Nhiều người dân 'phớt lờ' với việc đi đổi Chứng minh thư sang thẻ Căn cước công dân gắn chíp mà không biết có thể sẽ bị phạt tiền.
Luật sư Đăng Thị Thu (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, căn cứ Điều 5 Nghị định 05/1999/NĐ-CP về Chứng minh nhân dân (CMND), những trường hợp sau đây phải làm thủ tục đổi Chứng minh nhân dân :
- Chứng minh nhân dân hết thời hạn sử dụng;
- Chứng minh nhân dân hư hỏng không sử dụng được;
- Thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh;
- Thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Thay đổi đặc điểm nhận dạng.
Trường hợp bị mất Chứng minh nhân dân thì phải làm thủ tục cấp lại.
Như vậy, có đến 05 trường hợp người dân bắt buộc phải đi đổi thẻ và 01 trường hợp phải xin cấp lại thẻ Chứng minh nhân dân. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021, cả nước đã ngừng cấp Chứng minh nhân dân và Căn cước công dân mã vạch.
Thay vào đó, thẻ Căn cước công dân gắn chip ra đời với nhiều tiện ích hơn. Vì thế, nếu thuộc đối tượng đổi hoặc cấp lại Chứng minh nhân dân, người dân phải đổi sang Căn cước công dân gắn chip nếu không muốn bị xử phạt.
Theo điểm b khoản 1 Điều 9 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định việc xử phạt vi phạm quy định về quản lý, sử dụng Chứng minh nhân dân như sau, nếu thuộc trường hợp phải đổi/cấp lại Chứng minh nhân dân mà không đi đổi/cấp lại, người dân sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 200.000 đồng.
Đối với việc đổi thẻ Căn cước công dân mã vạch sang gắn chip, theo Điều 23 Luật Căn cước công dân 2014 thì:
1. Thẻ Căn cước công dân được đổi trong các trường hợp sau đây:
a) Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật này;
b) Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được;
c) Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng;
d) Xác định lại giới tính, quê quán;
đ) Có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân;
e) Khi công dân có yêu cầu.
2. Thẻ Căn cước công dân được cấp lại trong các trường hợp sau đây:
a) Bị mất thẻ Căn cước công dân;
b) Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam.
Thủ tục đổi CMND sang CCCD gắn chip tiến hành thế nào?
Căn cứ: Điều 22 Luật Căn cước công dân, Điều 12 Thông tư 07/2016/TT-BCA (sửa đổi bởi Thông tư 40/2019/TT-BCA).
Bước 1: Người dân điền vào Tờ khai Căn cước công dân tại Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an cấp huyện hoặc khai trên Cổng dịch vụ công trực tuyến (khi đi mang theo Sổ hộ khẩu và CMND cũ.
Trường hợp Sổ hộ khẩu và CMND không đầy đủ thông tin như trên Tờ khai thì mang theo Giấy khai sinh và các giấy tờ khác để đối chiếu thông tin).
Bước 2: Khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa đi vào hoạt động hoặc đầy đủ thông tin, công dân phải xuất trình Sổ hộ khẩu (nếu chưa đầy đủ thì xuất trình CMND cũ, giấy khai sinh...) để đối chiếu thông tin với Tờ khai. Nộp lại CMND cũ (để cắt góc hoặc thu hồi).
Bước 3: Thu thập vân tay, chụp ảnh
Trường hợp công dân đủ điều kiện làm CCCD gắn chip, thủ tục thì cán bộ cơ quan quản lý CCCD chụp ảnh, thu thập vân tay, đặc điểm nhận dạng của người đến làm thủ tục cấp thẻ CCCD để in trên Phiếu thu nhận thông tin CCCD và thẻ CCCD theo quy định.
Cán bộ cơ quan quản lý CCCD thu nhận vân tay của công dân qua máy thu nhận vân tay; trường hợp ngón tay bị cụt, khèo, dị tật, không lấy được vân tay thì ghi nội dung cụ thể vào vị trí tương ứng của ngón đó.
Bước 4: Nhận giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân và nộp lệ phí.
Bước 5: Nhận kết quả theo giấy hẹn.
Có thể nhận trực tiếp hoặc qua Bưu điện. Nếu nhận qua đường Bưu điện thì công dân phải đăng ký và tự trả phí.