Cắt amidan được cho là một thủ thuật đơn giản, dễ thực hiện và an toàn nhưng cũng có thể xảy ra biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong do mất máu, gây mê không ổn.
Mới đây, một cháu bé 5 tuổi ở Yên Bái khi được đưa vào phòng mổ để cắt amidan khoảng 15 phút thì có biểu hiện bị sốc khi gây mê. Sau vài tiếng đồng hồ được cấp cứu nhưng cháu bé đã tử vong.
Người nhà của cháu bé cho biết, cách đây khoảng hơn 1 tháng gia đình đã đưa cháu đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám do cháu bị viêm amidan. Các bác sĩ đã tư vấn cháu nên cắt amidan sau khi điều trị hết viêm.
Gia đình đã đưa cháu về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái và điều trị theo đơn kê của bác sĩ ở đây. Đến lần khám thứ 3, bác sĩ có thông báo sức khỏe của cháu đã đảm bảo để cắt amidan.
Tuy nhiên, sau khi làm xong các thủ tục, vào phòng mổ khoảng 15 phút, bác sĩ phòng mổ mời đại diện gia đình vào thông báo tình hình cháu bị sốc khi gây mê và đang tiến hành cấp cứu. Sau vài tiếng đồng hồ được cấp cứu, gia đình nhận thông báo cháu đã tử vong.
Nói về những nguy hiểm có thể xảy ra cho trẻ khi tiến hành cắt amidan, trao đổi với PV Gia Đình Mới, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, cắt amidan được cho là một thủ thuật đơn giản, dễ thực hiện và an toàn nhưng cũng có thể xảy ra biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong do mất máu, gây mê không ổn.
Bác sĩ Dũng nhấn mạnh, cũng như với bất kỳ ca phẫu thuật nào, cắt amidan có thể đi kèm một số nguy cơ.
Trong đó, chảy máu sau mổ là biến chứng thường gặp. Nguy cơ này lớn nhất vào ngày đầu tiên sau mổ và lần thứ hai xuất hiện 5 - 7 ngày sau phẫu thuật, khi lớp vảy phủ vết thương vùng amidan bong ra.
Trẻ được uống đủ nước và tuân thủ chế độ ăn mềm ít có khả năng gặp biến chứng này. Một số trường hợp chảy máu nhiều, phải nhét bấc mũi cầm máu, hiếm hơn có thể phải truyền máu nếu lượng máu mất rất lớn.
Bên cạnh đó, trẻ cũng có thể gặp nhiễm trùng tại vị trí phẫu thuật cắt amidan.
Ngoài ra, bất kỳ cuộc gây mê nào cũng đi kèm nguy cơ, nhưng nguy cơ này là rất nhỏ ở trẻ khỏe mạnh. Trẻ có thể có phản ứng dị ứng hay rối loạn hô hấp liên quan tới gây mê. Vì vậy cha mẹ cần báo cáo với bác sĩ nếu trẻ có dị ứng với bất kỳ loại thuốc nào.
Bình thường, sau khi thăm khám tình hình viêm amidan, các bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành kê đơn điều trị bằng thuốc.
Nhưng nếu như được điều trị tích cực, đúng phác đồ, đúng liều lượng kháng sinh… mà vẫn bị viêm amidan thì bác sĩ sẽ chỉ định cắt bỏ amidan. Đối với trẻ nhỏ, bác sĩ sẽ chỉ chỉ định cắt amidan khi:
- Trẻ bị viêm amiđan mạn tính, tái phát nhiều lần (trên 5 lần/năm) làm ảnh hưởng nhiều đến việc học tập, sức khỏe và chất lượng sống của bệnh nhi. Chỉ tính các đợt viêm amidan được bác sĩ chẩn đoán rõ ràng, không tính các đợt do người bệnh tự chẩn đoán.
– Viêm amiđan gây biến chứng như viêm phế quản phổi, viêm cơ tim, viêm cầu thận, viêm khớp, ápxe quanh amiđan, viêm hạch cổ…
– Amiđan phì đại gây tắc nghẽn, ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ hoặc gây khó nuốt, khó nói.
Để đảm bảo an toàn, việc cắt bỏ amidan được chống chỉ định tuyệt đối với những người có bệnh về máu, bệnh tim nặng, lao tiến triển.
Và các trường hợp chống chỉ định tạm thời gồm:
– Đang viêm nhiễm cấp vùng mũi họng.
– Đang nhiễm virus cấp như: cúm, sởi, ho gà, sốt xuất huyết…
– Bệnh nhân cơ địa dị ứng, hen phế quản, hở hàm ếch.
– Thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh, đang có dịch đường hô hấp tại địa phương
– Đang uống hay tiêm phòng dịch (chờ ít nhất 2 tuần sau uống vắc xin phòng bại liệt, 6 tháng sau tiêm phòng lao).
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cũng khuyến cáo, không cắt amidan cho trẻ dưới 5 tuổi vì ở tuổi này nếu cắt sẽ ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch của trẻ và amidan có khả năng phát triển tiếp.
Ngoài ra, đối tượng trên 50 tuổi cũng cần thật thận trọng khi cắt amidan. Đối tượng trên 50 tuổi dễ mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, tăng huyết áp, chưa kể ở tuổi này amidan hay bị xơ hóa, nếu tiến hành cắt thì có thể khiến bệnh nhân mất nhiều máu, gây nguy hiểm tính mạng.
Phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt, đang mang thai, có dấu hiệu bệnh mạn tính như tiểu đường, bệnh gan, lao… đều không được chỉ định cắt bỏ amidan.
Điều quan trọng là phải đảm bảo thực hiện cắt amidan đúng kỹ thuật, làm cẩn thận, nếu điều trị bằng thuốc mà vẫn viêm thì mới được tiến hành cắt bỏ.