Sản phụ Lành Thị N. (20 tuổi, Chợ Đồn, Bắc Kạn) và con trai Bế Ngọc Đ. đã được các bác sĩ của bệnh viện Bạch Mai cứu sống trong một kíp mổ đặc biệt với sự phối hợp hiệu quả của liên Khoa Sản - Nhi - Tim mạch - Hồi sức tích cực - Gây mê hồi sức.
PGS.TS Trương Thanh Hương, Phòng Q2 Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai - Người trực tiếp tham gia chỉ đạo ê - kíp cấp cứu liên khoa Sản - Nhi - Viện Tim mạch cho biết: Khoảng 10h ngày 21/12/2017, Phòng Q2 đã tiếp nhận bệnh nhân Lành Thị N. (SN 1997, quê ở Chợ Đồn, Bắc Kạn) mắc bệnh tim bẩm sinh giai đoạn muộn vào viện trong tình trạng hết sức nguy kịch.
Bệnh nhân có tiền sử tim bẩm sinh từ khi 14 - 15 tuổi, thông liên thất rộng phần quanh màng, Shunt 2 chiều, tăng áp lực động mạch phổi nặng nhưng không được tư vấn, điều trị.
Khi nhập viện bệnh nhân mang thai tuần 28 (lần 1 bị thai lưu khi được 4 tháng). Trước đó 1 ngày, bệnh nhân xuất hiện ho ra máu đỏ tươi, số lượng nhiều. Do tăng áp lực động mạch phổi nặng, bệnh nhân ho ra máu thường xuyên. Triệu chứng này tăng lên khi tuổi thai ngày càng lớn dần, tiên lượng rất nặng nề cho cả mẹ và con.
Một cuộc hội chẩn toàn bệnh viện nhanh chóng được tổ chức dưới sự chủ trì của GS.TS Mai Trọng Khoa để xác định hướng xử trí phù hợp đạt mục tiêu cứu mẹ, sau đó là cứu con.
Sau khi kết thúc hội chẩn, 14h chiều cùng ngày bệnh nhân được tiến hành mổ cấp cứu lấy thai. Cuộc phẫu thuật thành công, thai phụ ổn định, tự thở, tình trạng ho ra máu đỡ, áp lực động mạch phổi giảm so với trước khi phẫu thuật.
Thai phụ được tiếp tục theo dõi và điều trị tại Khoa hồi sức tích cực. Và chỉ sau hồi sức 1 ngày, bệnh nhân tiến triển tốt và được chuyển lại về phòng Q2 - Viện Tim Mạch để tiếp tục theo dõi và điều trị bệnh tim bẩm sinh. Sau 3 tuần tuần điều trị, sức khỏe của sản phụ Lành Thị N. dần ổn định và được xuất viện ngày 12/1.
Còn thai nhi là một bé trai nặng 1,2 kg đã được chuyển ngay tới phòng Hồi sức sơ sinh của Khoa Nhi để hồi sức và kiểm soát theo chế độ của trẻ sơ sinh non, yếu có nguy cơ cao.
Bác sĩ Đỗ Tuấn Anh, người trực tiếp điều trị cho bé chia sẻ: Tại khoa Nhi, bé được cách ly, nuôi dưỡng trong lồng ấp, được thở máy, tiếp tục hồi sức tích cực nhưng cháu bé luôn trong tình trạng rất nặng và phức tạp.
Tuy nhiên, sau 8 ngày điều trị tại Phòng Sơ sinh với chế độ chăm sóc đặc biệt, tận tình của các bác sĩ, đến ngày 5/1 cháu đã được ra khỏi lồng ấp, tự bú qua bình được 10 ml/bữa.
Ngày 12/1, sức khỏe của cháu ổn định và tiến triển tốt, cháu có thể tự bú được 25 ml sữa/bữa. Hơn nữa, cháu bé đã được khám sàng lọc tim bẩm sinh ngay ngày thứ 2 điều trị, kết quả là bé không mắc tim bẩm sinh.
Đánh giá về ca bệnh này, bác sĩ Trần Hải Yến, Trưởng phòng Q2, Viện Tim mạch nhấn mạnh: Trong những trường hợp như thế này, việc tiên lượng, khẩn trương đưa ra hướng xứ trí kịp thời và phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa các chuyên khoa để cấp cứu cho người bệnh là vô cùng quan trọng.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo tất cả các thai phụ đều nên đăng ký khám sàng lọc tim bẩm sinh cho cả mẹ và con theo sự tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ, đặc biệt ở những thai phụ có tiền sử tim bẩm sinh thì chỉ định đó là bắt buộc.