Tôi thấy thương, thật thương những đứa trẻ phải “chịu” những bố mẹ có… độc. Thương hơn là nhiều bố mẹ có “độc” mà không biết.
Thực ra con ai người nấy dạy. Thật khó để bảo cha mẹ phải dạy con họ thế nào mới là đúng. Nhưng tôi thấy thương, thật thương những đứa trẻ phải “chịu” những bố mẹ có… độc.
Thương hơn là nhiều bố mẹ có “độc” mà không biết. Nên bài viết này ra đời như thế. Để giảm bớt đi bao nhiêu bố mẹ có độc thì tăng thêm nhiều hơn những đứa trẻ hạnh phúc. Và con cái của chính tôi cũng sẽ được chơi cùng những đứa trẻ hạnh phúc
Loại bố mẹ có độc đầu tiên mà nhiều bậc phụ huynh, cha mẹ của chính chúng ta vẫn thường hay mắc phải: Coi con cái như là cái… thớt.
Giận cá là chém thớt. Ở cơ quan bị sếp chửi mắng không dám bật lại nên về trút vào con cái. Ra đường bị kẻ mạnh hơn bắt nạt, về nhà sẵn bực bội mà ném bừa vào con.
Con mình mà, mình đẻ ra nó mà, mình muốn làm gì nó chả được. Những đứa trẻ luôn phải nhìn cảm xúc của cha mẹ là những đứa trẻ bất hạnh.
Cứ bố mẹ vui thì không sao, bố mẹ buồn bực là no đòn, no chửi mắng. Những đứa trẻ không hạnh phúc nổi khi bố mẹ chúng không hạnh phúc.
Chúng vô tội nhưng chúng lại là của nợ trong mắt bố mẹ. Nhiều đứa trẻ chuyển sang bạo hành, bắt nạt chính bạn bè của chúng.
Hoặc đáng thương hơn, chúng trở thành nạn nhân câm lặng của chính những bạo lực học đường vì quen nhẫn nhịn, quen bị đối xử tàn tệ rồi.
Loại bố mẹ có độc thứ hai cũng có nhiều trong cuộc sống hiện đại hôm nay: Coi con cái như tấm huy chương của cha mẹ.
Bao nhiêu cha mẹ cho con vào cái gọi là trường quốc tế để… thể hiện đẳng cấp của mình chứ không phải theo sự phù hợp cho con mình?
Ừ thì quẳng ra cả mấy trăm triệu đóng học cho con thì nó phải tốt hơn những trường công chứ. Nhưng nó có thực sự phù hợp với con hay không thì nhiều người không quan tâm.
Những cha mẹ coi con cái như huy chương sẽ luôn chỉ muốn thấy con mình sang hơn con người. Kêu không đòi hỏi con phải học giỏi nhưng lại kín lịch học thêm cho con. Kêu không quan tâm đến thành tích của con nhưng con mà học kém là dữ dằn với con ngay.
Những cha mẹ đòi hỏi con phải lấp lánh để “đeo” con trên miệng, khoe con vì chính sĩ diện của bản thân mình. Bao nhiêu đứa trẻ chịu áp lực như thế? Áp lực trở thành ngôi sao của lớp, của trường để bố mẹ có thể đi khoe.
Kiểu bố mẹ có độc thứ ba là kiểu hơi… bệnh: Muốn con phải khổ để biết phấn đấu.
Nên bắt con phải sống kiểu… nhà nghèo trong khi bố mẹ thì toàn đồ hiệu. Suốt ngày dạy con: “Nhà mình nghèo lắm con ạ!” nhưng đưa con đi học bằng xe sang, ở biệt thự hoặc chung cư cao cấp.
Tệ nhất là không bao giờ khen con. Hà tiện lời khen với con vì sợ khen nhiều nó chủ quan. Bắt con tự lập nên con buồn hay tủi thân cũng chỉ biết giữ trong lòng không dám chia sẻ với cha mẹ vì cha mẹ muốn con tự lập.
Đứa trẻ không học được gì từ những khắc khổ đó ngoài sự cô độc, cảm giác tự ti thua kém bạn bè. Chưa kể nếu nó đủ hiểu biết, nó sẽ nghĩ thầm trong bụng về sự dối trá của cha mẹ. Chúng không biết cha mẹ muốn chúng sẽ gian nan khổ luyện thành mà chỉ thấy vô lý.
Kiểu bố mẹ có độc thứ tư, thứ năm, thứ sáu… Nhiều lắm! Như những câu đùa vô tâm khiến con tổn thương vì luôn nghĩ: Trẻ con thì biết cái gì.
Như mỉa mai con khi con thất bại mà cho rằng đó là… khích tướng. Như dạy dỗ con kẻ cả khi con hỏi “Bố ơi, cái này làm thế nào?” liền đáp: “Có thế mà không biết. Mày ăn gì mà ngu lâu thế hả con?” trong khi hoàn toàn có thể cùng con học lại một lần nữa cách làm hoặc giúp con bằng những gợi ý.
Như mất kiểm soát cảm xúc trước con. Tức lên là chửi mắng đánh đập. Cáu lên là quát một thôi một hồi. Con ngồi chơi không là ngứa mắt phải mắng cho một cái….
Bố mẹ có độc đôi khi vì bố mẹ lặp lại cách làm phụ huynh trước đây của chính bố mẹ mình. Mà quên rằng hồi đó, khi mình đang làm con, mình đã đớn đau ra sao khi bị đối xử như thế. Mà quên rằng, con cái không phải là thứ mình muốn làm gì nó thì làm.
Hôm nay, bố mẹ đã thải độc trong mình trước khi gặp con chưa?
Nhà văn Hoàng Anh Tú