5 chiêu trò marketing các cửa hàng bán lẻ sử dụng để 'thao túng' khách hàng

Nhân viên cửa hàng bán lẻ có những kỹ năng nhất định khiến khách hàng chi tiêu nhiều hơn mà không nhận ra.

Dưới đây là một số thủ thuật marketing mà các cửa hàng bán lẻ thường sử dụng để "thao túng" ví tiền của bạn.

1. Khu bán đồ hạ giá lộn xộn là có lý do

Các nhân viên bán hàng cố tình để khu bán đồ hạ giá lộn xộn là có lý do riêng.

Vì điều này sẽ khiến khách hàng muốn quay trở lại khu trưng bày sản phẩm gọn gàng, sạch sẽ với các bộ sưu tập mới, và tất nhiên là đắt tiền hơn.

2. Cửa hàng outlet chưa chắc đã là món hời

Cửa hàng outlet là cách gọi các cửa hàng chuyên bán hàng tồn kho, lỗi mốt...

Về mặt lý thuyết, đây là phát kiến tuyệt vời vì bạn sẽ có thể tìm được sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng với giá thấp hơn ở đây.

Nhưng không may là thực tế thường không phải vậy. Hầu hết các cửa hàng outlet hoạt động như một thương hiệu riêng biệt.

Thông thường, các cửa hàng này sẽ bán những sản phẩm được sản xuất riêng cho nó, tức là vốn dĩ đó đã là mặt hàng giá rẻ.

Do vậy, việc giá tiền trên nhãn được gạch chéo và ghi lại giá mới chỉ là một chiêu trò tiếp thị, do quần áo ở các cửa hàng outlet thường có chất lượng kém hơn.

3. Nhân viên bán hàng với thái độ khinh thường có thể 'kích thích' khách mua nhiều hơn

Theo một nghiên cứu, khách hàng dễ có khả năng mua nhiều hơn nếu họ bị kích thích bởi nhân viên bán hàng có thái độ khinh thường, hợm hĩnh.

Tuy nhiên, điều này sẽ chỉ đúng với các cửa hàng bán lẻ xa xỉ.

Khi bước vào các cửa hàng này, khách hàng sẵn sàng mua những sản phẩm đắt đỏ.

Và nếu nhân viên tỏ thái độ "Bạn không đủ tiền mua thứ đó đâu" rõ ràng trên mặt, thì giá trị món hàng sẽ càng tăng lên trong tâm trí của vị khách.

Và kết quả là họ sẽ vui vẻ mua sản phẩm đó.

4. Các mặt hàng được bày trên mặt bàn có nhiều khả năng được mua hơn

Ở nhiều cửa hàng, quần áo và giày dép thường được bày trên mặt bàn phẳng. 

Điều này cho phép khách hàng có thể để đồ của mình xuống và dùng cả hai tay để cảm nhận sản phẩm.

Thực tế, được chạm vào sản phẩm là một yếu tố quan trọng dẫn tới quyết định mua hàng.

Do đó, khác với những món hàng treo trên giá, các sản phẩm đặt trên bàn thường sẽ bán hết nhanh hơn.

5. Mác giá đóng vai trò quan trọng

Rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng nhu cầu mua sắm của khách hàng, trong đó có nhãn mác in giá tiền.

Thông thường, các sản phẩm đắt tiền hơn sẽ được in không có dấu chấm (hoặc phẩy) phân cách hàng nghìn, triệu, tỷ,... 

Như vậy sẽ làm con số trông có vẻ ngắn hơn và không quá đáng sợ đối với khách hàng, theo góc độ tâm lý học.

Những nhà bán lẻ nắm được mẹo này sẽ viết giá "1500 USD" thay vì "1,500 USD".

Những con số với dấu phẩy (chấm) sẽ khiến khách hàng cảm thấy là đắt tiền hơn và dễ bỏ món hàng xuống, so với những sản phẩm không có dấu phẩy (chấm) phân cách trong giá tiền.

(Theo Bright Side)

Hoàng Nguyên/giadinhmoi.vn

Tin liên quan