Chưa thể khẳng định loại sán hàng trăm trẻ ở Bắc Ninh nhiễm là sán lợn

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, khi chưa có kết quả xác minh nguyên nhân gây nên tình trạng nhiễm sán trong cơ thể các bé, gọi tên bệnh như vậy là chưa đúng.

Dù trẻ có kết quả dương tính với sán, cũng chưa thể khẳng định là sán lợn.

Chưa thể khẳng định 209 trẻ nhiễm sán lợn 

Liên quan tới sự việc 209 trẻ ở Bắc Ninh đi khám và phát hiện nhiễm sán trong cơ thể và được xôn xao mắc bệnh 'sán lợn”, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, khi chưa có kết quả xác minh nguyên nhân gây nên tình trạng nhiễm sán trong cơ thể các bé, gọi tên bệnh như vậy là chưa đúng.

“Trong bộ phận tiêu hóa của cơ thể con người, có giun và sán. Hai loài này hoàn toàn khác nhau. Trong đó, sán là một loài gồm có: sán dây, sán lá gan, sán lá phổi…

Các gia đình nên phối hợp với cơ quan chức năng để tìm nguồn gốc gây tình trạng nhiễm sán ở trẻ.

Chúng ta chỉ có thể gọi đúng tên loài sán đang ký sinh trùng trong cơ thể con người qua xét nghiệm soi phân tìm đốt sán trong phân hoặc làm huyết thanh để chẩn đoán.

Gọi là sán lợn bởi nguồn lây nhiễm sán vào cơ thể con người là từ thịt lợn. Hay gọi sán chó bởi nguồn gốc gây sán trong cơ thể con người là từ chó…

Hiện nay, thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng cho biết, bệnh viện mới chẩn đoán được kết quả nhiễm sán ở các em nhỏ qua xét nghiệm, chứ chưa xác định được nguyên nhân gây nên sán trong cơ thể các em”.

Do vậy, tôi cho rằng chưa thể khẳng định được các em học sinh ở Bắc Ninh nhiễm sán gì”.

Trước đó, BS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khẳng định: Nguồn gốc mầm bệnh có thể có trong đất, trong nước, thực phẩm... Việc các em nhiễm sán có phải do nhiễm trong thịt lợn hay không thì bệnh viện không thể kết luận.

Xét nghiệm Elisa không mang kết quả chính xác tuyệt đối

Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm thần kinh BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM): Loài sán nào xâm nhập vào cơ thể con người cũng gây nguy hiểm, chứ không chỉ sán lợn. Nhưng để phát hiện chính xác đó là sán gì đòi hỏi phải có những xét nghiệm chuyên sâu.

Phương pháp xét nghiệm Elisa để chẩn đoán người đó có nhiễm sán hay không mà các bệnh viện đang thực hiện không mang lại kết quả chính xác tuyệt đối.

Bởi xét nghiệm này vẫn cho kết quả dương tính khi họ đã từng bị nhiễm sán nay đã hết. Hoặc cơ thể nhiễm con sán này lại xét nghiệm ra con sán khác hoặc chỉ nhiễm loại sán thông thường.

Phương pháp xét nghiệm Elisa không mang lại kết quả tuyệt đối về việc loài sán nào đang ký sinh trùng trong cơ thể con người.

Ngoài ra, tất cả sán khi xâm nhập cơ thể đòi hỏi phải có thời gian ủ bệnh, xâm nhập vào máu theo chu trình, kích thích cơ thể tạo ra kháng thể chứ không thể ăn hôm nay thì ngày mai có kháng thể liền, có loại mấy tháng sau mới có kháng thể. Do đó, xét nghiệm có âm tính cũng không thể chắc chắn trẻ chưa bị nhiễm sán. 

Cũng thông tin về vấn đề này, Cục Y tế dự phòng cho biết: Việc chẩn đoán hiện tại ở các trẻ em có đang mắc bệnh ấu trùng sán lợn hay không cần dựa vào nhiều yếu tố vì xét nghiệm Elisa kháng thể dương tính có thể do đã bị nhiễm bệnh trước đó.

Vì vậy, việc chẩn đoán chính xác nguồn lây truyền, đường lây cần có các điều tra, đánh giá dịch tễ cẩn thận, rõ ràng, chính xác đảm bảo khách quan dựa trên các bằng chứng khoa học.

Việt Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan