Bị kiến ba khoang đốt: Cách phòng ngừa và xử lý đơn giản, hiệu quả nhất

Kiến ba khoang đốt rất nguy hiểm nếu không biết cách xử lý kịp thời. Bị kiến ba khoang đốt có dấu hiệu thế nào, phải bôi thuốc gì, xử lý vết cắn ra sao và cách phòng tránh kiến ba khoang hiệu quả nhất?

Bị kiến ba khoang đốt có dấu hiệu gì?

Đặc điểm lâm sàng bị viêm da do kiến ba khoang đốt

- Viêm da thường xuất hiện ở vùng hở như mặt, cổ, ngực, vai, gáy, tay.

- Tổn thương cơ bản có dạng dát đỏ, thành vệt, thành đám, theo chiều tay quệt, nền hơi cộm, trên có mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ li ti ở giữa, có vùng hơi lõm màu vàng nâu, hình tròn hoặc bầu dục.

- Thương tổn tiếp tục xuất hiện dù không còn sự hiện diện của kiến ba khoang nếu trẻ ngứa gãi quệt ra vùng da lành, đặc biệt là các vùng nếp gấp.

- Bệnh nhi bị kiến ba khoang đốt sẽ có cảm giác rát bỏng tại chỗ, thương tổn trên diện rộng trẻ có thể sốt nhẹ, nổi hạch lân cận.

Tiến triển của viêm da do kiến ba khoang đốt

- Sau khi tiếp xúc với kiến ba khoang, người bệnh cảm giác râm ran.

- 6-8 giờ sau xuất hiện ban đỏ, dát đỏ.

- 12-24 giờ tiếp theo xuất hiện thương tổn điển hình, vùng da bị đốt sưng và ngứa nghiêm trọng.

- Sau 2-3 ngày, các vùng da tiếp xúc với kiến ba khoang sẽ đỏ dần và sưng phình ra, đồng thời xuất hiện các mụn nước nhỏ như mụn nước khi bị phỏng. Lúc này, các vùng da quanh các khớp nơi đè trúng kiến ba khoang sẽ hình thành tổn thương đối xứng.

- Sau 3-5 ngày thương tổn bắt đầu đỡ rát bỏng, bong vảy.

- Sau 7-10 ngày vảy bong hết nhưng để lại vết thâm lâu mất.

Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, các vùng da bị kiến ba khoang đốt có thể phát triển thành đợt nhiễm khuẫn thứ hai- dạng nhiễm khuẩn da. Ngoài ra, vùng da tiếp xúc có thể chuyển thành các đốm đen.

Tình trạng này còn được gọi là “mắt kiến ba khoang”, xuất hiện do bạn đè lên cơ thể kiến, sau đó tiếp xúc với huyết tương của chúng (chất dịch cơ thể hoặc máu).

Chất dịch trong cơ thể chúng chứa một loại độc tên là paederin – độc tố được cho là độc hơn nọc rắn hổ mang. Nếu bạn dùng bàn tay đã chạm phải chất độc của kiến ba khoang dụi mắt sẽ khiến cho mắt bị sưng tấy, đỏ và nhiều biến chứng khác.

Bị kiến ba khoang đốt phải làm sao?

bi-kien-ba-khoang-dot-giadinhmoi

Theo BS. Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, khi bị côn trùng đốt, nhất là với kiến ba khoang, cần nhanh chóng tiến hành xử lý vết đốt để tránh da bị tổn thương nặng.

Để xử lý khi bị kiến ba khoang đốt, trong mỗi gia đình cần có cồn 70 độ, mỡ corticoid và kem phenaegan. Khi chẳng may bị kiến ba khoang hoặc côn trùng đốt, nếu sơ cứu đúng cách thì những tổn thương trên da sẽ dịu đi rất nhiều. Cụ thể, khi bị kiến ba khoang đốt cần:

1. Dùng cồn 70 độ rửa sạch vùng da bị thương tổn do bị kiến ba khoang đốt để giúp giảm khó chịu do tổn thương trên da. Với vết thương do kiến ba khoang đốt, nếu rửa kỹ sẽ giảm đáng kể tình trạng nổi bọng nước do nọc độc của loài kiến này.

2. Bôi mỡ corticoid (4-6 lần một ngày).

3. Bôi kem phenaegan (8-10 lần một ngày). Chú ý khi bôi thuốc phải miết mạnh ở vùng da bị đốt đến khi thuốc khô, thẩm thấu thuốc sẽ tốt hơn.

Cách xử trí khi phát hiện kiến ba khoang

Nếu nhìn thấy kiến ba khoang bám trên người, hay quần áo, đồ đạc trong nhà, không nên dùng tay “giết chết”, chà xát chúng mà nên thổi chúng ra xa, hoặc để một tờ giấy vào cho nó bò lên và lấy nó ra khỏi người.

Rửa vùng tiếp xúc bằng nước sạch và xà phòng, sau đó dùng thuốc sát trùng nhẹ.

Nếu bạn lỡ tay đập hoặc chà xát chúng trên da thì phải nhanh chóng rửa sạch nơi nơi tiếp xúc để hạn chế chất độc. Bởi lẽ, trong dịch cơ thể của kiến ba khoang có chứa pederin - một loại chất độc gây rộp, phỏng da, viêm da.

Khi da người tiếp xúc vào chất tiết của chúng qua những vật dụng nào đó hoặc vô ý đập làm cho chúng chết trên da thì chất độc theo dịch cơ thể chúng tiết ra ngoài, dính vào da người, gây bệnh ngay tại vùng da đó...

Khi dính vào da tay, nếu không rửa sạch tay ngay thì vô tình sẽ làm chất độc dính vào chỗ khác trên cơ thể gây viêm da lan toả.

Kiến ba khoang là kiến gì?

Kiến ba khoang la loài kiến có cánh (Nairobi fly) rất phổ biến ở các vùng có khí hậu ẩm ướt.

Kiến ba khoang có thân hình thon, dài như hạt thóc (dài khoảng 0,7 - 1cm, ngang 2 - 5mm), có 3 đôi chân, bụng có đốt, thon nhọn về đuôi. Loài kiến có đôi cánh trong suốt gấp gọn bên dưới cánh cứng, tuy nhiên chúng hiếm khi bay và bò rất nhanh.

Kiến ba khoang có đầu và bụng dưới màu đen, trong khi ngực và bụng trên lại có màu đỏ, vùng trên giữa phát quang ngũ sắc, óng ánh màu xanh, đính kèm đôi cánh cứng (elytra).

Đầu kiến ba khoang nhỏ, có hai râu đơn chia đốt mở rộng về phía trước. Có một cái đầu đen, sau bụng và elytra (cấu trúc này bao gồm các cánh và 3 phân đoạn bụng đầu tiên), và một phần ngực màu đỏ và phía trước bụng trong một xen kẽ màu đen - đỏ - đen - đỏ - đen, tương ứng với đầu - ngực – elytra - trước bụng - sau bụng.

Cách phòng tránh kiến ba khoang

Để phòng chống kiến ba khoang, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, nếu có sự hiện diện của kiến ba khoang trong khu vực, nên thay đèn huỳnh quang bằng đèn có ánh sáng màu vàng, vì kiến ba khoang rất thích ánh sáng đèn huỳnh quang.

Tránh đứng dưới bóng đèn sáng nơi công cộng, chú ý khi làm việc dưới ánh đèn vì kiến ba khoang rất hay xuất hiện ở nơi có đèn sáng.

Ngăn cản kiến ba khoang vào nhà bằng cách:

+ Sử dụng lưới các cửa sổ và cửa ra vào, hạn chế mở cửa nhiều.

+ Ngủ trong màn.

+ Vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh nhà, vì đây là nơi trú ẩn tốt cho kiến ba khoang.

+ Giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dùng.

Mai Chi

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính