'Những đứa con nuôi kia đi học với mục đích chủ yếu là về giữ chân trong cơ quan Nhà nước. Chúng sẽ giết chết những đứa con đẻ - những sinh viên hệ chính quy - của mình...'
"Con nuôi" - những sinh viên đại học hệ tại chức
Tại chức là hình thức học không tập trung, mà vừa công tác hoặc lao động sản xuất vừa tham gia học tập. Những người theo học hệ đại học tại chức có thể tạm phân làm hai bộ phận:
Một bộ phận gồm những cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các cơ quan, đơn vị nhà nước. Phần lớn trong số họ là những người đã có bằng trung cấp, cao đẳng.
Cho nên không ít người đi học là để kiếm cái bằng đại học với mong muốn được chỉnh lương, ăn lương bậc đại học hoặc được đề bạt vào các chức vụ quản lý (mà người ta yêu cầu phải có bằng đại học); cũng có những người đi học lấy bằng chỉ để giải quyết "khâu oai"; bên cạnh số ít những người đi học với khát khao chiếm lĩnh kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của công việc.
Bộ phận còn lại là học sinh, sinh viên, công nhân,… chủ yếu là học sinh phổ thông. Những người này thì "có chức đâu mà tại"? Do vậy, mới đây người ta đã đổi cái tên "tại chức" thành "vừa học vừa làm". Rất nhiều học sinh phổ thông không đủ điểm vào đại học hệ chính quy thì vào tại chức cốt có tấm bằng đại học, còn đầu ra đã có người lo.
Có những em vì hoàn cảnh khó khăn, không có tiền để học đại học chính quy nên ban ngày lo mưu sinh, chiều tối theo học tại chức. Cũng có những em là sinh viên một trường đại học, cao đẳng khác vào ban ngày muốn kiếm một cái bằng đại học khác để dễ xin việc sau này, với tâm lý "chắc ăn", biết đâu mình lại "sống nhờ" bằng tại chức, mà nhiều sinh viên gọi là "chống cháy". Lại có những học sinh con nhà khá giả, đi học tại chức với tâm lý "đi cho biết đời sinh viên đại học", còn mọi chuyện tính sau!
"Con nuôi giết con đẻ"
Trước kia tại chức là hệ đào tạo cho những cán bộ ưu tú mà chưa có điều kiện nâng cao kiến thức, những thanh niên do hoàn cảnh chiến tranh phải "xếp bút nghiên lên đường chiến đấu" tiếp tục con đường học vấn, còn hiện nay thì loại hình này chủ yếu là để "hợp lý hóa bằng cấp" cho một số cán bộ, công chức yếu kém về trình độ kiến thức, năng lực công tác hoặc những công nhân, học sinh muốn được "đổi đời", cải thiện cuộc sống hiện tại.
"Ghế thì ít nhưng đít thì nhiều". Những "chiếc ghế" cán bộ, công chức tất nhiên là được ưu tiên cho những người đang "ngồi sẵn" trong cơ quan, đơn vị hoặc những "con ông cháu cha" mà có bằng đại học tại chức. Như thế thử hỏi những "phó thường dân" dù có bằng đại học chính quy nhưng làm sao có thể "chen chân" vào đó được?
Vì thế cho nên một vị giáo sư, chủ nhiệm khoa ở trường Đại học KHXH&NV HN đã từng than rằng: "Những đứa con nuôi kia đi học với mục đích chủ yếu là về giữ chân trong cơ quan Nhà nước. Chúng sẽ giết chết những đứa con đẻ - những sinh viên hệ chính quy - của mình. Dẫu biết như thế là bất công với con đẻ của mình. Mình thương chúng nó lắm. Bằng đẹp mà thất nghiệp nhiều. Nhưng thương thì để trong bụng vậy chứ biết làm sao bây giờ?"
Vì sao thầy lại than vậy? Chả lẽ thầy "lực bất tòng tâm"? À, đơn giản là vì hệ tại chức có những cái hay của nó!
Một đặc điểm chung của những người theo học hệ tại chức là họ có điều kiện đóng học phí. Chính vì vậy rất nhiều người coi loại hình này là "nồi cơm của các trường" và khoa tại chức là "khoa thịt chó". Không ít lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng cho rằng, hệ tại chức là "cần câu cơm" của mình.
Học phí của hệ tại chức thường gấp đôi, gấp ba học phí của hệ chính quy. Do đó số tiền thanh toán một giờ dạy tại chức sẽ cao hơn giờ dạy chính quy. Ngoài "thù lao" cao, thầy cô còn có tiền "bồi dưỡng" khi sinh viên thi cử, trốn tiết, bỏ buổi, nợ môn, làm khóa luận…
Dạy tại chức đã phong bì dày lại nhàn nhã, dễ chịu. Thế mới có chuyện các giáo viên trong khoa tranh nhau đi dạy tại chức và không "mặn mà" với việc dạy chính quy. Đấy là còn chưa kể đến việc thỉnh thoảng các thầy được sinh viên mời đi ăn, đi hát, đi chơi...
Quyết định không tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào các cơ quan nhà nước của UBND Thành phố Đà Nẵng mấy năm trước dường như đã thấu hiểu được nỗi lòng của những thầy cô có trách nhiệm với những đứa "con đẻ" đáng thương.
Quyết định đó trước hết nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của Đà Nẵng nhưng gián tiếp đã góp phần ngăn chặn tình trạng "con nuôi giết chết con đẻ" hiện nay.