Cuộc đời giản dị của Thủ tướng Lý Quang Diệu và bí mật trong chiếc vali đỏ suốt 50 năm

Cố thủ tướng Singapore thường đều đặn đọc báo, đọc sách, đọc các bài thơ hay cho vợ nghe trong suốt 18 tháng bà nằm liệt giường.

 Chân dung cố thủ tướng Singapore, ông Lý Quang Diệu

Thủ tướng Lý Quang Diệu (1923 – 2015), thọ 92 tuổi. Ông về hưu năm 1990, sau khi đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, đưa Singapore từ một làng chài nghèo khổ trở thành cường quốc hàng đầu về kinh tế, tài chính ở Châu Á cũng như toàn thế giới.

Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu được tạp chí Time miêu tả là người "không bao giờ có đủ kiên nhẫn cho những thứ tầm thường".

Xuất thân từ một sinh viên luật, ông Lý Quang Diệu đã trở thành thủ tướng đầu tiên của Singapore và tiếp tục có sức ảnh hưởng chính trị lớn sau khi rời ghế.

Bí mật trong chiếc va li đỏ 50 năm tuổi

Nhân dịp thủ tướng Lý Quang Diệu qua đời, ông Heng Swee Keat, bộ trưởng Bộ Giáo dục Singapore, đã hồi tưởng một ấn tượng đặc biệt của ông về chiếc va li đỏ của thủ tướng Lý Quang Diệu.

 

Ông Heng vốn là thư ký riêng của ông Lý Quang Diệu thời gian 1997 – 2000.

Theo lời kể của ông Heng, đó là chiếc va li dạng hộp, rộng khoảng 14cm, được lưu hành từ thời thuộc địa Anh.

Các bộ trưởng đầu tiên của Singapore cũng sử dụng loại va li này để vận chuyển các văn bản, giấy tờ, nhưng chỉ có ông Lý là người duy nhất tiếp tục sử dụng chiếc va li này trong suốt cuộc đời làm chính trị của mình.

Theo lời ông Heng, chiếc va li này đựng rất nhiều giấy tờ, bao gồm các bài phát biểu dự thảo, các bức thư, các bài cần đọc, và một loạt các ghi chú vắn tắt về những gì ông Lý quan sát, phản ánh nêu câu hỏi…

Chiếc va li được đưa tới Phủ Thủ tướng từ khoảng 9h sáng, trước khi ông Lý tới. Trong thời gian làm việc, ông Lý hoặc các thư ký, dưới sự chỉ đạo của ông, sẽ thêm các giấy tờ cần xem xét vào va li. Sau đó ông Lý sẽ mang theo va li khi về nhà.

Thời gian làm việc ở nhà của ông Lý là vào buổi tối, sau đó ông nghỉ ngơi chút ít, rồi lại tỉnh dậy làm việc từ 3h.30 sáng ngày hôm sau.

 Chiếc va li có tuổi đời 50 năm - biểu tượng cho sự cống hiến lâu dài của ông Lý Quang Diệu

Có một thói quen của ông Lý mà ông Heng nhớ rất rõ, đó là:

‘Ông Lee nổi tiếng vì luôn nhạy bén với mọi thứ ông nhìn thấy và nghe xung quanh - khi ông nhận thấy có điều gì đó không ổn, giống như một cái cây bị héo úa, ông cũng ghi chép vào trong tài liệu bỏ vào va li’

Người thư ký của thủ tướng nói thêm: ‘Bên trong va li màu đỏ luôn có một cái gì đó về cách chúng ta có thể tạo ra một cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người’.

Suốt trong thời gian nghỉ hưu, ông Lý vẫn giữ chiếc va li đỏ bên mình. Ông tiếp tục lưu các giấy tờ quan trọng vào va li, ngay cả khi vào bệnh viện năm 1996 để chèn một ống stent vào mạch máu, hay trước khi vào bệnh viện lần cuối, ngày 4/2/2015.

Ông Heng nói rằng chiếc va li đỏ là biểu tượng cho sự cống hiến vô cùng lâu dài của thủ tướng Lý Quang Diệu:

‘Những giấy tờ đa dạng trong va li nói cho chúng ra rất nhiều điều về những mối quan tâm của ông Lý – từ những điều lớn lao đến những cái nhỏ bé, hành trình ngày nọ tiếp ngày kia của chiếc va li giúp chúng ta hiểu cả cuộc đời Lý Quang Diệu đều xoay quanh việc làm cho Singgapore tốt đẹp hơn”.

 

Tận tâm chăm sóc người vợ già yếu

Năm 2010, bà Kha Ngọc Chi, vợ cựu thủ tướng đầu tiên của Singapore Lý Quang Diệu, qua đời sau nhiều lần đột quỵ, thọ 89 tuổi.

Tại lễ tang của bà, thủ tướng đã đọc bài điếu văn vô cùng xúc động, kể về mối tình tuyệt đẹp của họ từ lúc còn trẻ đến khi về già.

‘Tôi và vợ ở bên nhau từ năm 1947 và sống với nhau hơn nửa đời người. Nỗi đau buồn của tôi khi Chi qua đời thật không thể diễn tả thành lời.

Nhưng hôm nay, khi kể lại cuộc sống cùng nhau của chúng tôi, tôi muốn ca ngợi cuộc đời của bà ấy’ – ông Lý nói trong bài điếu văn dành cho vợ.

Quả thật, trên thế giới hiếm có vị thủ tướng nào có cuộc hôn nhân trọn vẹn hạnh phúc như ông Lý Quang Diệu và bà Kha Ngọc Chi.

Khi ông còn đương nhiệm, bà là người vợ thông minh và đảm đang, luôn đảm nhiệm việc dạy bảo các con cũng như sát cánh cùng chồng trong những biến động thăng trầm của cuộc đời chính trị gia.

Khi ông đã về hưu, tại căn nhà số 38 phố Oxley, ông bà vui hưởng cuộc sống tuổi già rất giản dị. Từ đầu năm 2008, bà Kha Ngọc Chi bị đột quỵ, buộc phải nằm một chỗ.

Ngoài các ý tá, người giúp việc chăm sóc, thủ tướng Lý Quang Diệu cũng trực tiếp chăm sóc bà.

 Ông Lý Quang Diệu coi bà Kha Ngọc Chi là 'người bạn thân thiết tâm tình của tôi'

Ông kể lại trong bài điếu văn về những ngày cuối đời của vợ:

‘Tháng 7/2008, tôi đưa Chi về nhà sau khi kết quả chụp CT cho thấy não phải của bà ấy bị xuất huyết. Các bác sĩ hy vọng vợ tôi có thể sống thêm được vài tuần nữa.

Cuối cùng, Chi ở bên tôi thêm hai năm, ba tháng, đến ngày 2/10/2010. Những tháng cuối đời, Chi không thể nói, nên hàng sáng, bà ấy luôn đợi tôi tới để nói chuyện.

Hai năm cuối đời là thời gian khó khăn nhất của Chi. Bà ấy nằm liệt giường sau nhiều lần đột quỵ liên tiếp.

Hàng đêm, Chi sẽ đợi tôi đến ngồi cạnh để kể cho bà ấy nghe ngày hôm nay của tôi như thế nào và đọc cho bà ấy những bài thơ yêu thích. Rồi sau đó, Chi chìm vào giấc ngủ’.

Những người thân thiết trong gia đình thủ tướng Lý Quang Diệu cũng thường nhắc lại kỷ niệm: cựu thủ tướng Singapore thường đều đặn đọc báo, đọc sách, đọc các bài thơ hay cho vợ nghe trong suốt 18 tháng bà nằm liệt giường.

Vị thủ tướng nổi tiếng toàn cầu với các bài phát biểu đanh thép, tính cách thẳng thắn có phần nóng nảy, nhưng khi đọc sách cho người vợ già yếu lại đọc với giọng đọc rất ấm áp, dịu dàng.

Phương Phương/giadinhmoi.vn