Sở Y tế Hà Nội yêu cầu cách ly 14 ngày đối với người Hàn Quốc và Việt Nam tới Hà Nội từ 2 vùng có dịch của Hàn Quốc. Hà Nội cũng chuẩn bị phương án để đón công dân từ Hàn Quốc về nếu tình hình phức tạp.
Chiều 23/2, Ban chỉ đạo chống dịch Covid-19 của Hà Nội họp khẩn do Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì. Tính đến chiều nay, TP Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với Covid-19, nhưng vẫn giám sát tại bệnh viện 77 trường hợp.
Tại cuộc họp, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhận định, dịch bệnh có xu hướng lan rộng và bùng phát ở một số quốc gia ngoài Trung Quốc như Hàn Quốc, Nhật Bản. Tình hình này khiến Hà Nội có nguy cơ lây nhiễm cao.
"Tôi lo lắng thực sự, Hà Nội cần nâng mức kiểm soát, cảnh báo với những công dân Hàn Quốc, công dân Việt Nam đi làm việc từ những vùng dịch về", Chủ tịch Chung bày tỏ.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh thông tin, hiện có khoảng 26.000 người Việt Nam đang cư trú tại 2 tỉnh có dịch và hàng ngày có 14 chuyến bay từ Daegu về Đà Nẵng và 7 chuyến về Cam Ranh. Nhưng từ 17/2 đã dừng bay từ Daegu về Đà Nẵng, hiện chỉ còn 4 chuyến/tuần đến Cam Ranh.
Trước diễn biến tình hình dịch ở Hàn Quốc, ông Hạnh đề xuất Hà Nội nên có biện pháp cách ly đối với những người đến từ vùng dịch của Hàn Quốc. Cụ thể, đối với những người Hàn Quốc đi từ vùng có dịch của Hàn Quốc, người nước ngoài đến từ vùng có dịch khi đến Hà Nội cần cách ly 14 ngày tại nhà và đề nghị Sở Ngoại vụ có ý kiến thêm do liên quan đến người nước ngoài.
Đối với người Việt Nam đi từ vùng có dịch của Hàn Quốc trở về Hà Nội, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đề xuất cách ly tập trung 14 ngày. Ngoài ra, do lượng người lớn, nên ông Hạnh đề nghị Bộ Tư lệnh Thủ đô tổ chức bố trí, cách ly và Sở Y tế sẽ phối hợp việc giám sát sức khỏe.
Với tất cả những người đi từ nước ngoài về, nhất là ở các nước có dịch, ông Hạnh đề nghị, các xã phường phải nắm được danh sách và lịch trình của họ. “Nếu như nắm được danh sách sẽ chủ động khi có vấn đề về sức khỏe và có biện pháp kịp thời. Còn nếu không nắm được danh sách từ đầu sẽ rất khó khi có vấn đề xử lý”, ông Hạnh nói.
Tại Hà Nội hiện có khá nhiều người Hàn Quốc đang sinh sống. Tại quận Nam Từ Liêm có 9.127 người Hàn Quốc sinh sống, tạm trú dài hạn 8.166 người, ngắn hạn là 961 người. Số người Hàn Quốc này ở rải rác cả 10 phường, trong đó, tập trung tại 2 phường Mỹ Đình 1 có hơn 3.000 và Mễ Trì hơn 4.000.
Còn tại quận Thanh Xuân có 1.600 người Hàn Quốc, trong đó, 1.200 người ở Royal City, Nhân Chính 200 người và 200 người ở khu chung cư Thanh Xuân Trung. Ngoài ra ở các quận Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Cầu Giấy cũng có nhiều người Hàn Quốc sinh sống.
Chủ tịch Chung yêu cầu các quận, huyện có người Hàn, Nhật, Trung Quốc sinh sống mời phiên dịch tiếng Hàn, Trung, Nhật… đến các khu chung cư có người nước ngoài thông tin để họ nắm bắt, tạo đồng thuận trong phòng chống dịch, có trách nhiệm với cộng đồng.
Hà Nội cần nâng mức kiểm soát, cảnh báo với những công dân Hàn Quốc, công dân Việt Nam đi làm việc từ những vùng dịch về. Công an thành phố chủ trì phối hợp với các quận huyện rà soát nắm tình hình với phương châm đến từng nhà, rà từng hộ.
Đặc biệt, Chủ tịch thành phố yêu cầu các quận, huyện giao lực lượng công an, phòng văn hoá, các phường… rà soát và yêu cầu những quán bar, karaoke hạn chế hoạt động bởi nguy cơ ở những nơi này là rất cao. "Nhà hàng, quán bar, karaoke không khéo thành ổ dịch", ông nói.
Về việc chuẩn bị cho học sinh đi học trở lại, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu, bắt buộc các lớp học phải có nhiệt kế điện tử đo thân nhiệt học sinh trước khi vào lớp; bắt buộc có xà phòng, nước rửa tay trước khi vào lớp và trước khi ra về.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu, các trường học không tổ chức chào cờ toàn trường mà tổ chức chào cờ trong lớp, có thể bố trí giờ giải lao lệch nhau giữa các lớp.