Sữa là thực phẩm có hàm lượng canxi cao và vô cùng quan trọng với sự phát triển chiều cao của trẻ. Tuy nhiên, ngay cả sữa tươi tiệt trùng – loại sữa đã loại bỏ hết vi khuẩn, cũng có thể gây những phản ứng như nôn mửa, đầy bụng nếu như bảo quản và sử dụng sai cách.
1. Chọn mua sữa đúng cách
Khi mua sữa đóng hộp, bạn cần kiểm tra ngày hết hạn sử dụng đầu tiên. Hãy chọn sản phẩm có ngày hết hạn xa nhất trên kệ hàng.
Trong quá trình vận chuyển sữa, có thể có một tỷ lệ nhất định sản phẩm bị lỗi. Vì vậy, nếu phát hiện thấy hộp sữa bị phồng, móp méo... tốt nhất không nên cố sử dụng.
2. Trữ sữa với nhiệt độ phù hợp
Nếu nhiệt độ nơi trữ sữa quá cao, có ánh nắng trực tiếp chiếu vào, sữa sẽ dễ bị lên men, phát sinh những vi sinh vật có hại.
Ngay cả khi bạn trữ sữa trong tủ lạnh, cũng phải để sữa trong kệ tủ chứ không để ở cánh cửa tủ lạnh. Điều này sẽ đảm bảo rằng sữa sẽ đủ lạnh và an toàn trong thời gian lưu trữ kéo dài.
3. Không uống sữa khi vốn đang bị đầy bụng
Do những vấn đề liên quan đến chế độ ăn uống, bạn có thể bị đầy bụng. Khi đó tuyệt đối không nên uống sữa.
Trong thành phần của sữa có chứa đường lactose, chất béo, chất đạm... Hệ tiêu hóa phải có đầy đủ các enzym cần thiết để “bẻ gẫy” liên kết phân tử của các chất này.
Nếu hệ tiêu hóa đang mất cân bằng, bạn vốn đã đầy bụng, khó tiêu, thì việc uống thêm một ly sữa chắc chắn không phải là một ý hay.
4. Không uống sữa sau khi ăn các thực phẩm nhiều đạm, mỡ
Uống sữa sau khi ăn các thực phẩm nhiều đạm, nhiều mỡ sẽ làm hệ tiêu hóa bị quá tải.
Nếu ăn các thực phẩm cùng nhau, bạn sẽ nhanh chóng thấy triệu chứng ợ hơi, đầy bụng, khó chịu... ngay sau khi ăn hoặc sau khi ăn vài giờ.
5. Không uống sữa sau khi ăn, uống các món có vị chua
Acid trong trái cây, thực phẩm có vị chua sẽ phá hỏng các enzym giúp tiêu hóa sữa.
Ngoài ra, trái cây chua hoặc nước trái cây có thể làm sữa kết tủa và trở nên rất khó tiêu hóa.
Để giữ phản ứng hóa học này không xảy ra, tốt nhất nên uống sữa sau khi ăn các món có vị chua ít nhất 30 phút.
6. Nếu có những dấu hiệu về bệnh dạ dày, nên ngừng uống sữa
Thực chất, sữa có chứa acid ở mức độ thấp. Sữa đồng thời kích thích dạ dày sản sinh thêm acid.
Vì vậy, nếu vốn đã bị đau dạ dày, tốt nhất nên hạn chế uống sữa. Sữa sẽ chỉ làm cơn đau dạ dày trở nên tồi tệ hơn mà thôi.
7. Dừng uống sữa ngay nếu thấy có dấu hiệu dị ứng sữa hoặc bất dung nạp lactose
Sữa là thực phẩm bổ dưỡng nhưng có một số người lại dị ứng lại thực phẩm này, nguyên nhân là do hệ đề kháng phản ứng lại một hoặc một số protein được tìm thấy trong các sản phẩm sữa.
Sự không dung nạp protein sữa tạo ra một kháng thể, ảnh hưởng đến các hệ thống hô hấp, hệ tiêu hóa và da liễu.
Triệu chứng cụ thể có thể là đầy bụng, buồn nôn, táo bón, tiêu chảy, khó tiêu, chảy nước mũi, mũi bị tắc nghẽn, ho kéo dài, viêm xoang tái phát, phát ban hoặc mụn, nhức đầu và mệt mỏi...
Những người bị bệnh chỉ có thể có một hoặc một vài trong số những triệu chứng này. Một số người có thể chỉ cần giảm lượng sữa tiêu thụ để tránh gây dị ứng, một số khác cần tránh uống sữa hoàn toàn.
Bất dung nạp lactose là hiện tượng không thể tiêu hóa lactose, một loại đường tìm thấy trong sữa và các sản phẩm từ sữa.
Trong đa số các trường hợp, bất dung nạp lactose cũng làm cho người bệnh bị đầy bụng, tiêu chảy, nôn mửa...
Có những người ban đầu không bị bất dung nạp lactose, nhưng sau đó lại mắc phải chứng này. Nguyên nhân là do theo thời gian, lượng lactase (một enzym để tiêu hóa lactose) tự nhiên sẽ giảm dần, tỷ lệ nghịch với tuổi tác.
Thông thường, những người có vấn đề như trên cũng sẽ không tiêu thụ được các sản phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai, bơ, kem...