Rạng sáng ngày 30/8, bệnh nhân H’Si Yan (SN 2013, ngụ buôn H’Ring, xã Ea H’Đinh, huyện Cư M’gar, Đắc Lắk) đã tử vong nghi do bệnh bạch hầu. Sau đó, có 11 người sau khi đi đám tang cháu bé có dấu hiệu bị sốt, khả năng là do lây nhiễm. Trong đó, 3 người đã có xét nghiệm dương tính với bệnh bạch hầu và 31 người khác đang được cách ly để theo dõi.
Theo báo Người Lao Động , ổ dịch xuất phát từ buôn H’Ring - nơi người đồng bào dân tộc Xê Đăng sinh sống. Nguyên nhân phát sinh ổ dịch có thể là do những người dân sống ở đây không thực hiện việc tiêm chủng một cách nghiêm chỉnh.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương và ngành y tế đã cắm biển cảnh báo ổ dịch, hạn chế người đi vào để bao vây ổ dịch, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân hiểu để uống thuốc phòng bệnh và tiêm chủng đầy đủ.
Nhiều báo chí cũng đưa tin là sau trường hợp tử vong của em bé trên, rất nhiều cha mẹ đã tức tốc đưa con đi tiêm vắc xin bạch hầu.
Vậy căn bệnh bạch hầu là gì? Có gì nguy hiểm? Chế độ chăm sóc bệnh nhân ra sao?
1. Bệnh bạch hầu là gì?
Bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng nhiễm độc do trực khuẩn bạch hầu Corynebacterium diphtheria và dễ lây lan qua đường hô hấp hoặc gián tiếp tiếp xúc với vi khuẩn.
Bệnh có thể lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.Tốc độ lây lan của bệnh bạch hầu là rất nhanh.
Các dấu hiệu và triệu chứng bạch hầu thường bắt đầu xuất hiện từ 2 – 5 ngày sau khi nhiễm bệnh, với các biểu hiện như:
- Giả mạc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám, đen, dai, dính, dễ chảy máu.
- Đau họng và khàn giọng
- Sưng hạch bạch huyết ở cổ
- Khó thở hoặc thở nhanh
- Chảy nước mũi
- Sốt và ớn lạnh
- Khó chịu
Ở một số người, việc nhiễm vi khuẩn bạch hầu có thể không gây ra các triệu chứng bệnh rõ ràng nào cả.
Ngoài ra, còn một loại bạch hầu nữa là bạch hầu trên da với các triệu chứng như đau, đỏ, sưng, loét bao phủ bởi một màng màu xám.
2. Biến chứng nguy hiểm của bạch hầu
Bệnh bạch hầu có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
+ Vấn đề về thở: Vi khuẩn gây bệnh bạch hầu có thể tiết độc tố và độc tố này gây tổn thương mô ở khu vực nhiễm trùng ngay lập tức - thường là mũi và cổ họng. Tại vị trí đó, nhiễm trùng tạo ra một màng cứng màu xám bao gồm các tế bào chết, vi khuẩn và các chất khác. Màng này có thể cản trở hô hấp, dẫn tới tử vong.
+ Đau tim: Độc tố bạch hầu có thể lây lan qua dòng máu và làm tổn thương cơ tim, gây ra các biến chứng như viêm cơ tim. Tổn thương tim do viêm cơ tim có thể nhẹ, biểu hiện là những bất thường nhỏ trên điện tâm đồ hoặc nghiêm trọng dẫn đến suy tim sung huyết và đột tử.
+ Tổn thương thần kinh. Độc tố cũng có thể gây tổn thương thần kinh gây liệt cục bộ các dây thần kinh sọ (số 4, số 10), có thể nhìn mờ, khó nuốt...
3. Chế độ dinh dưỡng cho người bị bệnh bạch hầu
Bệnh bạch hầu được điều trị càng sớm càng tốt, vì nếu phát hiện và điều trị muộn thì nguy cơ tử vong sẽ cao. Điều trị phải trung hòa độc tố bạch hầu phối hợp với kháng sinh diệt khuẩn, phát hiện ngăn ngừa các biến chứng, chống tái phát, chống bội nhiễm. Ngoài ra, cần chú ý tới chế độ dinh dưỡng cho người bệnh bạch hầu.
Người bệnh bị bạch hầu thường đau họng và khó nuốt. Lúc này, nên cho bệnh nhân ăn những thực phẩm mềm hoặc xay nhuyễn trong vòng một thời gian.
Nhiều bệnh nhân bị bạch hầu là do nhiễm vi khuẩn có trong sữa tươi chưa tiệt trùng hoặc các sản phẩm làm từ sữa tươi chưa tiệt trùng. Do đó, cần tránh loại thực phẩm này trong chế độ dinh dưỡng của người bệnh bạch hầu.
Người bị bệnh bạch hầu, hệ miễn dịch đã suy giảm, cần phải tránh ăn một số loại thực phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, thực phẩm chưa qua chế biến (rau salad, cà chua, xà lách…) hoặc các thực phẩm chưa được chế biến kỹ (các loại thịt bò, gà, trứng, cá…).