Trao đổi với Gia Đình Mới về vấn đề chọn lựa đồ chơi thích hợp với trẻ, nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất (Giám đốc Công ty Tư vấn tâm lý An Việt Sơn) khẳng định: ‘Nếu người lớn cho trẻ chơi những đồ chơi không phù hợp với lứa tuổi sẽ ảnh hưởng đến tâm sinh lý và sức khỏe của trẻ.
Còn nếu người lớn lựa chọn những đồ chơi phù hợp với lứa tuổi của trẻ sẽ rất có ích trong việc phát triển các kỹ năng riêng trong từng giai đoạn tuổi của bé’.
3 tiêu chí vàng khi chọn đồ chơi cho trẻ
Đồ chơi như nào được cho là phù hợp với lứa tuổi và an toàn với trẻ nhỏ, thưa ông?
Tôi cho rằng, khi người lớn chọn lựa đồ chơi cho con trẻ, bất kỳ ở độ tuổi nào cũng cần phải đảm bảo 3 tiêu chí gồm: Đồ chơi phải phát huy được trí tuệ của trẻ; Phải đáp ứng được sự vui thú của trẻ; Đồ chơi phải đảm bảo an toàn cho trẻ.
Tiêu chí an toàn được hiểu thế nào thưa ông?
Đồ chơi an toàn đối với trẻ được hiểu là đồ mà trẻ chơi sẽ không gây đau đớn cho trẻ, không cháy nổ, đồ chơi không có hóa chất độc hại để không gây tổn thương cho trẻ khi chơi…
Đặc biệt, người lớn phải luôn nhớ rằng, trẻ nhỏ thường thích ngậm đồ chơi vào miệng nên khi chọn đồ chơi không được chọn đồ sắc nhọn, không chọn vật nhỏ tròn để trẻ không thể nhét vào miệng, mũi, tai gây hóc, tắc dị vật khi chơi đồ chơi.
Cũng không nên cho trẻ chơi những đồ chơi để trẻ phải căng mắt ra để nhìn, vì sẽ gây ảnh hưởng đến thị giác của trẻ. Hay những đồ chơi có mùi vị không thích hợp cũng sẽ ảnh hưởng đến khứu giác của trẻ; Đồ chơi phát ra tiếng ồn lớn cũng làm ảnh hưởng thính giác trẻ.
Do đó, phải chọn lựa những đồ chơi an toàn, thích hợp, tốt đẹp đối với từng lứa tuổi của trẻ. Nếu đồ chơi không thỏa mãn được 3 tiêu chí mà tôi đã nói ở trên thì không thể coi đó là đồ chơi thích hợp đối với trẻ.
Vậy còn ảnh hưởng của nó đến tâm sinh lý và sức khỏe của trẻ thế nào, thưa ông?
Thực tế tôi đã gặp rất nhiều trường hợp trẻ bị ảnh hưởng tâm sinh lý, sức khỏe khi được người thân cho chơi đồ chơi không phù hợp lứa tuổi.
Đó là trường hợp một bé đang đi mẫu giáo, người lớn trong nhà cho bé cầm vật sắc nhọn để chơi. Và bé đã dùng vật nhọn chọc vào người một bé khác gây tổn thương cho bạn cùng chơi.
Hay như trường hợp một bé học tiểu học được bố mẹ đưa đến chỗ tôi điều trị tâm lý chỉ vì suốt ngày cầm que, gậy, vật dài nhọn để múa kiếm.
Nguyên nhân là do từ bé được cha mẹ cho chơi kiếm, xem phim, ảnh có yếu tố bạo lực. Lúc đầu bé chỉ là có những hành động múa máy chân tay bắt chước nhân vật.
Sau đó, cứ hễ cầm đồ vật gì trong tay bé cũng coi đó là kiếm và dùng để múa máy. Khi có sự việc gì xảy ra, bé lại dùng bạo lực để giải quyết, thậm chí đánh cả bố mẹ khi không vừa ý một vấn đề gì đó.
Thực tế đã xảy ra rất nhiều trường hợp trẻ bị ảnh hưởng về tâm sinh lý, sức khỏe khi chơi đồ chơi không phù hợp lứa tuổi, không an toàn nhưng không hiểu sao người lớn vẫn không ý thức được sự nguy hiểm của điều đó.
Theo ông, khi chọn đồ chơi cho trẻ, người lớn nên chọn theo sở thích của mình hay theo sở thích của trẻ?
Theo tôi, khi chọn đồ chơi cho trẻ nhỏ, người lớn bao giờ cũng phải đặt 3 tiêu chí phát huy trí tuệ, vui thú và an toàn lên hàng đầu.
Rất nhiều người hiện nay đang chọn đồ chơi cho trẻ theo hướng chủ quan cá nhân: nhìn hay mắt, giá thành rẻ mà không nghĩ đến lợi ích mà món đồ chơi mang lại.
Tôi nhớ có thời điểm những quả bóng bay có đèn nhấp nháy, bóng cười được các nhà khoa học cảnh báo là nguy hiểm với sức khỏe của trẻ nhưng người lớn vẫn mua cho trẻ chơi chỉ vì thấy lạ mắt, vui mắt.
Điều này làm tôi thấy rất lạ, bởi, các nhà khoa học đã cảnh báo là nguy hiểm mà người lớn vẫn vô tư mua cho trẻ chơi và không có cơ quan quản lý nào cấm loại đồ chơi nguy hại này.
Hay như việc các nhà khoa học cảnh báo đồ chơi nhập ngoại có chứa nhiều hóa chất độc hại, đồ chơi mang tính bạo lực ảnh hưởng tâm lý trẻ, làm trẻ lúc nào cũng muốn đánh nhau, giải quyết sự việc bằng bạo lực… Vậy mà các loại đồ chơi này vẫn được bày bán tràn lan, người lớn vẫn vô tư mua về cho trẻ.
Nhân cách trẻ được hình thành qua đồ chơi
Có ý kiến cho rằng việc chơi đồ chơi ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ sau này? Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Cái đó là rất rõ. Chơi đồ chơi hay các hành động, cử chỉ của người lớn đều ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ.
Vì trẻ nhỏ tiếp thu bằng thực tế chứ không phải bằng lời nói. Mà cách giáo dục trẻ của người lớn vẫn thường thiên về giảng giải, phân tích. Nhưng thực tế trẻ không hiểu được những điều mà người lớn nói.
Ngay cả chữ nguy hiểm người lớn phải lặp đi lặp lại rất nhiều lần các cháu mới biết được thế nào là nguy hiểm. Hoặc ngay như từ ngoan hay hư cũng phải lặp đi lặp lại nhiều lần các cháu mới biết được.
Người lớn phải biết rằng, bản năng của con người luôn luôn muốn chiến thắng và nếu dùng bạo lực để giành chiến thắng cao hơn nữa thì sẽ rất nguy hiểm.
Việc trẻ chơi đồ chơi bạo lực ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ là sau khi lớn lên trẻ sẽ hung hăng hơn. Hơi một chút trẻ sẽ dùng bạo lực để giải quyết vấn đề, hơi một chút trẻ dùng chân tay để đấm đá, hoặc hơi một chút trẻ dùng gậy gộc để đánh người khác.
Đặc biệt, giai đoạn từ 3 – 5 tuổi là giai đoạn hình thành nhân cách của trẻ. Ở độ tuổi này, trẻ học hỏi rất nhanh và ký ức hình thành rất sâu. Vậy nên, nếu ở độ tuổi này, cho trẻ chơi nhiều những đồ chơi bạo lực như đao kiếm, súng ống thì sẽ hình thành một đứa trẻ thích bạo lực, xử lý mọi việc luôn dùng bạo lực.
Đồ chơi tôi nói ở đây không chỉ có đồ chơi bằng hiện vật mà còn phải kể đến việc trẻ chơi trên tivi, chơi trên internet cũng hình thành nhân cách của trẻ sau này.
Trẻ bị ảnh hưởng tâm lý nặng nhất là từ đồ chơi bạo lực. Những trẻ bị ảnh hưởng tâm lý từ những đồ chơi này chỉ thích múa máy quay cuồng, nhìn thấy cái gì nó cũng nghĩ đây công cụ để đánh nhau.
Nhất là khi xảy ra tranh chấp với các trẻ khác, nó sẽ dùng vũ lực, vũ khí để giải quyết vấn đề.
Với những trường hợp trẻ bị ảnh hưởng bởi đồ chơi, cha mẹ phải làm gì để khắc phục?
Cách tốt nhất là không cho trẻ chơi những đồ chơi nguy hiểm, bạo lực, không phù hợp với độ tuổi của mình.
Với những trẻ đã bị ảnh hưởng tâm lý nặng, cha mẹ cần tìm đến các chuyên gia tâm lý, bác sĩ nhi khoa để được giúp đỡ. Còn với trẻ bị ảnh hưởng nhẹ, cha mẹ phải dùng biện pháp tâm lý để giáo dục trẻ.
Cụ thể, khi thấy trẻ có những hành động nguy hiểm như nghịch ổ điện, phích nước sôi cần phải nghiêm cấm và yêu cầu trẻ ngừng ngay.
Sau đó, dùng hình ảnh, tranh vẽ để giải thích cho trẻ biết hành động đó gây nguy hiểm thế nào. Ví như cho trẻ xem phim về sự nguy hiểm của điện để trẻ thấy sợ và sẽ từ bỏ việc này đi.
Trường hợp trẻ dùng gậy, đồ sắc nhọn để đánh, đâm chọc người khác, cha mẹ có thể dùng hành động và lời nói để cho con biết ‘bây giờ bố/mẹ dùng gậy này đánh con, chọc vào người con xem con có đau không, có chịu được không mà con lại làm như vậy với người khác’.
Đối với trẻ nhỏ, chỉ nói, giảng giải trẻ không thể hiểu, mà phải dùng hành động thực tế để cho trẻ thấy việc mình làm là sai, là nguy hiểm thế nào.
Ngoài ra, khi trẻ chơi đồ chơi mà đáp ứng 3 mục tiêu phát huy trí tuệ, vui thú và an toàn thì người lớn phải khen trẻ. Nhưng cũng phải biết khen trẻ đúng cách như bảo rằng ‘con nói được như này mẹ vui quá’, ‘con làm được việc này mẹ mừng quá, phấn khởi quá’.
Nếu cha mẹ và những người lớn xung quanh làm được những điều đó sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện về tâm sinh lý, sức khỏe và trở thành người có ích sau này.
Cảm ơn những chia sẻ của ông!
Linh LyBạn đang xem bài viết Trẻ chơi đồ chơi không hợp lứa tuổi ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm sinh lý và sức khỏe tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].