Bác sĩ tai mũi họng ‘điểm mặt’ các bệnh tai mũi họng thường gặp trong mùa đông

Thời tiết mùa đông hanh khô, giá rét thường gây ra các bệnh về tai mũi họng nếu chúng ta không mặc đủ ấm, không giữ vệ sinh sạch sẽ. Trong bài viết này, chuyên gia tai mũi họng TS.BS Phạm Thị Bích Đào (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) sẽ chỉ ra một số bệnh thường gặp và cách điều trị bệnh.

Thời tiết hanh khô, giá rét thường gây ra các bệnh về tai mũi họng nếu chúng ta không mặc đủ ấm và không giữ vệ sinh sạch sẽ.

Thời tiết hanh khô, giá rét thường gây ra các bệnh về tai mũi họng nếu chúng ta không mặc đủ ấm và không giữ vệ sinh sạch sẽ.

1. Viêm mũi họng cấp thông thường

Viêm mũi họng cấp thông thường là tình trạng toàn bộ niêm mạc mũi họng bị viêm nhiễm cấp tính do tác nhân vi khuẩn hoặc virus.

Nguyên nhân gây viêm mũi họng cấp thông thường là do virus (chiếm 60 - 80% các nguyên nhân gây bệnh).

Một số trường hợp viêm mũi họng do vi khuẩn: thường gặp là phế cầu, Hemophilus Influenzae, tụ cầu và nguy hiểm nhất là liên cầu ß tan huyết nhóm A (khoảng 20%).

Để nhận biết được bệnh cần dựa vào các biểu hiện như: Sốt 38 - 40°C, môi khô, lưỡi bẩn, đau mỏi mình mẩy, nước tiểu vàng.

Khởi đầu là dấu hiệu khô họng, đau rát họng, ho, có thể ho khan hoặc ho có đờm, giọng nói đục, chảy mũi và ngạt tắc mũi hai bên. Dịch mũi có thể trong (do virus) hoặc vàng xanh (do vi khuẩn).

Khi thăm khám thấy niêm mạc toàn bộ mũi họng đỏ, mũi có dịch. Hạch góc hàm hai bên.

Việc điều trị bệnh cần căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu viêm mũi họng do vi khuẩn các bác sĩ sẽ sử dụng kháng sinh toàn thân kết hợp với điều trị triệu chứng: Hạ sốt, giảm đau, giảm ho, chống phù nề, chống xung huyết mũi.

Nếu viêm mũi họng cấp do virus chỉ cần điều trị triệu chứng và nâng cao thể trạng.

Khi khám họng sẽ thấy Amidan to, niêm mạc đỏ rực, ướt, có thể thấy các mạch máu nổi rõ hoặc các chấm mủ trắng ở các khe, có khi thành đám như giả mạc

Khi khám họng sẽ thấy Amidan to, niêm mạc đỏ rực, ướt, có thể thấy các mạch máu nổi rõ hoặc các chấm mủ trắng ở các khe, có khi thành đám như giả mạc

2. Viêm Amidan

Amidan là tên gọi tắt theo quy định của Amidan khẩu cái. Viêm Amidan là bệnh hay gặp, đứng hàng đầu trong những bệnh lý về họng.

Bệnh tiến triển có thể cấp tính hay mạn tính. Viêm Amidan rất hay tái phát và có thể gây các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.

Viêm Amidan cấp là hiện tượng viêm nhiễm cấp tính của Amidan do virus hoặc vi khuẩn.

Bệnh hay gặp ở trẻ trên 7 tuổi và người lớn. Tỷ lệ bị viêm Amidan khoảng 10% dân số.

Viêm Amidan cấp không khó phát hiện, nhiều khi bản thân người bệnh cũng tự phát hiện ra.

Tuy nhiên, nếu không phát hiện được loại viêm Amidan nguy hiểm có thể gây biến chứng toàn thân (viêm Amidan do liên cầu β tan huyết nhóm A).

Biểu hiện bệnh là mệt mỏi, kém ăn, cảm giác ớn lạnh, môi khô, lưỡi bẩn, sốt thường 39º- 40˚C, đau lan lên tai khi nuốt, giọng nói có thể thay đổi, trở nên ồm ồm, hơi thở hôi.

Khi khám họng sẽ thấy Amidan to, niêm mạc đỏ rực, ướt, có thể thấy các mạch máu nổi rõ hoặc các chấm mủ trắng ở các khe, có khi thành đám như giả mạc.

Những đợt viêm Amidan cấp kéo dài khoảng 7 - 10 ngày là khỏi. Nhưng nếu không được điều trị bệnh có thể lan xuống thanh quản, phế quản hoặc gây các biến chứng như áp xe quanh Amidan, viêm tai giữa, viêm cầu thận cấp, thấp tim, viêm khớp cấp.

Việc điều trị viêm Amidan cần căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu viêm Amidan cấp do vi khuẩn cần sử dụng kháng sinh để điều trị.

Nếu nghi ngờ viêm amiđan do nguyên nhân liên cầu ß tan huyết nhóm A, phải điều trị ngay bằng kháng sinh chống liên cầu như penniciline G và kéo dài quá trình điều trị trong 2 tuần.

Nếu viêm Amidan cấp do virus sẽ điều trị triệu chứng: hạ sốt, giảm đau, nâng cao thể trạng bằng vitamine C, thymomodulin.

3. Viêm Amidan mạn tính

Amidan được coi là viêm mạn tính khi số đợt viêm Amidan cấp trong năm trên 5 lần.

Trên bề mặt Amidan, lớp niêm mạc bị biến đổi ở trạng thái hoặc thoái hóa dạng phù nề.

Biểu hiện khi bị viêm Amidan mạn tính là hay ốm vặt, trẻ em đôi khi chậm phát triển cơ thể, hay ho húng hắng, đau rát họng, nuốt vướng như có dị vật, đau nhói lên tai khi nuốt, hơi thở hôi, ngủ ngáy đôi khi giọng nói bị thay đổi.

Khi khám thấy Amidan quá phát hoặc xơ teo, trên bề mặt Amidan có những chấm mủ như bã đậu. Vuốt dọc theo trụ trước của Amiđan thấy có mủ trắng phòi ra.

viem-va

4. Viêm V.A cấp

V.A là tên viết tắt của tổ chức Amiđan vòm mũi họng (Vegetation Adenoides). Viêm V.A cấp thường gặp ở trẻ lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo.

Trẻ bị viêm V.A chiếm một số lượng khoảng 40 - 53% tổng số trẻ đi khám bệnh tai mũi họng thường gặp mùa lạnh, giai đoạn chuyển mùa đông xuân 40 - 65%.

Với các triệu chứng của bệnh là trẻ sốt 38 - 40°C, trẻ mệt mỏi, quấy khóc, kém ăn, ăn hay nôn chớ, ngạt tắc mũi, chảy nước mũi hai bên, dịch mũi có thể trong, trắng đục hay vàng xanh, ho có thể có đờm do dịch xuất tiết từ mũi họng kích thích.

Khám thấy niêm mạc mũi họng đỏ, bề mặt có nhiều dịch nhầy. Khối V.A viêm đỏ, quá phát che lấp một phần cửa mũi sau.

Việc điều trị viêm V.A cấp tuỳ thuộc vào nguyên nhân vi khuẩn hoặc do virus mà các bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp cho trẻ.

5. Viêm tai giữa cấp tính

Viêm tai giữa cấp là hiện tượng niêm mạc của tai giữa bị xung huyết hoặc hoá mủ.

Viêm tai giữa cấp xuất hiện 80% ở lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Viêm tai giữa cấp thường bùng phát sau một đợt viêm mũi họng, viêm V.A cấp không được điều trị hoặc điều trị không đúng.

Bệnh viêm tai giữa cấp diễn biến qua ba giai đoạn:

-Giai đoạn xung huyết: Xuất hiện ngay sau viêm mũi họng 3 - 4 ngày.

• Trẻ sốt trở lại kèm theo rối loạn tiêu hoá, thường biểu hiện là ỉa chảy.

• Trẻ kêu đau trong tai, lan lên cả vùng thái dương, có thể khai thác được dấu hiệu ù tai, nghe kém ở trẻ lớn.

• Khám thấy màng tai xung huyết.

-Giai đoạn ứ mủ: Trẻ có biểu hiện sốt, đau tai tăng lên làm trẻ thường xuyên quấy khóc.

• Khám thấy màng tai căng phồng như mặt kính đồng hồ, thậm chí có những chỗ bị đẩy phồng hẳn ra giống vú bò.

+ Giai đoạn vỡ mủ: Triệu chứng toàn thân bao gồm sốt, đau tai, nghe kém và ù tai lại giảm nên bố mẹ thường tưởng là trẻ đã khỏi ốm cho đến khi nhìn thấy mủ chảy ra ngoài cửa tai.

Trẻ bị viêm tai giữa nếu không được điều trị sớm sẽ làm bệnh tiến triển nặng, mủ chảy ra ngoài cửa tai

Trẻ bị viêm tai giữa nếu không được điều trị sớm sẽ làm bệnh tiến triển nặng, mủ chảy ra ngoài cửa tai

Việc điều trị viêm tai giữa cấp tùy theo từng giai đoạn của bệnh. Ở giai đoạn xung huyết cần sử dụng kháng sinh, chống viêm, hạ sốt, giảm đau.

Ngoài ra, cần nhỏ tai bằng thuốc giảm đau. Nhỏ mũi: với các thuốc chống viêm, chống phù nề và xung huyết niêm mạc mũi

- Giai đoạn ứ mủ: phải trích rạch màng nhĩ

6. Viêm mũi xoang

Viêm xoang cũng là một trong những bệnh nhiễm trùng còn phổ biến ở các nước đang phát triển như Việt Nam, chiếm tỷ lệ 2 - 5% dân số nói chung và có xu hướng ngày càng tăng.

Viêm xoang là hiện tượng viêm niêm mạc và ứ dịch trong lòng các xoang của khối xương mặt do bít tắc các lỗ dẫn lưu từ xoang ra mũi. Viêm xoang thường phối hợp với viêm mũi.

Nguyên nhân thường do nhiễm vi khuẩn, virus, nấm, dị ứng. Một số ít do chấn thương, do cản trở cơ học của khối u, dị dạng hốc mũi (gai vách ngăn, mào vách ngăn...). Hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản.

Bệnh viêm xoang có 2 dạng là viêm xoang cấp và viêm xoang mạn tính. Trong đó, người bị viêm xoang cấp thường có biểu hiện sốt, môi khô lưỡi bẩn, đau nhức vùng sọ mặt tương ứng với xoang bị viêm như mặt trước má, trán, vùng sau gáy, ngạt tắc mũi tăng dần, chảy nước mũi trắng rồi chuyển thành vàng xanh, giảm ngửi… Khi khám thấy niêm mạc mũi đỏ, khe giữa và khe trên nhiều dịch đọng.

Còn viêm xoang mạn tính là do viêm xoang cấp tính tái diễn nhiều lần không được điều trị hoặc điều trị không đúng.

Biểu hiện chủ yếu của viêm xoang mạn tính là chảy mũi một hoặc hai bên, dịch mũi ngày một đặc lại rồi có màu vàng xanh, mùi hôi, ngạt tắc mũi tăng dần tới ngạt mũi hoàn toàn, ngửi kém từng lúc hoặc mất ngửi, đau đầu cũng là một trong những nguyên nhân làm cho người viêm xoang phải đi khám bệnh. 

Bệnh nhân bị viêm xoang hay khịt khạc, ho khan, ngứa họng... Để điều trị viêm xoang hiệu quả cần tuân thủ nguyên tắc chung là bảo đảm phục hồi được chức năng dẫn lưu và thông khí của xoang.

- Viêm xoang cấp:

+ Tại chỗ: sử dụng các thuốc co mạch, chống viêm, khô niêm mạc mũi.

+ Toàn thân: kháng sinh, chống viêm, hạ sốt, giảm đau...

- Viêm xoang mạn tính

+ Nội khoa vẫn là biện pháp điều trị cơ bản.

+ Phẫu thuật nội soi chức năng mũi xoang nếu có chỉ định.

Phòng bệnh viêm xoang bằng cách:

- Đeo khẩu trang khi làm việc trong môi trường khói bụi, hoá chất độc hại...

- Phát hiện sớm các nguyên nhân có thể gây viêm xoang để điều trị.

TS.BS Phạm Thị Bích Đào

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính