Chế độ ăn cho người bệnh tiểu đường: Thực phẩm nên ăn và nên kiêng ăn

Người bị bệnh đái tháo đường nếu ăn quá nhiều sẽ làm đường huyết tăng cao dẫn đến biến chứng, ngược lại kiêng khem quá mức lại làm cơ thể suy nhược, tụt đường huyết gây nguy hiểm đến tính mạng.

Chính vì vậy mà các chuyên gia y tế khuyến cáo, người bị bệnh đái tháo đường cần tuân thủ việc dùng thuốc điều trị. Đồng thời người bệnh nên duy trì chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả, tránh được những biến chứng nguy hiểm.

ThS.BS Võ Tuấn Khoa, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Nhân Dân 115 cho biết, với người bệnh đái tháo đường (tiểu đường), cần áp dụng đồng thời cả 3 biện pháp sau đây để kết quả điều trị tốt hơn.

Đó chính là ăn uống lành mạnh, dùng thuốc đúng cách và vận động thể lực phù hợp. Trong đó, ăn uống lành mạnh có vai trò quan trọng, có thể chiếm 50 - 60% kết quả điều trị.

Bổ sung rau xanh và hoa quả trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày để giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả

Người bị đái tháo đường ăn quá nhiều làm đường huyết tăng cao dễ dẫn đến biến chứng, ngược lại ăn quá ít hay không dám ăn làm cơ thể suy dinh dưỡng, giảm đề kháng và đôi khi nguy hiểm do hạ đường huyết quá mức. Do vậy, người bệnh cần biết mục đích của ăn uống lành mạnh ở đái tháo đường bao gồm:

- Tránh làm tăng đường huyết quá cao hay quá thấp tức là phải ổn định mức đường huyết

- Tránh làm tăng cân vì tình trạng thừa cân/béo phì có thể làm tăng thêm rủi ro các bệnh tim mạch

- Giúp có thể phòng ngừa một số bệnh ung thư và tim mạch

Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, bệnh nhân đái tháo đường cũng có nhu cầu năng lượng giống như người bình thường. Nhu cầu tăng hay giảm và thay đổi khác nhau tuỳ thuộc tình trạng của mỗi người (tùy theo tuổi, giới; tuỳ theo loại công việc nặng hay nhẹ; tuỳ theo thể trạng béo hay gầy…). Mức nhu cầu năng lượng chung cho bệnh nhân điều trị tại bệnh viện là 25Kcal/kg/ngày.

Trong đó, tỷ lệ giữa các thành phần sinh năng lượng gồm:

Protein (chất đạm): Lượng protein nên đạt 0,8g/kg/ngày với người lớn. Nếu khẩu phần có quá nhiều đạm sẽ không tốt nhất là đối với bệnh nhân có bệnh lý thận sớm. Trong chế độ dinh dưỡng của người bị đái tháo đường tỷ lệ năng lượng do protein nên đạt 15-20% năng lượng khẩu phần.

Lipit (chất béo): Nên ăn chất béo vừa phải và giảm chất béo động vật vì có nhiều axit béo bão hoà. Các chất béo đặc biệt là các chất axit béo bão hoà dễ gây xơ vữa động mạch nhưng mặt khác chất béo lại cung cấp năng lượng (bù lại phần năng lượng do gluxit cung cấp) vì vậy nên ăn các axit béo chưa bão hoà có nhiều trong các loại dầu thực vật như dầu mè (vừng), dầu đậu nành, dầu hướng dương... Tỷ lệ năng lượng do chất béo nên là 25% tổng số năng lượng khẩu phần và không nên vượt quá 30%. Việc kiểm soát chất béo trong khẩu phần còn giúp cho ngăn ngừa xơ vữa động mạch.

Gluxit (chất bột đường): Trong bệnh đái tháo đường, đường huyết có chiều hướng tăng vọt sau khi ăn nhưng lại không chuyển hoá được để cung cấp năng lượng cho cơ thể vì thế chế độ ăn phải hạn chế gluxit (chất bột đường). Nên sử dụng các loại gluxit phức hợp dưới dạng các hạt và khoai củ. Hết sức hạn chế các loại đường đơn và các loại thức ăn có hàm lượng đường cao (bánh, kẹo, nước ngọt...). Tỷ lệ năng lượng do gluxit cung cấp nên đạt 50-60% tổng số năng lượng khẩu phần.

Người bị đái tháo đường nên hạn chế bánh kẹo ngọt vì các sản phẩm này có chứa nhiều đường và sẽ làm tăng nhanh đường huyết. Ảnh minh họa

Để bệnh nhân đái tháo đường dễ dàng trong việc lựa chọn thực phẩm, các loại thức ăn được chia thành từng loại có hàm lượng gluxit khác nhau:

- Loại có hàm lượng gluxit ≤ 5%: Người bệnh có thể sử dụng hàng ngày, gồm các loại thịt, cá, đậu phụ (số lượng vừa phải), hầu hết các loại rau xanh còn tươi và một số trái cây ít ngọt như: dưa bở, dưa hấu, nho ta, nhót chín... (sử dụng không hạn chế).

- Loại có hàm lượng gluxit từ 10-20%: Nên ăn hạn chế (một tuần có thể ăn 2-3 lần với số lượng vừa phải) gồm một số hoa quả tương đối ngọt như quýt, táo, vú sữa, na, hồng xiêm, xoài chín, sữa đậu nành, các loại đậu quả (đậu vàng, đậu hà lan...)

- Loại có hàm lượng gluxit từ ≥ 20%: Cần kiêng hay hạn chế tối đa vì khi ăn vào làm tăng nhanh đường huyết gồm các loại bánh, mứt, kẹo, nước ngọt và các loại trái cây ngọt nhiều (mít khô, vải khô, nhãn khô...).

Với người bị đái tháo đường nên chia làm nhiều bữa nhỏ để tránh tăng đường huyết nhiều sau khi ăn. Có thể chia làm 5 - 6 bữa nhỏ trong ngày. Với bệnh nhân điều trị bằng Insulin tác dụng chậm có thể bị hạ đường huyết trong đêm, vì vậy người bệnh nên ăn thêm bữa phụ trước khi đi ngủ.

An Bình/giadinhmoi.vn

Tin liên quan