Báo Điện tử Gia đình Mới

Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Hợp nhất bằng chính quy, tại chức là tiến bộ

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: 'Nếu theo học hệ tại chức nhưng việc thi cử, đánh giá chất lượng vẫn đúng với thực chất người học thì chẳng sao cả!'.

Theo dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo có 36/73 điều của Luật Giáo dục Đại học năm 2012 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất sửa đổi.

Ở Điều 6 dự thảo luật, cách gọi hình thức đào tạo chính quy và tại chức (hệ vừa học vừa làm, giáo dục thường xuyên) được chuyển thành tập trung và không tập trung.

Theo đó, hai loại hình này chỉ khác nhau phương thức đào tạo, còn chuẩn về chương trình, giáo viên, chuẩn đầu ra và văn bằng tốt nghiệp sẽ giống nhau.

Đề xuất này đang nảy sinh nhiều tranh cãi trong những ngày gần đây.

Đề cập đến vấn đề này PV Gia Đình Mới đã có trao đổi với PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học - Cao đẳng Việt Nam.

PV: Thưa ông, xin ông cho biết quan điểm của ông về đề xuất không ghi hình thức đào tạo trên văn bằng trong dự thảo luật Giáo dục Đại học (sửa đổi) đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến?

Ông Trần Xuân Nhĩ: Trước hết, về đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo tôi cho là một sự tiến bộ. Bởi vì đào tạo theo hệ chính quy hay tại chức thì cũng chỉ là phương thức đào tạo mà thôi, người có điều kiện thì học trong nhà trường, người không có điều kiện thì vừa làm vừa học.

Việc vừa làm vừa học đúng với chủ trương của cả thế giới nói chung và của nhà nước ta nói riêng. Quan điểm của Đảng và nhà nước ta là học tập suốt đời bởi vì khoa học kỹ thuật bây giờ thay đổi  liên tục nên con người phải luôn luôn học tập.

Do vậy, vấn đề quan trọng ở đây là bằng cấp chỉ là một phần thôi, quan trọng là kiến thức học xong có thể làm được những việc gì.

PV: Trước dự thảo trên nhiều người e ngại là nếu không ghi hình thức đào tạo trên văn bằng có thể sẽ tạo nên trào lưu ồ ạt học đại học tại chức, ông nhận định ra sao về e ngại này thưa ông?

Ông Trần Xuân Nhĩ: Tôi thấy chẳng có gì e ngại ở đây cả, nếu như ai có nhu cầu theo học theo hình thức nào thì họ đăng ký theo học hình thức đó thôi.

Vấn đề vẫn là thi cử, đánh giá chất lượng người học. Nếu theo học hệ tại chức nhưng việc thi cử, đánh giá chất lượng vẫn đúng với thực chất người học thì chẳng sao cả.

Do vậy, vấn đề còn ở chỗ là trách nhiệm của những người tổ chức dạy tại chức phải là hết sức nghiêm túc.

Bởi bây giờ đang có một hiện tượng là học hệ tại chức là ‘thế này thế kia’ là thầy cho qua, bản thân cái sai là ở chỗ người thầy.

Vì vậy, bây giờ ta nên tập trung giáo dục tư tưởng cho những người thầy và phải có những chế tài cho những người thầy đi giảng dạy phải nghiêm túc.

Mà muốn như vậy thì người Hiệu trưởng phải làm nghiêm túc thì người thầy giảng dạy không thể làm qua loa được.

Song song với đó cũng cần có những chế tài, kiểm tra việc đi học của người học. Bởi hiện nay vẫn còn tình trạng học hộ, thi hộ rất nhiều.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học - Cao đẳng Việt Nam.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học - Cao đẳng Việt Nam.

PV: Hiện nay, nhiều người lo ngại rằng với đề xuất này liệu có phản ánh đúng chất lượng đào tạo, ông nghĩ sao về vấn đề này thưa ông?

Ông Trần Xuân Nhĩ: Theo tôi, chất lượng đào tạo nằm ở khung trình độ. Trong khung trình độ có nêu rõ yêu cầu người học phải đạt được và yêu cầu của từng năm học, nếu ai đạt được khung trình độ đó thì hệ chính quy hay hệ tại chức đều giống nhau.

Tôi lấy ví dụ về trình độ Ngoại Ngữ, khi tốt nghiệp trường thì người học phải đạt trình độ TOEFL là 5.0, thì với những người học tại chức dù học thế nào nhưng kết quả họ vẫn phải đạt được trình độ đó để ra trường.

Vấn đề quan trọng ở đây là chúng ta phải có chế tài về mặt giảng dạy phải nghiêm túc. Bởi bất kỳ ai, dù là chính quy hay tại chức đều có khung trình độ chung, người học phải đạt được trình độ kiến thức đó mới ra trường được.

Thêm vào đó nữa, các cơ quan khi tuyển dụng nhân viên nên có một bộ công cụ kiểm tra đánh giá năng lực từng người trước khi tuyển dụng như vậy thì người lao động dù có học chính quy hay tại chức thì chỉ cần có đủ kiến thức sẽ được tuyển dụng.

PV: Thưa ông, vậy thì có thể hiểu rằng, trước khi thực hiện việc không ghi hình thức đào tạo trên văn bằng thì Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cải thiện chất lượng giáo dục trước đúng không?

Ông Trần Xuân Nhĩ: Đúng là như vậy, chất lượng giáo dục cần phải được cải thiện và vấn đề là phải giáo dục cho cán bộ giảng dạy và người quản lý phải đánh giá chất lượng người học phải rất nghiêm túc kể cả chính quy hay tại chức.

Nếu chúng ta làm nghiêm túc như vậy thì tự khắc người học sẽ đạt chuẩn như nhau và có chất lượng như nhau thôi.

Xin cảm ơn ông!

Ngọc Nga/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO