Em bé có trái tim ngoài lồng ngực sống sót kỳ diệu sau ca phẫu thuật tái cấu trúc tim

Hành trình của em bé kỳ diệu này khiến nhiều người không khỏi ngưỡng mộ.

Bé Vanellope Hope Wilkins, em bé may mắn và dũng cảm sóng sót qua cuộc phẫu thuật tái cấu trúc tim - Nguồn: CNN

Bé Vanellope Hope Wilkins, em bé may mắn và dũng cảm sóng sót qua cuộc phẫu thuật tái cấu trúc tim - Nguồn: CNN

Bé Vanellope Hope Wilkins 3 tuần tuổi đã được một êkip gồm 50 bác sỹ đỡ đẻ vào ngày 22/11 vừa qua ở Bệnh viện Glenfield Hospital, Leicester, Anh.

Sinh ra với hội chứng lạc vị tim, một trường hợp hiếm khiến một phần hoặc toàn bộ trái tim nằm ngoài cơ thể, bé đã thực hiện ba cuộc phẫu thuật phức tạp để đưa trái tim vào trong lồng ngực. Hiện giờ bé đang trong quá trình hồi phục.  

Mẹ bé, chị Naomi Findlay tâm sự: ‘Tôi đã chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất, đó là cách tôi đối mặt với điều này.

Niềm hạnh phúc của chị Naomi và anh Dean khi được gặp con - Nguồn: People

Niềm hạnh phúc của chị Naomi và anh Dean khi được gặp con - Nguồn: People

Tôi thậm chí còn mang theo một bộ quần áo để con mặc khi mất. Tôi thực sự nghĩ con bé sẽ không vượt qua được nhưng các bác sỹ ở Glenfield thật tuyệt vời’.

Bác sỹ Frances Bu'Lock, chuyên gia tư vấn Khoa Tim mạch ở Đại học Glenfield cho biết: ‘Tôi đối mặt với các ca bệnh tim ở trẻ em hàng ngày, nhiều ca vô cùng phức tạp.

Tuy nhiên, đây là lần thứ hai tôi gặp trường hợp như vậy trong 30 năm theo nghề, hội chứng này cực kỳ hiếm. Vanellope là em bé đầu tiên sống sót sau khi được phẫu thuật tái cấu trúc ở Anh.’

Họa vô đơn chí

Bác sỹ Frances Bu'Lock, chuyên gia tư vấn đồng hành cùng gia đình bé Venellope - Nguồn: Shropshire Star

Bác sỹ Frances Bu'Lock, chuyên gia tư vấn đồng hành cùng gia đình bé Venellope - Nguồn: Shropshire Star

Siêu âm khi Vanellope được 9 tuần tuổi cho thấy, trái tim và một phần ruột của em bắt đầu phát triển bên ngoài cơ thể.

Khi được 16 tuần, mẹ bé siêu âm lại và thấy ruột non của bé đã trở về vị trí đúng, trong khi trái tim vẫn nằm ngoài cơ thể.

Sau khi làm xét nghiệm máu, các bác sỹ khẳng định bé ít có nguy cơ bất thường bộ nhiễm sắc thể, vì vậy bố mẹ bé, chị Naomi Findlay và anh Dean Wilkins quyết định chiến đấu vì sự sống của con.

Bác sỹ Bu'Lock, ngược lại, không lạc quan về điều này: ‘Có quá nhiều khó khăn – cô bé có thể gặp nhiều vấn đề về nội tạng khác. Cơ hội sống sót của bé quá thấp’.

Trong nhiều trường hợp, khi phát hiện thai nhi dị tật từ trong bụng mẹ, người mẹ sẽ bỏ thai, nếu không con dễ có nguy cơ chết yểu, bị nhiễm trùng hoặc gặp phải nhiều khuyết tật liên quan.   

Phép màu của các bác sỹ

Trái tim nằm ngoài cơ thể của Venellope - Nguồn: Daily Mail UK

Trái tim nằm ngoài cơ thể của Venellope - Nguồn: Daily Mail UK

Bốn nhóm bác sỹ của Bệnh viện Glenfield lên lịch đỡ đẻ Vanellope vào ngày 22/11 bằng cách mổ để giảm nguy cơ nhiễm trùng cũng như làm tổn thương trái tim của em.

Sau khi sinh ra, Vanellope được đặt trong một túi nhựa vô trùng và giữ độ ẩm cho các tế bào bên ngoài cơ thể.

Bác sỹ chuyên khoa sơ sinh Jonathan Cusack cho biết: ‘Vanellope sinh ra khỏe mạnh. Cô bé khóc rất to và ổn định nhanh, trái tim đập đều.

Trong khoảng 50 phút đầu, có cảm giác tình trạng cô bé đủ tốt để ngay lập tức làm phẫu thuật đưa trái tim vào trong cơ thể’.

Mặc dù dị tật trên ngực Vanellope không lớn, các bác sỹ vô cùng lo ngại về việc đặt trái tim vào đúng chỗ để đảm bảo nó được nối chuẩn xác với các mạch máu.

Sau khi được sinh ra, bé Venellope được đặt trong túi nhựa để tránh nhiễm trùng và giữ ẩm cho các tế bào nằm ngoài cơ thể - Nguồn: Daily Mail UK

Sau khi được sinh ra, bé Venellope được đặt trong túi nhựa để tránh nhiễm trùng và giữ ẩm cho các tế bào nằm ngoài cơ thể - Nguồn: Daily Mail UK

Bác sỹ Bu'Lock phát biểu: ‘Sau 3 cuộc phẫu thuật, trái tim của Vanellope đã ở đúng vị trí và tình hình của em đang khả quan hơn’.

Tuy nhiên, con đường hồi phục của em vẫn còn dài và em cần ở lại bệnh viện ít nhất vài tuần nữa để theo dõi.

Được biết, số ca lạc vị tim đã hiếm nhưng trường hợp của Vanellope còn lạ thường hơn. Thông thường, những trẻ em như Vanellope có nhiều dị tật bẩm sinh ở tim và các cơ quan khác còn em thì không.

Bố của Vanellope, anh Dean Wilkins cho biết: "Vào giây phút con bé ra đời, chúng tôi biết mình đã quyết định đúng đắn.

Mọi người thường chỉ trích NHS (tổ chức chuyên cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Anh) nhưng theo những gì tôi thấy, họ rất tận tâm với mong muốn cứu Naomi và Vanellope. Tôi không biết phải cảm ơn họ như thế nào cho đủ vì những gì họ đã làm’.

Lạc vị tim

Ectopia cordis, hay còn gọi là ‘trái tim nằm ngoài lồng ngực’ là một dị tật phát triển ở những giai đoạn đầu của thai nhi.  

Hội chứng này cho trái tim phát triển một phần hoặc toàn bộ bên ngoài lồng ngực, thường là ở cổ, ngực, bụng hoặc tử cung.

Nó thường đi kèm với bệnh tim bẩm sinh và các dị tật khác, khiến tỉ lệ sống sót của bệnh nhân rất thấp.

Theo dự đoán, trên thế giới có 8 trên 1 triệu trẻ em mắc hội chứng này, với không quá 10% qua khỏi.

Quỳnh Anh

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính