Các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Hà Đông mới tiến hành cấp cứu gắp đồng xu mắc kẹt giữa cổ họng cho bệnh nhi 7 tuổi.
Bệnh nhi Dương Minh Q. (7 tuổi, ở Vạn Phúc, Hà Đông) vào khoa Tai mũi họng, Bệnh viện đa khoa Hà Đông trong tình trạng đau họng, nuốt vướng, nuốt đau, không ăn uống được.
Theo lời kể của người thân bé Q. thì trước đó cháu có chơi nghịch đồng xu, loại xèng chơi trò chơi, sau đó thì không tìm thấy đồng xu nữa, nghi ngờ có thể trong lúc chơi đùa cháu bé vô tình nuốt phải.
Các bác sĩ chỉ định cho bệnh nhi chụp Xquang, hình ảnh cản quang cho thấy dị vật là một hình tròn như đồng xu ngang đốt cổ C5, C6 (vị trí ngang giữa cổ). Dị vật mắc kẹt có cạnh tròn xung quanh nên không gây tổn thương niêm mạc.
Sau khi có kết quả chụp Xquang, các bác sĩ chỉ định tiến hành soi gắp dị vật ra cho trẻ. Theo BSCKII. Nguyễn Anh Dũng, phụ trách khoa Tai mũi họng, người trực tiếp tiến hành gắp nội soi cho bé, trong quá trình gây mê nội soi ống cứng gắp dị vật, soi họng qua miệng thực quản, thấy đồng xu nằm ngang và chắn cách miệng thực quản 4 - 5 cm.
Đây là vị trí đã dịch chuyển xuống dưới của đồng xu so với hình ảnh trên phim Xquang. Do dị vật đồng xu khá to, ống soi loại to cũng không thể thu vào để gắp ra được nên phải dùng kẹp gắp kiểu hàm cá sấu kéo đồng xu vào cửa ống soi để rút ra.
Kết quả kiểm tra lại niêm mạc thực quản bệnh nhân không bị tổn thương. Bốn tiếng sau khi gây mê tiến hành soi gắp, bệnh nhân tỉnh và dần hồi phục sức khỏe, ăn cháo, đồ mềm và uống sữa.
Bác sĩ Nguyễn Anh Dũng cho biết thêm, hầu hết các ca hóc dị vật thực quản thường là hóc xương, các dị vật khác như đồ vật, đồ chơi nhỏ thì ít gặp hơn, với đối tượng người bệnh là trẻ em thì nguy hiểm hơn, trong trường hợp dị vật bị kẹt ở khí quản chỉ trong vòng 3 đến 5 phút có thể gây tử vong hoặc sưng, nhiễm trùng rất khó khăn để xử lý.
Trường hợp lần này của cháu Dương Minh Q. khá đặc biệt ở chỗ cháu đã 7 tuổi, đã có ý thức nhận biết, trẻ không còn quá nhỏ nhưng vẫn mắc kẹt dị vật khi chơi đùa, điều này cảnh tỉnh các vị phụ huynh luôn để ý, kiểm soát con em mình kể cả khi trẻ không còn quá nhỏ.
Bác sĩ cũng khuyến cáo với những trường hợp mắc kẹt dị vật ở trẻ cần được cha mẹ đưa đến bệnh viện rất sớm, những hiểm nguy tiềm tàng có thể được kiểm soát tốt nhất có thể. Không cho trẻ cầm các loại đồ chơi, các vật nhỏ dễ khiến trẻ bỏ vào miệng ngậm.
Nếu thấy trẻ đang ngậm hoặc ăn những thứ dễ gây nên hóc, không nên hoảng hốt, la hét, mắng trẻ vì làm như vậy trẻ sợ hãi dễ bị hóc. Khi trẻ đang khóc hoặc cười lớn thì không nên đút thức ăn, hoặc cho uống thuốc, không để trẻ vừa ăn vừa chơi. Nếu bị hóc hoặc nghi bị hóc vào đường thở, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
Trẻ em thường có thói quen đưa các vật cầm ở tay vào miệng hoặc hít bằng đường mũi, nhất là các vật nhỏ, rời rạc. Đây là một trong những nguyên nhân thường gặp khiến cho dị vật rơi vào đường thực quản hoặc khí quản. Hóc dị vật ở trẻ thường khó nhận biết, dễ bỏ qua, vậy nên các bậc phụ huynh nếu không kiểm soát tốt con em mình, tinh ý nhận biết để cấp cứu kịp thời thì rất dễ gây nguy hiểm đến tính mạng trẻ.