên cứu đề tài: “Đánh giá mức độ suy đa tạng theo thang điểm SOFA ở bệnh nhân chấn thương nặng”.
- Tích cực tham gia các hoạt động khám bệnh tình nguyện do Thành đoàn – Hội LHTN Thành phố, Bệnh viện Việt Đức, CLB Blouse Trắng tổ chức như: chương trình khám bệnh tại Lào Cai, Sơn La, Quảng Trị, Quảng Ninh, Lai Châu…
- Các hình thức đã được khen thưởng: Chiến sỹ thi đua cơ sở năm 2015, 2016; Bằng khen Bộ y tế năm 2015, 2016; Giấy khen của Quận Đoàn Hoàn Kiếm năm 2017.