Hãy nhận diện những dấu hiệu căng thẳng này trong gia đình và tham khảo cách loại bỏ chúng khỏi gia đình mình nhé!
1. Mọi người đều khó ngủ
Khi bạn bị căng thẳng cao độ, mất ngủ là dấu hiệu đầu tiên. Việc mất ngủ triền miên có thể làm cho bạn căng thẳng, lo lắng – và do đó lại càng stress hơn.
Nếu trong gia đình có hơn 1 người mất ngủ, hãy cho bọn trẻ đi ngủ sớm hơn nửa giờ.
Từ bỏ tất cả các thiết bị điện tử như Tivi, smartphone từ 9h30 tối sẽ giúp cho không khí gia đình trầm lắng hơn, chuẩn bị cho một giấc ngủ sâu giúp phục hồi năng lượng.
2. Cả nhà đang hét lên với nhau
Tình trạng nói to, la hét, nói những câu cụt ngủn… cảnh báo rằng áp lực đang đè nặng lên các thành viên trong gia đình.
Hãy lắng nghe bằng đôi tai và cả trái tim mình, đôi khi chính bạn đang stress đến mức không nhận ra mình đang to tiếng và làm phiền.
Bác sĩ Altmann (Hoa Kì) tư vấn: ‘Bạn có thể nói: Mẹ cần con, chúng ta sẽ nằm ở đây, chỉ cần ôm nhau và hít thở sâu. Rồi bắt đầu lại’.
‘Sự thư giãn cần thiết với bạn bao nhiêu thì cũng cần với những người thân trong gia đình bạn như vậy’ – bà bổ sung
3. Gia đình bạn đã bỏ bữa ăn tối – bữa ăn ngồi chung duy nhất trong ngày
Sự thật đáng buồn là: khi một cặp đôi đang bị căng thẳng và chán nản, bọn trẻ thường nhận ra điều này và tìm cách tránh khỏi những bữa ăn tối nặng nề.
Để làm cho bữa tối vui vẻ trở lại, các chuyên gia tâm lý gợi ý một mẹo nhỏ: đề nghị mọi người trong gia đình viết ra giấy một điểm tích cực của thành viên khác trong nhà, bỏ tờ giấy đó vào chiếc giỏ ở giữa bàn.
Suốt bữa ăn, hãy nhấc lần lượt các ‘giấy khen’ ra và đọc to cho mọi người nghe.
‘Cách này có thể giúp mọi người, đặc biệt là bọn trẻ mong đợi đến bữa ăn, và đó là cách tuyệt vời để đưa ra lời khen cho những điều đặc biệt, thay vì chỉ khen ngợi chung chung’ – bác sĩ Mary Alvord, nhà tâm lý học tại Mĩ cho biết.
4. Bọn trẻ trở nên lặng lẽ hơn
Trẻ con rất nhạy cảm với những căng thẳng trong gia đình. Trong suốt thời gian bố mẹ bị stress, bọn trẻ lớn thường có xu hướng rút vào phòng riêng, tách biệt với cả nhà.
Trong khi đó, trẻ nhỏ hơn thường ít trò chuyện, chơi đùa với bố mẹ hơn.
‘Nói chuyện với con. Nói chuyện và không ngừng trò chuyện một cách cởi mở. Nếu bạn đang căng thẳng, bạn cần chân thành với con.
Có thể chia sẻ cả cách bạn vượt qua, ví dụ: Mẹ đi tắm nước nóng một chút để đỡ mệt đây’ – bác sĩ Mary Alvord nói.
Một phương pháp tương tự là: đảm bảo bạn là hình mẫu tốt cho trẻ noi theo trong việc kiểm soát căng thẳng.
Ví dụ, nếu đang bị stress, bạn quyết tâm thay đổi lối sống như: tập thể dục thường xuyên, ăn uống lành mạnh, ngủ đủ… Khi bạn quyết tâm thay đổi mình theo hướng tích cực, con cái chắc chắn sẽ học theo.
5. Bạn đang gặp khó khăn trong công việc.
Bạn vừa trễ một deadline hay thực hiện hỏng một bài thuyết trình chính? Stress có thể là thủ phạm, vì nó khiến bạn mất khả năng tập trung.
Bác sĩ Alvord khuyên bạn nên xác định những điểm ‘thắt cổ chai’ lớn nhất của bạn. Ví dụ, nếu đi ra ngoài đúng giờ vào buổi sáng hơi khó khăn với bạn, bạn có thể chuẩn bị kỹ lưỡng các việc vào tối hôm trước để sáng hôm sau có thể tiết kiệm thời gian hơn.
6. Cả nhà đều bị ốm
Thực ra thời tiết thay đổi hay tuổi tác chỉ là lý do phụ, stress kéo dài mới là nguyên nhân chính.
Trẻ con có thể kêu ca bị đau bụng, đêm giật mình vì ác mộng, trong khi các anh chị của chúng bị đau đầu.
Bố mẹ thì thường bị đau cổ, vai và lưng. Cùng lúc, cả nhà đều bị mất ngủ.
Khi bị căng thẳng quá mức, hệ miễn dịch của con người bị suy giảm và các bệnh tật có cơ hội tấn công.
Hãy cố gắng dậy sớm, thường xuyên vệ sinh nhà cửa và cơ thể sạch sẽ, tập thể dục và ăn uống lành mạnh.
Để giải quyết tận tốc vấn đề, hãy tìm cách giảm stress bằng cách thư giãn cùng nhau, đơn giản có thể là cùng chơi một trò chơi vận động hoặc đi dạo cùng nhau trong khu chung cư gần nhà.
7. Bạn và bọn trẻ đang ‘chạy đua’ cả ngày
Bố mẹ phải đưa đón con chạy từ lớp học thêm ngoài giờ này đến lớp học ngoài giờ khác, những đợt tắc đường triền miên…
Đây có thể là nguyên nhân khiến cả nhà mệt mỏi, đau nhức cơ thể, đau đầu, đau dạ dầ… và hàng loạt các vấn đề sức khỏe khác.
Nếu bạn cảm thấy gia đình mình đang quá stress vào thời điểm này, hay thử ‘dập cầu dao’. Nghĩa là: ngừng những hoạt động quá vất vả trong vòng ít nhất 10 hơi thở sâu.
Thà đến muộn một buổi học thông thường vài phút còn hơn đến đúng giờ nhưng sau đó mọi người đều mệt mỏi.
Chiến lược lâu dài để giải quyết cả 7 vấn đề nêu trên là gì? Cuối cùng, hãy suy nghĩ thật nghiêm túc về việc tạo sự cân bằng trong cuộc sống gia đình.
‘Nếu bạn thấy rằng bọn trẻ đang phải học tập quá nhiều, thì hãy xem xét: việc đó có tốt cho sức khỏe của chúng không? Con cái cần được nghỉ ngơi, cha mẹ của chúng cũng vậy’ – bác sĩ Alvord đưa ra lời khuyên.