Ung thư đại trực tràng có thể phòng ngừa thông qua thói quen ăn uống lành mạnh, hạn chế các thực phẩm gây hại cho đường tiêu hóa.
TS.BS Nguyễn Tiến Quang, Phó giám đốc Bệnh viện K cho biết, tại Việt Nam, năm 2000, số ca mắc mới ung thư đại trực tràng ở cả 2 giới là 5.400 ca, đến năm 2010 là hơn 13.000 ca và đến năm 2018 đã tăng lên gần 15.000 ca, gấp gần 3 lần trong vòng 18 năm, trong đó có gần 9.300 ca tử vong.
Ung thư đại trực tràng hiện đang xếp thứ 5 trong số các ung thư phổ biến nhất Việt Nam, đứng sau ung thư gan, ung thư phổi, ung thư dạ dày và ung thư vú.
Theo bác sĩ Quang, sở dĩ ung thư đại trực tràng ở nước ta cũng như nhiều nước đang phát triển tăng nhanh do liên quan trực tiếp đến lối sống, chế độ ăn.
Người dân dần thích nghi với lối sống của phương Tây, trong đó béo phì, ít vận động, tiêu thụ nhiều thịt đỏ, ăn ít trái cây và rau xanh, nạp nhiều chất béo, thức ăn nhanh, uống nhiều rượu, hút thuốc lá... là những yếu tố nguy cơ gia tăng tỉ lệ mắc bệnh.
Ung thư đại tràng có thể phòng tránh được thông qua thói quen ăn uống lành mạnh và sinh hoạt khoa học như:
Đây là một trong những cách tốt nhất để phòng tránh ung thư. Polyp tiền ung thư thường không biểu hiện triệu chứng, có thể được tìm thấy qua nội soi đại tràng vài năm trước khi ung thư xâm lấn phát triển.
Kiểm tra sàng lọc cũng tìm thấy được polyp tiền ung thư và cắt bỏ trước khi nó trở thành ung thư. Đây được xem là cách phòng bệnh cụ thể nhất.
Các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt cừu) được xem là có liên quan mật thiết đến ung thư đại tràng. Ăn thịt đỏ khoảng 160g/ngày hoặc chế độ ăn với thịt đỏ quá 5 lần/tuần có nguy cơ ung thư cao gấp 3 lần chế độ ăn lành mạnh. Vậy nên cần hạn chế thịt đỏ trong chế độ ăn uống hàng ngày.
Thực phẩm chế biến dưới hình thức chiên, nướng hay thực phẩm chế biến sẵn như thịt xông khói, dăm bông, xúc xích, chất đạm trong các thực phẩm dạng này sẽ làm tăng yếu tố sinh ung thư, còn mỡ sẽ bị chuyển hóa bởi vi khuẩn trong lòng ruột, làm tăng sản các tế bào biểu mô bất thường và phát triển thành ung thư.
Ăn nhiều thịt, mỡ, đạm, ít chất xơ dễ dẫn đến béo phì và có nguy cơ cao gây ung thư đại tràng, nên cần thay đổi chế độ ăn khoa học hơn để phòng bệnh.
Dưa, cà muối là những món ăn quen thuộc trên mâm cơm của nhiều gia đình. Tuy nhiên, việc ăn dưa, cà muối kéo dài triền miên từ ngày này qua ngày khác sẽ làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Bởi dưa muối, cà muối ngoài việc có độ mặn cao, không tốt cho người có bệnh lý mãn tính cần ăn nhạt thì còn có chứa hàm lượng nitrat cao khi đi vào dạ dày, nitrit dưới sự tác động của môi trường trong dạ dày sẽ tiến hành kết hợp với các acid amin trong những thực phẩm khác (tôm, cá, mắm tôm…) và trở thành nitrosamine.
Chất nitrosamine là tác nhân gây nên nhiều loại ung thư trong đó có ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng. Vì vậy, với nhiều người có tiền sử mắc bệnh tiêu hóa, đường ruột nên dừng thói quen ăn uống này trước khi quá muộn.
Thường xuyên ăn các thức ăn chứa nhiều chất xơ như rau xanh, hoa quả sẽ giúp làm giảm nguy cơ này vì chất xơ giúp gia tăng tiêu thụ acid folic, gia tăng kết hợp chất xơ với các yếu tố sinh ung thư dẫn đến việc loại khỏi lòng ruột sớm vì giảm thời gian ứ đọng phân.
Ngoài ra, chất xơ làm giảm pH trong lòng đại tràng và tăng sản xuất các acid béo chuỗi ngắn và yếu tố vi lượng chống hiện tượng ôxy hóa.
Các loại nước uống chứa cồn như bia, rượu làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng. Bên cạnh đó, thuốc lá cũng được biết đến như là những “sát thủ” của bệnh lý tim mạch hay ung thư phổi.
Gần đây thuốc lá được công nhận là những yếu tố nguy cơ rất quan trọng gây ung thư đại tràng cho cả hai giới, nhất là khi kết hợp với rượu bia.
Hoạt động thể lực, vận động hay luyện tập thể dục hàng ngày sẽ làm giảm nguy cơ mắc ung thư đại tràng.
Quan trọng nhất là không nên bỏ qua việc tầm soát phát hiện sớm căn bệnh ung thư đại trực tràng 6 tháng/lần tại các cơ sở chuyên khoa uy tín, bởi ung thư đại trực tràng hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu được phát hiện và điều trị kịp thời.