Kiến ba khoang không đốt người mà độc tố pederin (mạnh gấp 12-15 lần nọc rắn hổ) giải phóng ra khi bị chà xát gây viêm da, bỏng da. Tuy nhiên nếu biết sơ cứu đúng cách, những tổn thương trên da sẽ dịu đi nhiều.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố pederin, độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn. Kiến ba khoang không đốt người nhưng chất độc trong cơ thể kiến giải phóng ra khi bị tác động, chà xát hoặc bị giết có thể làm tổn thương da người như bỏng da, viêm da.
Viêm da do kiến ba khoang thường xuất hiện ở vùng hở trên cơ thể như mặt, cổ, ngực, gáy, vai, tay. Bệnh nhân có cảm giác rát bỏng tại chỗ, thương tổn trên diện rộng có thể gây sốt nhẹ, nổi hạch lân cận.
Nhiều người thắc mắc bị kiến ba khoang đốt bao lâu thì khỏi, có nguy hiểm không?
Khi tiếp xúc với độc tố của kiến ba khoang, trong vòng 24 giờ đầu, bạn sẽ thấy xung quanh vùng da bị đốt sưng và ngứa nghiêm trọng. Sau 2-3 ngày, các vùng da tiếp xúc sẽ đỏ dần và sưng phình ra, đồng thời xuất hiện các mụn nước nhỏ như mụn nước khi bị phỏng. Sau đó mụn nước sẽ vỡ ra và tụ lại tạo thành dạng vết thương như vết bỏng. Sau đó các vết vảy xuất hiện, hầu hết các triệu chứng bắt đầu dần hồi phục sau 10 ngày- 2 tuần.
Trong trường hợp, bạn đè lên cơ thể kiến, sau đó tiếp xúc với huyết tương của chúng (chất dịch cơ thể hoặc máu), lúc này độc tố paederin sẽ khiến vùng da tiếp xúc có thể chuyển thành các đốm đen. Nếu bạn dùng bàn tay đã chạm phải chất độc của kiến ba khoang dụi mắt sẽ khiến cho mắt bị sưng tấy, đỏ và nhiều biến chứng khác.
Ngoài ra, các vùng da do kiến ba khoang đốt có thể phát triển thành đợt nhiễm khuẫn thứ hai- dạng nhiễm khuẩn da.
Khi bị kiến ba khoang đốt sẽ xuất hiện tổn thương da, da bị nổi mụn phồng rộp như vết bỏng.
Nhiều người lo lắng chất dịch vàng trong vỡ ra từ mụn nước do tiếp xúc với độc tố của kiến ba khoang sẽ lây lan trên da và lây cho người khác. Tuy nhiên, theo bác sĩ, chất dịch vàng đó chính là huyết thanh của cơ thể, không lây cho người khác.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, để phòng ngừa bị kiến ba khoang và các loại côn trùng khác đốt, trong nhà nên chuẩn bị sẵn 3 loại thuốc: Cồn 70 độ, mỡ corticoid và kem phenaegan.
Khi bị tiếp xúc với độc tố hoặc bị kiến ba khoang đốt, hãy xử lý theo cách sau:
Rửa sạch vùng tổn thương và dùng nước muối sinh lý rửa nhẹ nhàng để làm sạch chất độc trên da.
Bôi mỡ corticoid 4-6 lần một ngày để tránh phồng rộp, làm mát da. Sau đó, bôi kem phenaegan 8-10 lần một ngày.
Nếu tổn thương vùng quanh mắt do kiến ba khoang, nên rửa bằng nước muối 9%, sau đó bôi mỡ kháng sinh tra mắt: mỡ tetraxyclin, cloroxitH.
Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Văn Thường- Giám đốc Bệnh viện Da Liễu Trung Ương khuyên, người bị tổn thương da do kiến ba khoang không tự ý mua thuốc điều trị, bệnh nhân phải dùng thuốc giảm viêm, phù nề và ngứa. Sau đó dùng kháng sinh hoặc thuốc có corticoid để chống nhiễm trùng và viêm. Một liệu trình có thể từ 7-10 ngày, thậm chí 3 tuần.
Điều trị theo Đông y, Thạc sĩ, lương y Vũ Quốc Trung cho hay, các vết đốt do kiến ba khoang có chứa axit nên có thể dùng các dung dịch kiềm như nước vôi bôi ngoài da để trung hòa. Nếu chất độc đã ngấm vào cơ thể thì phải dùng thuốc điều trị.
Kiến ba khoang có tên khoa học là Paederus fuscipes, thuộc Họ Staphilinidae (cánh cụt), bộ Cánh cứng. Loài côn trùng này có thân mình thon, dài như hạt thóc (dài 1-1,2 cm, ngang 2-3mm), có hai màu đỏ và đen, nhìn giống con kiến; do đó, người ta hay gọi với nhiều tên gọi khác nhau như kiến hoang, kiến kim, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong,...
Kiến ba khoang bay và chạy rất nhanh. Kiến ba khoang thường sống ở các ruộng lúa, cỏ mục, vườn cây, bãi rác thải, công trình đang xây dựng, xuất hiện nhiều vào mùa mưa, khi độ ẩm cao...
Kiến ba khoang ưa thích ánh sáng đèn ban đêm nên bay vào trong nhà theo ánh đèn, đậu vào quần áo, khăn mặt, giường chiếu, chăn màn...