Theo thống kê, cứ 3 người cao tuổi thì có 1 người tử vong vì sa sút trí tuệ. Số người tử vong vì sa sút trí tuệ nhiều hơn số người tử vong do bệnh ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt.
Đây là thông tin được đưa ra tại buổi sinh hoạt Câu lạc bộ người bệnh với chủ đề “Sa sút trí tuệ” của Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết cho bệnh nhân và người nhà.
ThS.BS Lê Thị Phương Thảo - Phòng Tâm thần người cao tuổi, Viện sức khỏe Tâm thần cho biết, cứ 3 giây trên thế thới lại có 1 người bị sa sút trí tuệ.
Năm 2019, có 55 triệu người bị sa sút trí tuệ. Theo dự đoán, đến năm 2030, thế giới sẽ có 78 triệu người và năm 2050 con số này tăng tới 139 triệu người mắc SSTT.
Thống kê tại Mỹ cho thấy, cứ 3 người cao tuổi thì có 1 người tử vong vì sa sút trí tuệ. Số người tử vong vì sa sút trí tuệ nhiều hơn số người tử vong do bệnh ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt.
Từ 2008 - 2018, tỉ lệ nhập viện cấp cứu do sa sút trí tuệ chiếm tỉ lệ cao nhất, tới 28%, cao hơn do biến cố tim mạch hay đột quỵ, tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và ung thư.
Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, tỷ lệ người bệnh tử vong do sa sút trí tuệ tăng 16% trong đại dịch. Năm 2021, chi phí y tế cho người bệnh sa sút trí tuệ là 355 tỉ đô la.
Tại Việt Nam, số người mắc sa sút trí tuệ năm 2015 là 660.000 người. Tỷ lệ gánh nặng bệnh tật của bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ lên đến 52% trên tổng gánh nặng bệnh tật do bệnh thần kinh và tâm thần ở người cao tuổi tại Việt Nam.
Bệnh sa sút trí tuệ tạo một áp lực lớn đến kinh tế cũng như chất lượng sống của người bệnh. Để phòng ngừa gánh nặng do sa sút trí tuệ đem lại, người bệnh và gia đình người bệnh cần nhận thức và đánh giá sớm được dấu hiệu của bệnh.
ThS.Lê Thị Phương Thảo khuyến cáo, những dấu hiệu sớm của bệnh sa sút trí tuệ gồm:
- Dễ quên sự việc mới xảy ra;
- Hay bị lẫn mất đồ đạc trong nhà, quên đồ vật thông dụng;
- Dễ bị lạc ở nơi mới đến;
- Không nhận ra người quen cũ;
- Tăng nhu cầu kiểm tra mọi thứ;
- Nhắc đi nhắc lại nhiều lần một câu chuyện;
- Làm đi làm lại một việc nhiều lần...
Có thể phân sa sút trí tuệ thành 3 nhóm triệu chứng: Thay đổi nhận thức; Rối loạn tâm thần và Ảnh hưởng hoạt động hàng ngày. Biểu hiện cụ thể của thay đổi nhận thức bao gồm: Quên; Giảm giao tiếp bằng lời và chữ viết; Rối loạn định hướng; Không biết sự kiện phổ biến. Ví như quên những ngày lễ lớn: 2/9 là ngày gì? 1/1 là ngày gì? Với rối loạn tâm thần người bệnh bị mắc các chứng Hoang tưởng, ảo giác; Về mặt cảm xúc bị lo âu, trầm cảm, lãnh đạm, nghi ngờ, sợ hãi; Về nhân cách, người bệnh trở nên thu mình, bủn xỉn, ghen tuông, hoài nghi, trẻ con, cóp nhặt; Về hành vi có thể dễ bị kích động, đi lang thang, đứng ngồi không yên...
Việc ảnh hưởng hoạt động hàng ngày được biểu hiện cụ thể qua việc: Quên cách nấu ăn, chăm sóc cá nhân và làm việc nhà; Sai lầm trong công việc và các mối quan hệ; Gặp khó khăn trong việc quản lý tiền; Khó khăn sử dụng phương tiện giao thông, lạc đường...
Theo chuyên gia của Viện Sức khỏe Tâm thần, khi có những biểu hiện dưới đây, người bệnh cần đi thăm khám bác sĩ sớm để được tư vấn, điều trị kịp thời bệnh sa sút trí tuệ:
- Giảm trí nhớ làm rối loạn cuộc sống hàng ngày.
- Khó khăn trong việc lên kế hoạch hoặc giải quyết vấn đề.
- Khó khăn trong việc hoàn thành các nhiệm vụ quen thuộc.
- Nhầm lẫn về thời gian và không gian.
- Khó nhận biết về hình ảnh trực quan và mối quan hệ trong không gian.
- Phát sinh vấn đề mới với từ ngữ khi viết/ đọc.
- Đặt nhầm chỗ các đồ vật và mất khả năng nhớ lại các bước để tìm lại đồ.
- Giảm khả năng phán đoán hoặc ra quyết định.
- Thu mình khỏi công việc hoặc hoạt động xã hội.
- Thay đổi cảm xúc và nhân cách.