Hậu Giang vừa tuyên dương 22 gia đình đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện chính sách dân số, sinh đủ 2 con một bề là gái. Vậy có phải cứ sinh con gái một bề là được khen hay hỗ trợ tiền?
Theo ông Mai Trung Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, mất cân bằng giới tính khi sinh dẫn đến tình trạng thừa nam thiếu nữ trong độ tuổi kết hôn.
Nếu tình trạng mất cân bằng giới tính kéo dài thì con trai sẽ rất khó lấy vợ, vì sẽ thiếu hụt cô dâu. Hơn nữa, vị thế của các bé gái ngày càng tăng thì yêu cầu về bạn đời của cô gái sẽ tăng lên, các chàng trai sẽ càng khó kiếm được bạn đời.
Và tình trạng này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến việc phát triển kinh tế, xã hội trong tương lai, làm tăng tình trạng bất bình đẳng giới, khiến trật tự xã hội xáo trộn.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng giới tính ở Việt Nam là tư tưởng trọng nam khinh nữ, coi trọng nam giới hơn nữ giới.
Tại Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương cũng có nói rõ tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng.
Hiện nay, tư tưởng muốn có nhiều con, trọng nam khinh nữ vẫn còn khá phổ biến trong một bộ phận nhân dân.
Để giảm tình trạng này, tại Quyết định 468/QĐ-TTg năm 2016, Thủ tướng đặt ra mục tiêu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2025 là phải đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng.
Và nhằm để thực hiện được mục tiêu này, Quyết định liệt kê các trường hợp vợ chồng sinh con gái một bề được hỗ trợ, gồm:
- Thuộc hộ nghèo, cận nghèo;
- Là người dân tộc thiểu số vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn;
- Đang sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo;
- Khi hết tuổi lao động nhưng không có lương hưu.
Như vậy, không phải bất cứ trường hợp nào sinh con gái một bề cũng được hỗ trợ, mà chỉ có 4 trường hợp nêu trên sẽ được hỗ trợ khi sinh con gái một bề.
Ông Sơn cho biết thêm, để giảm tình trạng mất cân bằng giới tính, nhiều địa phương đã có những giải pháp nhằm lan tỏa trong xã hội thông điệp trai gái phải được bình đẳng; sinh đủ số con (không vi phạm chính sách về dân số) để có điều kiện nuôi con khỏe, dạy con ngoan.
Đặc biệt, tại một số địa phương ở Đồng bằng sông cửu long, trong đó có tỉnh Hậu Giang đang áp dụng chính sách gia đình sinh đủ 2 con một bề là gái, nuôi con khỏe, dạy con ngoan và mẹ còn trong độ tuổi sinh đẻ nhưng không vi phạm chính sách dân số kể từ khi sinh con gái thứ 2 sẽ được khen thưởng.
Để thực hiện hỗ trợ chính sách dân số trên địa bàn, Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang đã ban hành Nghị quyết 21/2018/NQ-HĐND.
Theo đó, Nghị quyết quy định một số mức khen thưởng, biểu dương cặp vợ chồng sinh con đủ 2 con gái một bề thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, hết tuổi lao động nhưng không có lương hưu:
- Tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho gia đình sinh đủ 2 con gái một bề nuôi con khỏe, dạy con ngoan, mẹ còn trong độ tuổi sinh đẻ nhưng không vi phạm chính sách dân số từ khi sinh con thứ 2;
- Tặng giấy khen của Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố cho gia đình sinh đủ 2 con gái là con một bề.
Mà căn cứ theo Điều 73 Nghị định 91/2017/NĐ-CP cá nhân được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ được thưởng 1,0 lần mức lương cơ sở. Nếu được tặng giấy khen của Chủ tịch UBND cấp huyện thì được hưởng mức tiền thưởng là 0,3 lần mức lương cơ sở (mức lương cơ sở hiện nay đang là 1,49 triệu đồng/tháng).
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã ký Quyết định tặng bằng khen cho 22 gia đình đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện chính sách dân số, sinh đủ 2 con một bề là gái. Quyết định có số hiệu 2430/QĐ-UBND, kèm tiền thưởng 1.490.000 đồng cho mỗi hộ.
Theo ông Sơn, bên cạnh việc hỗ trợ tiền, các địa phương còn có nhiều mô hình khác nhau để lan tỏa thông điệp con nào cũng tốt, miễn là người đó có ích cho gia đình, xã hội như tổ chức các cuộc thi về sinh con gái, con gái thật tuyệt, cuộc thi ảnh, thi viết về con gái…