Tục tắm nước lá mùi già vào chiều cuối năm là một nét đẹp văn hóa của tết cổ truyền, theo y học, lá mùi già có rất nhiều công dụng hữu hiệu. Hơn thế, mùi của lá mùi già luôn gợi vị Tết đầy ấm áp.
Tắm nước lá mùi già vào chiều 30 Tết đã trở thành một tục không thể thiếu ở Tết cổ truyền. Cho dù ngày nay có nhà không tắm bằng nước lá mùi già nữa mà chỉ đun lên để mùi của mùi già làm tan biến đi mùi ẩm ốc, "cũ kỹ" của năm cũ.
Theo y học, rau mùi có rất nhiều công dụng: lưu thông khí huyết, giải tỏa căng thẳng thần kinh phục hồi sức khỏe.
Loại cây này còn có tính sát khuẩn, kháng khuẩn tốt. Tinh dầu rau mùi chứa chất chống oxy hóa cao, có thể giảm viêm da, chống viêm nhiễm.
Những năm tháng còn khó khăn thiếu thốn, thì người ta thường lấy cây mùi già nấu thành nước tắm.
Ngoài hương thơm đặc trưng thì khả năng lưu hương của loại cây này khá lâu (từ 2-3 ngày), mùi của loài cây này cũng rất dễ chịu, chính vì thế mà nhiều người đặt ra câu hỏi: có nên tắm nước lá mùi già thường xuyên?
Câu trả lời là nước lá mùi già cũng là một loại "mỹ phẩm organic" thuần tự nhiên nhất. Cũng như bồ kết, lá bưởi dùng để gội đầu thường xuyên, lá mùi già cũng có thể tắm hàng ngày nếu bạn thích mùi của chúng và cảm thấy cơ thể khoan khoái, thơm tho khi tắm nước lá mùi già.
Tuy nhiên, có một số khuyến cáo cho những người không phù hợp để tắm loại nước lá này, đó là người mắc bệnh viêm da, trẻ sơ sinh và trẻ em mắc sởi hay thủy đậu, lý do là đặc tính của mùi già là cay, ấm, vì thế có thể gây kích ứng với da.
Ngoài ra, người vừa ăn no cũng không nên tắm lá mùi già bởi sẽ làm mạch máu căng lên, dẫn đến hiện tượng chóng mặt, tim đập nhanh.