Rất nhiều người phàn nàn rằng mình bị tình trạng 'não cá vàng', đang đinh làm gì đó nhưng lại quên ngay. Rất có thể là do 1 trong 6 nguyên nhân sau.
Một nguyên nhân có thể gây tình trạng não cá vàng đó là căng thẳng.
Stress mạn tính có thể tăng đường huyết, làm suy giảm hệ miễn dịch và có thể gây ra trầm cảm. Nó cũng có thể gây mệt mỏi về mặt tinh thần.
Khi não bị mệt, nó sẽ khó có thể nghĩ và tập trung như bình thường. Đó là lý do tại sao chúng ta có lúc nhớ lúc quên một điều gì đó.
Giấc ngủ quan trọng đối với sức khỏe con người. Nếu mất ngủ, chức năng bộ não cũng bị ảnh hưởng theo.
Các chuyên gia cho rằng ngủ đủ 8 - 9 tiếng/ngày có thể giảm tình trạng bị "não cá vàng" như trên. Ngủ quá ít sẽ khiến bạn khó tập trung và khó nghĩ hơn.
Thay đổi hormone estrogen và progesterone trong quá trình mang thai có thể gây ra tình trạng não cá vàng.
Sự thay đổi này có thể ảnh hưởng đến não và gây "mất trí nhớ" trong một khoảng thời gian ngắn.
Bên cạnh đó, nồng độ estrogen giảm trong quá trình mãn kinh cũng có thể gây chứng "đơ" ở não, khó tập trung suy nghĩ.
Dinh dưỡng cũng là một yếu tố có thể gây nên tình trạng não cá vàng. Vitamin B12 giúp tăng cường chức năng của não, nhưng nếu thiếu vitamin này có thể khiến não giảm chức năng.
Ngoài ra, dị ứng thức ăn cũng có thể ảnh hưởng đến não.
Giảm trí nhớ tạm thời như vậy có thể là một dấu hiệu của tác dụng phụ khi dùng thuốc. Nếu bạn giảm liều lượng thuốc hoặc đổi sang thuốc khác có thể gây ra tình trạng nhớ quên lẫn lộn.
Đặc biệt tình trạng não cá vàng rất hay xảy ra sau khi điều trị ung thư.
Một số vấn đề sức khỏe liên quan như viêm, mệt mỏi hoặc thay đổi nồng độ glucose trong máu cũng có thể gây mệt mỏi về tinh thần.
Ví dụ như tình trạng não cá vàng là một dấu hiệu của hội chứng mệt mỏi mạn tính, tức là tình trạng mệt xuất hiện trên 6 tháng.
Vì thế, nếu tình trạng trí nhớ có vấn đề, bạn có thể xem lại những yếu tố trên đây và điều chỉnh. Nếu tình trạng không thuyên giảm, mệt mỏi thường xuyên, bạn nên đi khám sớm để được tư vấn kịp thời.
(Theo Healthline)