Hành động kịp thời của điều dưỡng Phạm Đức Anh (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Tim Hà Nội) đã cứu sống đứa trẻ bị đẻ rơi.

Điều dưỡng Phạm Đức Anh (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Tim Hà Nội) vừa kết thúc ca trực của mình lúc 7h sáng. Tiếng bíp bíp đều đặn vang lên, bao trọn không gian làm việc của anh và đồng nghiệp.

Sự khẩn trương, chăm chú hiện hữu trong từng bước đi, từng ánh mắt của mỗi y bác sĩ đang làm việc tại đây. Nơi mà mỗi giây, mỗi phút lãng phí cũng có thể cướp đi sinh mạng của bệnh nhân đã cho anh nhiều trải nghiệm đáng nhớ về sự sống và cái chết.

Mới đây, anh được UBND TP Hà Nội trao tặng danh hiệu ‘Người tốt, việc tốt’ năm 2017, cảm xúc của anh thế nào?

- Tôi thực sự xúc động, cảm ơn lãnh đạo thành phố, lãnh đạo Bệnh viện Tim Hà Nội và các đồng nghiệp, bạn bè đã ghi nhận việc tôi làm. Khi nghe tin mình được nhận danh hiệu ‘Người tốt, việc tốt’, những người đầu tiên tôi chia sẻ niềm vui này chính là mẹ và vợ của tôi.

Anh có thể chia sẻ sự việc diễn ra vào ngày hôm đó?

- Khoảng 20h30 ngày 16/9/2017, khi đang tham gia kíp trực, có một người chạy vào khu vực cấp cứu của bệnh viện Tim Hà Nội tại cơ sở 2 hốt hoảng kêu ‘Cấp cứu. Nhiều máu lắm’.

Tôi và đồng nghiệp của mình chỉ biết chạy theo người đàn ông đó, ra đến xe thì thấy có một người tuổi trung niên đang khóc, bế đứa trẻ con và một sản phụ đang nằm trong xe thều thào ‘Cứu con tôi với’.

Lúc đó, tôi nghĩ ngay tới trường hợp sản phụ đẻ rơi. Cháu bé có dấu hiệu tím tái.

Với chức năng chuyên môn của mình, kíp trực của chúng tôi ngay lập tức hỗ trợ sản phụ. Tôi đã dùng miệng hút đờm cho cháu. Sau khoảng 2 phút thì cháu ọ oẹ.  

Khi thấy cháu đã thở lại được, tôi quay sang hỏi ý kiến của trưởng kíp trực hôm đó xem phương án xử lý như thế nào.

Chúng tôi đề nghị tài xế xe taxi đưa hai mẹ con sản phụ tới Bệnh viện Sản phụ Hà Nội và có tôi đi cùng.

Tuy nhiên, lái xe taxi không dám điều khiển xe vì quá hoảng sợ. Tôi nhanh chóng lên thay lái xe đưa bệnh nhân đi.

Đi đến ngã tư Xuân La – đường Võ Chí Công, cháu bé có biểu hiện bị sặc ối. Tôi vừa cầm lái vừa hướng dẫn bà của cháu cách vỗ sao cho nước trong phổi ra. Khoảng 5 phút sau thì cháu khóc và bắt đầu hồng hào trở lại.

Tôi bàn giao bệnh nhân cho Bệnh viện Phụ sản Hà Nội xong xuôi rồi trở lại bệnh viện, tiếp tục công việc điều dưỡng trong ca trực của mình tại Khoa Cấp cứu.

Trên quãng đường từ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội trở về Bệnh viện Tim Hà Nội, anh suy nghĩ điều gì?

- Khi còn lại một mình trên quãng đường đi về, tôi mới thực sự xâu chuỗi lại được tất cả những việc tôi vừa làm. Tôi thấy run, có lẽ là do bị hạ đường huyết.

Đây có phải là lần đầu tiên anh cấp cứu một ca như vậy không?

- Từ ngày làm việc tại Khoa Cấp cứu, chưa bao giờ tôi gặp trường hợp như vậy. Trước đây, tôi chỉ biết được những ca tương tự qua phương tiện thông tin đại chúng chứ chưa bao giờ nghĩ có một ngày mình lại là người trực tiếp tham gia vào cấp cứu trường hợp đó.

Hai ngày sau, người nhà bệnh nhân tới Khoa Cấp cứu cảm ơn chúng tôi. Chúng tôi biết cả hai mẹ con đều an toàn nên ai cũng mừng.

tit phu

Đấy là trong trường hợp anh cấp cứu cho bệnh nhân thành công. Còn ngược lại, giả sử hôm đó có sự cố y khoa xảy ra thì anh nghĩ anh và êkip trực của mình phải hứng chịu những điều gì?

- Tôi công tác tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Tim Hà Nội từ tháng 8/2015, lúc nào tôi cũng nghĩ mình cần làm tròn trách nhiệm với vai trò là một điều dưỡng của khoa.

Trong suy nghĩ của tôi, trong tình huống nguy kịch, tôi không nghĩ được gì khác ngoài làm thế nào để cứu được bệnh nhân một cách nhanh nhất có thể. Công việc của chúng tôi mang tính chất bị động nên không ai có thể nói trước được điều gì. Tuy nhiên, trong cấp cứu, cái gì tốt nhất cho bệnh nhân thì chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để làm.

Rất may mắn cho chúng tôi là trong tình huống trên, bệnh nhân mẹ tròn con vuông không thì có lẽ người phải viết tường trình là trưởng kíp trực hôm đó.

Với anh, điều dưỡng tại Khoa Cấp cứu có gì đặc biệt hơn các khoa khác?

- Làm việc tại Khoa Cấp cứu, đặc thù là cấp cứu tim mạch nên mọi thứ đều phải khẩn trương, từ khâu tiếp nhận người bệnh đến việc cấp cứu.

Nếu như điều dưỡng các khoa khác có thể chủ động công việc của mình thì chúng tôi, những người làm việc tại Khoa Cấp cứu lại bị động. Do vậy, chúng tôi luôn đặt mình trong tâm thế sẵn sàng đương đầu với mọi tình huống.

Anh đã phải chịu những áp lực như thế nào khi là điều dưỡng của một bộ phận luôn trong trạng thái căng thẳng?

- Là một nhân viên cấp cứu, tôi luôn phải làm việc trong tình trạng khẩn cấp bởi mỗi giây, mỗi phút lãng phí cũng có thể cướp đi sinh mạng của bệnh nhân hoặc có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng đáng tiếc.

Việc tiếp xúc thường xuyên với những tình huống khẩn cấp, đặc biệt là những cảm xúc đau thương đến từ phía người nhà bệnh nhân đôi khi khiến đầu óc tôi ‘căng như dây đàn’.

Nhưng tôi coi đó là những điều không thể tránh khỏi khi làm việc tại một nơi có tính chất khẩn cấp như thế này. Dù có khó khăn như thế nào thì y bác sĩ cũng không khổ bằng bệnh nhân.

Như anh chia sẻ, việc tiếp xúc với người nhà bệnh nhân cũng là một trong những điều khiến anh phải suy nghĩ. Anh thường gặp phải những phản ứng của người nhà bệnh nhân như thế nào? Anh xử lý ra sao trong những tình huống đó?

- Tôi hiểu cảm xúc đau đớn, lo lắng, bồn chồn khi chứng kiến người thân của mình đang trong phòng cấp cứu. Cũng xuất phát từ sự thương xót đó mà nhiều người nhà bệnh nhân có phản ứng thái quá với nhân viên y tế làm ở bộ phận cấp cứu như chúng tôi.

Đôi khi, họ không chỉ cản trở chúng tôi – những người làm nhiệm vụ cấp cứu bằng lời nói mà còn bằng hành động. Chuyện bị người nhà bệnh nhân trách mắng dường như đã trở thành thông lệ với điều dưỡng ở phòng cấp cứu.

Tính chất nguy cấp của người bệnh không cho phép chúng tôi đứng hàng tiếng đồng hồ để giải thích cho người nhà hiểu và để họ vui vẻ hợp tác. Hơn nữa, khi người nhà đang hoảng loạn thì có giải thích như thế nào thì cũng không ích gì.

Tôi luôn cố gắng truyền đạt tới người nhà bệnh nhân: ‘Hãy yên tâm, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức có thể để đưa bệnh nhân trở lại với sự sống’. Khi giải thích mà người nhà vẫn không hợp tác thì chúng tôi có những bộ phận hỗ trợ.

Tôi nghĩ, cách tốt nhất giúp người nhà bệnh nhân lắng nghe y bác sĩ chính là khi họ thấy người thân của họ đã qua cơn nguy kịch. Với vai trò là điều dưỡng, tôi chỉ trấn tĩnh họ được phần nào thôi còn chủ yếu vẫn là sự giải thích, tư vấn từ phía bác sĩ.

Vậy thì, điều đầu tiên anh làm khi tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu là gì?

- Lúc tiếp nhận, chúng tôi chỉ kịp hỏi tên, tuổi bệnh nhân và yêu cầu người nhà ra ngoài để chúng tôi làm nhiệm vụ.

Có nhiều người nhà bệnh nhân không hiểu hết sự áp lực khủng khiếp về mặt tinh thần mà chúng tôi trải qua trong mỗi ca cấp cứu. Chúng tôi phải giành giật sự sống cho bệnh nhân từng giây một.

Khi người nhà ở ngoài phòng cấp cứu đồng nghĩa với việc điều dưỡng kiêm luôn vai trò chăm sóc bệnh nhân từ những cái nhỏ nhất…

- Bệnh nhân cấp cứu hầu hết là những trường hợp nặng. Có rất nhiều bệnh nhân rơi vào trạng thái vô thức, mê man, mất tri giác hay có phản xạ chậm chạp. Nhiều trường hợp bệnh nhân phê ma tuý, sản rượu nên không kiểm soát được hành vi của mình. Khi đó, chúng tôi là người dọn vệ sinh cho bệnh nhân.

Công việc trong một ca trực cấp cứu yêu cầu điều dưỡng không lúc nào ngơi nghỉ, thường xuyên chịu đựng những cáu gắt vô cớ của người bệnh và người nhà bênh nhân. Đã bao giờ anh nản lòng chưa?

- Tôi chưa bao giờ nản lòng trước công việc mình đang làm. Vì với tôi, đã lựa chọn làm điều dưỡng tại Khoa Cấp cứu là tôi đã xác định được phần nào những gì mình phải trải qua.

Thế còn những mệt mỏi trong ca trực thì như thế nào, thưa anh?

- Cách 5 ngày, tôi lại trực một lần. Mỗi ca trực của tôi thường kéo dài từ 16h30 ngày hôm trước đến 8h sáng hôm sau.

Vào những ngày lễ, tôi trực từ 7h30 sáng hôm trước đến 7h sáng hôm sau. Thậm chí, có những khi 48 tiếng đồng hồ, tôi không chợp mắt.

Đôi khi, nếu thấy khoa có nhiều bệnh nhân quá thì tôi ở lại giúp đồng nghiệp của mình dù đã hết ca trực.

Tôi cũng không hiểu được tại sao trong ca trực của mình, tôi không hề thấy mệt mỏi. Sự mệt mỏi tôi chỉ cảm nhận được rõ rệt khi đã kết thúc ca trực của mình.

Niềm vui mà anh nhớ nhất khi tham gia cứu sống bệnh nhân là gì?

- Có những bệnh nhân đã ngừng tim khi tiếp nhận cấp cứu. Nhưng chúng tôi đã cứu được họ. Niềm vui đến xua đi mọi sự mệt mỏi cho cả êkip trực.

Tôi nhớ mãi một ca bệnh trong những ngày đầu tôi làm việc tại Khoa Cấp cứu này. Đó là một bệnh nhân nhỏ tuổi nhập viện trong tình trạng tim đã ngưng. Người nhà đã hết hy vọng bé được cứu sống.

Nhưng sau 5 phút ép tim thì bé đã có dấu hiệu sống sót. Cả y bác sĩ và người nhà đều vỡ oà vui mừng. Đó cũng là lần đầu tiên tôi tham gia vào một ca cấp cứu đưa bệnh nhân trở về từ cõi chết.

Sau này, tôi gặp nhiều trường hợp bệnh nhân phải cấp cứu tới 3 – 4 tiếng. 4 -5 ca nặng cùng cấp cứu một lúc là chuyện bình thường.

Vậy còn những nỗi buồn anh trải qua khi làm việc tại đây?

- Niềm vui và nỗi buồn của tôi đan xen nhau trong mỗi lần trực cấp cứu. Buồn vì không cứu được bệnh nhân. Những lúc đó, tôi có cảm giác một người thân nào đó của mình ra đi vậy.

Bất lực nhưng cũng đành phải chấp nhận. Nhưng tôi cố gắng không biểu hiện nỗi buồn ra bên ngoài để các bệnh nhân khác vẫn tin tưởng mình.

Công việc đòi hỏi sự bình tĩnh và tỉnh táo. Làm thế nào để anh luôn duy trì được trạng thái đó trong suốt ca trực?

- Những đêm trực, tôi uống cà phê hoặc nước chè để giúp mình tỉnh táo. Có những khi ca trực ít bệnh nhân, tôi cũng không ngủ được vì lúc nào cũng thao thức, có lẽ vì quen rồi.

Tú Anh - Ái Linh

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính